Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích cấu tứ và sự chi phối của cấu tứ đối với hệ thống hình ảnh trong bài thơ “Mồ côi”.

Tìm hiểu tác giả Tố Hữu và bài thơ Mồ Côi

Tác giả Tố Hữu

Tiểu sử của Tố Hữu

  • Tên thật: Nguyễn Kim Thành
  • Bút danh: Tố Hữu
  • Ngày sinh: 4/10/1920
  • Ngày mất: 9/12/2002
  • Quê quán: Làng Phù Lai, gần cố đô Huế

Cuộc đời:

  • 1938: Bắt đầu làm thơ từ năm 18 tuổi và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
  • 1939: Bị quân Pháp bắt vào tháng 4.
  • 1942: Vượt ngục Đác Giây tháng 3, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Thanh Hoá.
  • Cách mạng tháng Tám: Giữ chức Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Huế.

Sự nghiệp văn học:

  • Năm 1946: Xuất bản tập thơ đầu tay “Từ ấy.
  • Kháng chiến chống Pháp: Các bài thơ như “Phá đường”, “Bầm ơi” đã trở thành gợi ý về phương pháp sáng tác hiện thực.
  • Năm 1954: Miền Bắc giải phóng, xuất bản tập thơ “Gió lộng”, thể hiện niềm phấn chấn xây dựng đất nước với các bài thơ như “Em ơi Ba Lan”, “Mẹ Tơm”, “Người con gái Việt Nam”, “Tiếng chổi tre”.
  • Kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Tập thơ “Ra trận” khái quát thời đại và cộng hưởng với lòng người, bao gồm các bài thơ như “Lá thư Bến Tre”, “Lời dặn của anh Trỗi”, kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, và khóc Hồ Chủ tịch.
  • Tập thơ cuối: “Một tiếng đờn”, tiếp tục khai thác đề tài cách mạng và đời sống đất nước, phản ánh sự đấu tranh nội tâm và chiêm nghiệm cuộc đời.

Chức vụ:

  • Ủy viên Bộ Chính trị
  • Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ

Di sản:

  • Tố Hữu được coi là một con chim đầu đàn của thi ca Việt Nam hiện đại.
  • Thơ ông trở thành chỗ dựa tâm hồn cho nhiều người qua các giai đoạn lịch sử.

Bài thơ Mồ côi

Con chim non rũ cánh
Đi tìm tổ bơ vơ
Quanh nẻo rừng hiu quạnh
Lướt mướt dưới dòng mưa.

Con chim non chiu chít
Lá động khóc tràn trề
Chao ôi buồn da diết
Chim ơi biết đâu về.

Gió lùa mưa rơi rơi
Trên nẻo đường sương lạnh
Đi về đâu em ơi
Phơi thân tàn cô quạnh!

Em sưởi trong bàn tay
Cho lòng băng giá ấm
Lìa cành lá bay bay
Như mảnh đời u thảm!

Con chim non không tổ
Trẻ mồ côi không nhà
Hai đứa cùng đau khổ
Cùng vất vưởng bê tha

Rồi ngày kia rã cánh
Rụi chết bên đường đi…
Thờ ơ con mắt lạnh
Nhìn chúng: “Có hề chi!”

Huế, tháng 10-1937

(Mồ côi, Tố Hữu[1], in trong Từ ấy, Nxb Văn học, Hà Nội, 1946)

Nội dung: Bài thơ Mồ côi của Tố Hữu nói về những mảnh đời bất hạnh, những em bé đã mất đi cả cha lẫn mẹ của mình và không còn chốn nương tựa. Bài thơ cho thấy nhà thơ Tố Hữu có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, giàu lòng yêu thương. Chỉ bắt gặp hình ảnh con chim non lạc mẹ, một em bé mồ côi bên đường cũng đủ để nhà thơ bồi hồi thương cảm, thấy buồn da diết và không thôi tự hỏi Đi về đâu em ơi. Tâm hồn, tình cảm ấy được bộc lộ trong bài thơ, gợi sự xót xa, đồng cảm nơi người đọc và từ đó, bồi dưỡng tình yêu thương cho bản thân.

Ý nghĩa: Bài thơ “Mồ Côi” của Tố Hữu mang đến hình ảnh đau đớn và cô đơn của cuộc sống mồ côi. Tác giả tạo nên sự đồng cảm và thông cảm với những người mồ côi thông qua hình ảnh con chim non. Bài thơ gợi lên những suy nghĩ về sự bất công và tàn nhẫn của xã hội đối với những người yếu đuối.

Phân tích cấu tứ và sự chi phối của cấu tứ đối với hệ thống hình ảnh trong bài thơ Mồ côi

1. Khái quát tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận:

– Tác giả, tác phẩm: Tố Hữu (1920-2002), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Thơ Tố Hữu mang phong cách trữ tình chính trị, thể hiện lẽ sống, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam hiện đại nhưng mang đậm chất dân tộc, truyền thống. “Mồ côi” là bài thơ thuộc giai đoạn đầu trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu.

