“Hỏi” là một trong những tác phẩm hay thể hiện rõ nét phong cách chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh. Sau đây, hãy cùng Hocmai360 Phân tích bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh nhé!
Phân tích bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát tác giả Hữu Thỉnh
– Giới thiệu nội dung chính bài thơ Hỏi
– Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh
– Trích thơ
2. Thân bài
a. Giới thiệu phong cách sáng tác của Hữu Thỉnh và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Hỏi
b. Phân tích bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh
* 6 câu thơ đầu: cuộc trò chuyện với thiên nhiên
– Cuộc trò chuyện với đất: “tôn cao” cho thấy mối quan hệ hòa hợp, khắn khít của đất
=> Họ luôn bồi đắp lẫn nhau, cùng nhau tạo nên những ngọn núi đồi hùng vĩ
=> Biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, tạo cho mình một trái tim đầy ấm áp và lương thiện
– Cuộc trò chuyện với nước: “làm đầy” có thể hiểu là sự âm thầm bên cạnh an ủi, chở che, chữa lành những vết thương của nhau
=> Hãy biết cho đi, nâng đỡ nhau, trao đi những yêu thương xuất phát từ trái tim chân thành nhất.
– Cuộc trò chuyện với cỏ: là những loại cây mọc dại, nhỏ bé giữa bầu trời rộng lớn, nhưng chúng biết cách sống, “đan vào nhau” tạo nên những chân trời tuyệt đẹp
=> Mỗi người là mỗi cá nhân riêng lẻ như những sợi cỏ mỏng manh, nhưng nếu ta đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta sẽ có thể tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thách thức.
=> Sáu câu thơ đầu là cuộc trò chuyện đầy ưu tư và thi vị giữa Hữu Thỉnh và vạn vật tự nhiên, mang đến một ý nghĩa rằng: sống yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
* Những câu thơ cuối: là lời độc thoại, câu hỏi đến con người nhưng mãi mãi không có lời hồi đáp
=> Đó lời nhắc nhở của nhà thơ đến con người, hãy suy ngẫm và nhìn lại chính mình: chúng ta đã sống với nhau như thế nào?
=> Đồng thời là lời nhắn nhủ của Hữu Thỉnh đến mọi người, hãy sống yêu thương và có trách nhiệm, rèn luyện cho mình những phẩm chất tốt đẹp.
3. Kết bài
– Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
– Nêu cảm nghĩ của bản thân
Phân tích bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh
Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông là ngòi bút dày dặn kinh nghiệm, chuyên viết về con người, nông thôn, cuộc sống ở làng quê và đặc biệt là mùa thu. Bài thơ “Hỏi” là một trong những tác phẩm hay thể hiện rõ nét phong cách chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh. Qua cuộc đối thoại giữa con người và thiên nhiên, nhà thơ đã đưa ra một câu hỏi khiến độc giả phải suy ngẫm sâu sắc: Người sống với nhau như thế nào?
Tôi hỏi đất: – Đất sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước: – Nước sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ: – Cỏ sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người: – Người sống với nhau như thế nào?
Tôi hỏi người: – Người sống với nhau như thế nào?
Tôi hỏi người: – Người sống với nhau như thế nào?
Hữu Thỉnh là một nhà thơ, nhà văn chiến sĩ với các bình phẩm về con người và cuộc sống của người dân sống ở nông thôn, đặc biệt là ở nơi kháng chiến chống Mỹ đầy mưa bom bão đạn. Dù sống hoàn cảnh đầy khó khăn, nhưng ông vẫn luôn giữ một tâm hồn mộng mơ, mong muốn về cuộc sống bình yên. Những vần thơ tinh tế của ông luôn mang đến cho bạn đọc dòng cảm xúc bâng khuâng, nhẹ nhàng, vấn vương trước sự biến chuyển của thời gian, của thiên nhiên. Bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh được xây dựng theo hình thức đối thoại. Chủ thể là người hỏi, đối tượng trả lời hướng tới vạn vật tự nhiên như: đất, cỏ nước với lăng kính đầy ưu tư, thi vị, để rồi những câu thơ cuối là những suy tư, phiền muộn về cách sống giữa người với người.
Những dòng thơ đầu, Hữu Thỉnh trò chuyện cùng thiên nhiên rộng lớn, nhằm khám phá, tìm hiểu cách sống giữa vạn vật.
Tôi hỏi đất: – Đất sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi tôn cao nhau.
Đất tuy ở dưới, tuy thấp nhưng lại có cách sống cao quý, biết yêu thương, nâng đỡ, “tôn cao nhau”. “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Từ “tôn cao” cho thấy mối quan hệ hòa hợp, khắn khít của đất, họ luôn bồi đắp lẫn nhau, cùng nhau tạo nên những ngọn núi đồi hùng vĩ. Qua cách sống của đất, Hữu Thỉnh muốn mang đến thông điệp rằng, mỗi người chúng ta dù xa lạ hay quen biết thì cũng hãy biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, tạo cho mình một trái tim đầy ấm áp và lương thiện. Cuộc đời đã quá nhiều chông gai, khi ta dang tay giúp đỡ một ai đó là chúng ta đang giúp họ xóa đi một nỗi buồn trong tim họ.
Tôi hỏi nước: – Nước sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi làm đầy nhau.
“Làm đầy nhau” cũng như là một cách tôn cao nhau. Nước nhẹ nhàng, trong veo, hòa hợp lẫn nhau, là sự kết hợp từ nhiều ngọn nguồn. Do đó, “làm đầy” có thể hiểu là sự âm thầm bên cạnh an ủi, chở che, chữa lành những vết thương của nhau. Con người không ai là hoàn hảo cả, chúng ta hãy biết cho đi, nâng đỡ nhau để hoàn thiện từng ngày. Khi ta biết giúp đỡ, yêu thương lẫn nhau, cuộc sống cũng sẽ trở nên tốt đẹp và nhẹ nhàng với mình hơn. Vậy nên, hãy biết “làm đầy nhau”, trao đi những yêu thương xuất phát từ trái tim chân thành nhất.
Tôi hỏi cỏ: – Cỏ sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Cỏ là những loại cây mọc dại, nhỏ bé giữa bầu trời rộng lớn, nhưng những đám cỏ ấy biết “đan vào nhau”, nương tựa nhau để tạo nên những chân trời tuyệt đẹp. Qua cách sống của cỏ, chúng ta có thể dễ dàng thấy được hình ảnh của con người. Mỗi người là mỗi cá nhân riêng lẻ như những sợi cỏ mỏng manh, nhưng nếu ta đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta sẽ có thể tạo nên sức mạnh vô địch, vượt qua mọi khó khăn thách thức. Từ đó, có thể thấy tầm quan trọng của đoàn kết là vô cùng mạnh mẽ và thiêng liêng.
Sáu câu thơ đầu là cuộc trò chuyện đầy ưu tư và thi vị giữa Hữu Thỉnh và vạn vật tự nhiên. Nhà văn nhân hóa mọi sự vật, khiến mọi thứ trở nên có tri giác, họ trả lời những âu lo phiền muộn của chủ thể trữ tình đối với cách sống của thiên nhiên và con người. Các từ “tôn cao”, “làm đầy”, “đan vào nhau” đều có chung một trường ý nghĩa rằng: yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Từ cách sống của sự vật tự nhiên, nhà thơ muốn nhắn nhủ đến con người hãy biết san sẻ, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giúp đỡ nhau tiến bộ và hoàn thiện mỗi ngày.
Qua cuộc trò chuyện với thiên nhiên, nhà thơ đã có những chiêm nghiệm, băn khoăn sâu sắc về con người và các sống của họ.
Tôi hỏi người: – Người sống với nhau như thế nào?
Tôi hỏi người: – Người sống với nhau như thế nào?
Tôi hỏi người: – Người sống với nhau như thế nào?
Những dòng thơ cuối là lời độc thoại, tác giả đặt câu hỏi ba lần khiến câu văn, nhịp điệu trở nên khẩn trương, đầy khắc khoải, và đặc biệt nó được đặt ở cuối bài thơ như câu hỏi mãi không có lời giải đáp. Tác giả đặt câu hỏi với tự nhiên vô tri vô giác thì lại có câu trả lời, nhưng với con người thì lại không. “– Người sống với nhau như thế nào?”. Đó như là một lời nhắc nhở của nhà thơ đến con người, hãy suy ngẫm và nhìn lại chính mình: chúng ta đã sống với nhau như thế nào?
Cuộc trò chuyện như là lời nhắn nhủ của Hữu Thỉnh đến mọi người, hãy sống yêu thương và có trách nhiệm. Nhìn nhận lại chính mình, từ đó có những cái nhìn đúng đắn và phù hợp với cuộc đời. Biết tự điều chỉnh, rèn luyện cho mình những đức tính, phẩm chất cao quý và tốt đẹp như: sống yêu thương, chan hòa, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn thách thức và hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Giữa cuộc sống bộn bề lo âu và vất vả, chúng ta hãy nhẹ nhàng, trao đi những yêu thương và sẻ chia, tuy nhỏ bé nhưng đó có thể là ngọn lửa sưởi ấm trái tim của một con người, một tấm lòng đáng trân quý và trân trọng. Với những vần thơ nhẹ nhàng và đầy xúc cảm, bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh sẽ luôn gây ấn tượng sâu đậm khó phai trong lòng độc giả bằng những cảm xúc chân thật nhất mà tác phẩm đã mang lại.