– Nêu vấn đề nghị luận: phân tích cấu tứ và sự chi phối của cấu tứ đối với hệ thống hình ảnh trong bài thơ “Mồ côi”.

 

2. Triển khai vấn đề nghị luận:

– Cấu tứ của bài thơ: Bài thơ có cấu tứ tương đối rõ: tác giả mượn hình ảnh con chim non bơ vơ trong chiều mưa lạnh để nói về số phận của những đứa trẻ mồ côi.

– Cấu tứ trên dẫn đến bài thơ có hai hình ảnh nổi bật và tương đồng: con chim non và đứa bé mồ côi.

+ Phần đầu nói về hình ảnh con chim non tội nghiệp: con chim non mất tổ, trong chiều mưa lạnh, bơ vơ không có nơi để về.

+ Phần tiếp theo, từ hình ảnh con chim non bơ vơ, tác giả đưa người đọc đến với hình ảnh thứ hai, hình ảnh đứa bé mồ côi: nó cũng bơ vơ không nhà, lang thang trong chiều mưa lạnh.

+ Phần cuối, tác giả thực hiện phép so sánh giữa hai hình ảnh để làm nổi bật sự tương đồng: đó đểu là những số phận đáng thương, tội nghiệp. Có thể một ngày, không chống chọi lại được với cuộc sống khắc nghiệt, chúng sẽ chết đi dưới con mắt thờ ơ, ghẻ lạnh của người đời.

– Qua bài thơ, ta thấy được tinh thần nhân đạo của tác giả:

+ Đồng cảm xót thương đối với những số phận bất hạnh.

+ Ngầm phê phán sự thờ ơ, vô cảm của người đời.

3. Đánh giá khái quát vấn đề ở đề bài.

Cảm nhận bài thơ Mồ côi của Tố Hữu

“Mồ côi” là bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Dân. Theo tác giả chia sẻ, nội dung của bài thơ này chính là những gì đã xảy ra trong cuộc đời của ông. Bài thơ nói về những mảnh đời bất hạnh, những em bé đã mất đi cả cha lẫn mẹ của mình và không còn chốn nương tựa. Mở đầu, tác giả Tố Hữu đã miêu tả cho chúng ta thấy về hình ảnh của chú chim non. Non nớt, nhỏ bé, dễ bị tổn thương, ấy vậy mà chú ta phải tự đi tìm chiếc tổ của riêng mình. Không gian xung quanh thật rộng lớn – ở một khu rừng vắng bóng sự sống của chim muông như đối lập hẳn với sự nhỏ bé của chú chim tội nghiệp kia. Ấy vậy mà trời lại còn đổ cơn mưa lớn, như càng nhấn mạnh thêm khung cảnh ảo não, lạnh lẽo. Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du từng viết rằng: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, có lẽ rằng thật đúng trong hoàn cảnh này. Đó không chỉ là cái lạnh từ không gian bên ngoài, đó còn là cái lạnh trong tâm hồn chú chim nhỏ. Chú kêu lên những tiếng kêu thật buồn, tưởng chừng như chú đang khóc dưới cơn mưa lạnh thấu kia. Đến mức mà tác giả cũng phải thốt lên một câu cảm thán: “Chao ôi buồn da diết”.

Cũng giống như số phận của chú chim, em bé mồ côi cũng chẳng có chốn nương tựa trong cái giá rét của mưa. Nếu như những đứa trẻ khác đang được ở trong nhà sưởi ấm bên trong vòng tay của cha mẹ, thì em bé lại chỉ có thể tự sưởi ấm đôi bàn tay của mình với mong muốn cái lạnh có thể giảm đi chút ít. Thế nhưng, điều đó chỉ có thể hơ ấm trái tim đã lạnh đi theo cơn gió lùa. Nhìn lên cành cây trơ trọi chỉ còn lác đác vài chiếc lá trên ấy, em như liên tưởng tới cuộc đời của mình. Đau xót, đồng cảm làm sao cho những mảnh đời bất hạnh giống như em và chú chim non kia. Chẳng còn ai có thể chăm sóc, che chở cho em được nữa. Rồi cuộc sống của em ngày mai sẽ ra sao? Em còn sống hay sẽ chết? Sẽ chẳng ai có thể đoán ra được cả. Bài thơ không chỉ mang lại giá trị nhân văn sâu sắc về giá trị của con người trước Cách mạng Tháng Tám, đó còn là lời cảnh tỉnh, phê phán những người sống thờ ơ, vô tâm với những điều xảy ra trong cuộc sống xung quanh mình. Bài thơ cũng là lời buộc tội, lên án đanh thép những tội ác của bọn thực dân, bọn bán nước cầu vinh đã khiến cho số phận của con người lâm vào đường cùng, không tìm thấy lối thoát.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *