Phân tích bài thơ hoa cỏ may


Phân tích bài thơ hoa cỏ may - Mẫu 1

Bỗng một ngày kia, những lá hoa cây cỏ lại xuất hiện trong tâm trí của chúng ta. Lá hoa âu yếm, ôm ấp quấn quýt nhau sống trọn một kiếp người. Khi hoa tỏa hết hương, khoe hết sắc để làm đẹp cho đời thì có lẽ cũng là lúc nó phải rời xa cuộc đời để kết thành quả. Hoa tàn, nhụy nở và trả lại cả một cánh đồng xum xuê quả, chẳng hiểu sao tôi lại hạnh phúc và có cảm xúc lâng lâng khi đọc hai câu trong "Hát ru ll" của thi sĩ Xuân Quỳnh:

"Thời gian như gió thoảng qua

Tình yêu như cánh đồng hoa giữa trời."

Tình yêu đẹp như cánh đồng hoa, xinh tươi đằm thắm. Xuân Quỳnh không chỉ rõ đồng hoa đó là hoa gì... Nhưng phải chăng là loài "hoa dại núi Hoàng Liên", hoa doi, hoa cúc xanh hay hoa phượng nồng? Không, riêng tôi tôi lại nghĩ đó là hoa cỏ may, nhẹ lay bẻn lẻn vu vơ theo cái vuốt ve của chiều gió. Xuân Quỳnh về chốn xưa, và hồi tưởng viết nên bài thơ "Hoa cỏ may" với hình tượng hoa cỏ may chủ đạo nhưng ẩn sau đó là vẻ đẹp của người con gái làm đắm say lòng người.

Phân tích bài thơ hoa cỏ may

Không gian mở ra dường như vô tận. Trong cái tĩnh lặng, êm đềm giữa mênh mang trời nước ấy, lòng người cũng mở ra hòa vào cảnh vật, để lắng được hồn cây lá, nghe được tiếng lòng hư vô:

"Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa

Tên mình ai gọi sau vòm lá

Lối cũ em về nay đã thu."

Bức tranh câu đầu bài thơ được phát họa với những nét tương đối nhẹ nhàng tĩnh lặng, để nhà thơ sống với tâm trạng của người đang tìm về kỷ niệm chốn xưa... Câu thơ giàu hình ảnh nhưng thiếu âm thanh. Có "cây" mà không nghe thấy tiếng lá lay. "Sông đầy" mà không nghe thấy tiếng sóng xô bờ. Tất cả có lẽ đang ngưng đọng cho một sự hồi tưởng... "Xao xuyến" bản chất từ chỉ trạng thái, nhưng ở đây, trước hình tượng trời đất thì nó gợi âm thanh nhiều hơn. Nhưng âm thanh ấy phát ra từ đâu? Từ cái không gian đang chuyển mùa kia chăng?...Là cát, là sông, và nhất là cây. Dừng lại ở cây, nhập vào cây. Và khi cái xao xuyến ấy đã nhập vào cây rồi, thì đó là gió và chỉ còn là gió. Ấy là, nhiều khi chỉ nghe âm thanh, ta đã nhận ra sự vật phát ra âm thanh, hoặc nhận ra cái gì đã tác động vào sự vật nào để phát ra âm thanh ấy, đầy nắng hay đong đầy những nước, hay là cả hai:

"Không gian xao xuyến chuyển sang mùa"

Điển nhìn từ bến sông được mở rộng hơn, xa hơn. Bức tranh thiên nhiên dưới ngòi bút của Xuân Quỳnh sống động hơn khi nhà thơ khoác lên vạn vật sự sống, nghệ thuật nhân hóa đã được dùng khéo léo với hai từ ‘’ngẩn ngơ’’ và ‘’xao xuyến’’. Đất trời bao la đang lắng nghe tiếng vạn vật chuyển mình trong thời khắc giao mùa. Dường như trong khoảnh khắc chuyển mùa ấy thời gian trôi qua khẽ khàng hơn, gọi cả những kỉ niệm ùa về:

"Tên mình ai gọi trong vòm lá

Lối cũ em về nay đã thu."

Nhân vật "em"xuất hiện một cách đầy "tình cờ", thấp thoáng tiếng gọi cất lên sau vòm lá, là tiếng gọi của thời gian đã qua. "Lối cũ" em về rải đầy biết bao mảnh kỉ niệm của những mùa thu qua.

Với lối tả chân thực, màu sắc thường kết hợp từ màu thực là một trong những đặc trưng rất riêng của thơ Xuân Quỳnh. Nhìn thế giới bằng nhãn quan bay bổng, lý tưởng, thể hiện phong cách phóng khoáng, yêu đời, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh thường chọn những gam màu sáng để tô màu cho bức vẽ riêng của mình. Này là màu trắng của mây, màu xanh biếc của trời…. Sắc màu tươi sáng, rõ ràng của đời thực. Từ nét bút vẽ thiên nhiên " mây trắng bay đi cùng với gió" nhà thơ "vẽ" cả tâm hồn mình bằng những vần thơ rất đỗi chân thực "lòng như trời biếc lúc nguyên sơ". Phép so sánh được khéo léo dùng để lấy một hình ảnh trừu tượng là "lòng người" so sánh với hình ảnh cụ thể "trời biếc". Màu xanh gợi ngay cho ta đến niềm tin và hy vọng. Bởi lẽ mỗi một màu sắc có một thứ ngôn ngữ riêng, hiểu được ngôn ngữ của sắc màu đó bằng chính những rung động của trái tim, của cảm tính. Màu xanh trong câu thơ này gợi cho người đọc hình dung về tấm lòng thuần khiết của tình yêu thuở ban đầu.

"Hoa cỏ may" cũng được viết khi nhà thơ đã sang mùa thu của cuộc đời. Điều đó lí giải tai sao nhà thơ lại mở ra trước mắt người đọc một không gian thu xao xuyến đến thế! Mây trắng đã theo đi cùng gió. Bao đắng cay cũng đã gửi lại cho mùa cũ. Lòng đã yên ắng trở lại và trong trẻo như trời biếc. Xuân Quỳnh rất tài khi phơi trải lòng mình, vừa thành thật vừa xúc động:

"Mây trắng bay đi cùng với gió

Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ

Thơ viết đôi dòng theo gió xa"

Thoạt tiên trải ra với cát, với sông, với cây, rồi mở rộng ra đến không gian, đến câu thứ ba lại thu về trong một vòm, để rồi cuối cùng rút lại, tập trung ở đôi bàn chân bồi hồi đặt lên lối cũ. Khác với khổ thơ đầu, khổ thơ thứ hai này câu chữ được cấu trúc thoáng hơn, mạch thơ bằng phẳng hơn, có tư thế của một người "đắng cay gửi lại bao mùa cũ". Thôi thì, gió thổi mây bay, ai chẳng có một thời mà những ước mơ mây trắng bị cuốn theo chiều gió, theo sức hút của một người nào đó.

Khổ thơ cuối cùng ta đọc được ở đó vẫn niềm khát khao yêu và được yêu mãnh liệt của một trái tim phụ nữ hồn hậu. Nhưng ta cũng gặp ở đây một qui luật rất nghiệt ngã của tình yêu. Tình yêu rất đẹp, nhưng cái gì đẹp đều rất mong manh, rất dễ thay đổi theo thời gian và theo những biến động của cuộc đời. ở đây Xuân Quỳnh cũng đã đạt đến đọ sâu sắc như Targo đã từng phát hiện ra một qui luật cũng nghiệt ngã không kém tồn tại trong tình yêu:

"Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu"

(Bài thơ số 28)

Bằng hình ảnh "Hoa cỏ may" rất độc đáo Xuân Quỳnh đã dưa người đọc đến một triết lí:

"Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay."

Vậy là hồn gió vẫn còn lẩn quất đâu đây, trong từng câu thơ, như mũi kim len trong mảnh vải, lúc ẩn lúc hiện. Rõ ràng trước bức tranh khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may không ai là không thấy gió đang khơi động, đang nổi. Thậm chí nó còn có hơi hướng ở câu thơ dưới - trong một sự "sơ ý": áo em sơ ý cỏ găm dày, bởi thật ra thì, hoặc đó chỉ là một cách nhận lỗi làm duyên, hay là tự trách mình để mà hờn mát... Sự thật một khi hoa cỏ may đã "dâng đầy khắp nẻo" như thế kia, thì áo em... cỏ găm dày cũng là một điều hiển nhiên không thể tránh. Lỗi là ở gió. Tôi chợt nhớ tới hai câu thơ của Nguyễn Bính:

"Hồn anh như hoa cỏ may

Một chiều cả gió bám đầy áo em"

Cây bút trẻ Phạm Công Trứ, với: "Trăng vàng, đêm ấy, bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may". Thì ra trong sự liên tưởng, các nhà thơ vẫn có những điểm gặp nhau. Hoa cỏ may được ví với lời thề, phải chăng vì nó dễ găm và đồng thời cũng dễ gỡ? Những ý thơ trên làm tôi nhận ra thêm điều Xuân Quỳnh định nói ở câu thơ thứ hai này: mình quả là đã "sơ ý" khi để cho những lời bày tỏ , hứa hẹn của người in vào niềm tin của mình, như hoa cỏ may găm dày trên áo. Ðể rồi có lúc phải phân vân, suy nghĩ và thầm trách:

"Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay."

Xuân Quỳnh rất khéo léo khi đưa "màu khói" vào trong bức tranh. Vì bản thân nó cũng "mỏng mảnh" dễ tan đặc biệt là trong một không gian ngợp tràn những gió. Lời yêu là thế đấy. Thật cũng chẳng thể nào lường trước. Cô gái đã từng thốt lên trong bài "Mùa hoa doi" năm xưa những lời da diết: "Đốt lòng em một câu hỏi/ Yêu em nhiều không anh?". Giờ đây lại thêm một lần nghi vấn: "Ai biết lòng anh có đổi thay?"

Dùng câu hỏi này để kết thúc bài thơ, theo tôi, Xuân Quỳnh đã tìm ra một cách ứng xử thật cao tay. Cuộc sống cứ trôi đi, con người phải sống với phần hạnh phúc mà họ còn đang có. Nhìn lại những kỷ niệm xưa cũng là một cách gạn đục khơi trong để lọc lấy những phần đẹp đẽ cho mình. Ðây không phải là lúc quy kết, phân định xem lầm lỗi thuộc phía bên nào. Bởi dù sao thì, tình yêu là một vấn đề rộng lớn. Nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó làm đẹp thêm cho cuộc sống. Và tôi nghĩ: đó chính là tấm lòng nhân ái của tác giả bài thơ "Hoa cỏ may".


Phân tích bài thơ hoa cỏ may - Mẫu 2

Bởi thế mà Xuân Quỳnh được xem là một trong những thi sĩ viết thơ tình hay nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại từ sau năm 1945. Những thi phẩm đi từ chân trời của một người đến chân trời của nhiều người, ‘’Thuyền và biển’’, ‘’ Thơ tình cuối mùa thu’’.

Và, ‘’ Hoa cỏ may’’ là một minh chứng rõ nét cho điều đó.

Hoa cỏ may

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa

Tên mình ai gọi sau vòm lá

Lối cũ em về nay đã thu.

Mây trắng bay đi cùng với gió

Lòng trời như biếc lúc nguyên sơ

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ

Thơ viết đôi dòng theo gió xa.

Khắp nẻo giăng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm dầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?

Thiên nhiên từ xưa đến nay luôn giữ vai trò quan trọng trong thơ ca, đó không chỉ là đề tài, nơi khơi gợi biết bao mạch nguồn cảm xúc ,đó còn là nơi kí gửi tâm tình, là nguồn thi liệu không bao giờ vơi cạn. ‘’Hoa cỏ may’’ mở ra đầu tiên bằng câu thơ viết về thiên nhiên với ‘’cát-sông-cây’’:

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ

Câu thơ 7 chữ với nhịp thơ 2/2/3 vẽ nên một không gian mênh mang, im lìm. Câu thơ giàu hình ảnh nhưng lại thiếu âm thanh. Sông đầy nhưng không có tiếng sóng gợn, có cây nhưng chẳng nghe thấy tiếng là xì xào. Chỉ với một chữ ‘’đầy’’ cũng đủ để Xuân Quỳnh gợi mở biết bao liên tưởng trong lòng độc giả, đầy nắng hay đong đầy những nước, hay là cả hai!

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa

Điểm nhìn từ bến sông được mở rộng hơn, xa hơn. Bức tranh thiên nhiên dưới ngòi bút của Xuân Quỳnh sống động hơn khi nhà thơ khoác lên vạn vật sự sống, nghệ thuật nhân hóa đã được dùng khéo léo với hai từ ‘’ngẩn ngơ’’ và ‘’xao xuyến’’. Đất trời bao la đang lắng nghe tiếng vạn vật chuyển mình trong thời khắc giao mùa. Dường như trong khoảnh khắc chuyển mùa ấy thời gian trôi qua khẽ khàng hơn, gọi cả những kỉ niệm ùa về.

Tên mình ai gọi sau vòm lá

Lỗi cũ em về nay đã thu

Nhân vật ‘’em’’ xuất hiện một cách đầy ‘’tình cờ’’, thấp thoáng tiếng gọi cất lên sau vòm lá, là tiếng gọi của thời gian đã qua. ‘’Lối cũ’’ em về rải đầy biết bao mảnh kỉ niệm của những mùa thu qua.

Với lối tả chân, màu sắc thường kết hợp từ màu thực là một trong những đặc trưng rất riêng của thơ Xuân Quỳnh. Nhìn thế giới bằng bằng nhãn quan bay bổng, lý tưởng, thể hiện phong cách phóng khoáng, yêu đời, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh thường chọn những gam màu sáng để tô màu cho bức vẽ riêng của mình. Này là màu trắng của mây, màu xanh biếc của trời…. sắc màu tươi sáng, rõ ràng của đời thực. Từ nét bút vẽ thiên nhiên ‘’ mây trắng bay đi cùng với gió’’ nhà thơ ‘’vẽ’’ cả tâm hồn mình bằng những vần thơ rất đỗi chân thực ‘’ lòng như trời biếc lúc nguyên sơ’’. Phép so sánh được khéo léo dùng để lấy một hình ảnh trừu tượng là ‘’ lòng người’’ so sánh với hình ảnh cụ thể ‘’trời biếc’’. Màu xanh gợi ngay cho ta đến niềm tin và hy vọng. Bởi lẽ mỗi một màu sắc có một thứ ngôn ngữ riêng, hiểu được ngôn ngữ của sắc màu đó bằng chính những rung động của trái tim, của cảm tính. Màu xanh trong câu thơ này gợi cho người đọc hình dung về tấm lòng thuần khiết của tình yêu thuở ban đầu. Sắc xanh ấy cũng đã được phủ đầy trên những dòng thơ của Xuân Quỳnh:

‘’ Và niềm tin cũng là ở đó

Tôi chẳng tìm mà đã có từ lâu

Như trời xanh sẵn có ở trên đầu…’’

( Trích Chúng tôi)

Hay:

‘’Cờ xôn xao trong nắng gió mùa thu

Trời mới xanh trước mỗi hiên nhà…’’

(Trích Những lớp người cùng bài hát ra đi)

Tâm trạng của nhân vật trữ tình được bộc bạch, giãi bày tự nhiên cùng đất trời cây cỏ

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ

Thơ viết đôi dòng theo gió xa

Những nỗi niềm xưa, trăn trở, khổ đau,mất mát tất cả được nữ thi sĩ gói lại trong hai chữ ‘’ đắng cay’’ với một chút tình chua xót. ‘’Đắng cay’’ ấy là một phần của cuộc đời đã đi qua, đã in hằn thành kí ức. Và kí ức ấy dù tốt đẹp hay phủ kín nỗi buồn cũng là những mảnh ghép trong bức tranh muôn màu của cuộc sống. Bởi thế mà không thể vứt bỏ hay xóa đi mà chỉ là ‘’gửi lại’’. Gửi lại đắng cay để ta thôi ngoái nhìn về quá khứ, không ôm ấp những mộng đẹp đã vỡ tan mà chọn cho mình một tâm thế sống bình yên, than thản, tự do gửi vào ‘’ thơ viết trôi dòng theo gió xa’’

Hát với thiên nhiên khúc giao mùa vừa sang và đây là lúc nhân vật trữ tình hát với lòng mình

Khắp nẻo giăng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm dầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?

Hoa cỏ may- cũng chính là nhan đề của bài thơ được nhắc đến trong khổ thơ cuối bài, bởi đây chính là nốt trầm của cảm xúc, khoảng lặng của tâm hồn mà nhà thơ muốn chia sẻ. Hoa cỏ may, một loài hoa của đồng nội, không kiêu kì, không hương sắc, mộc mạc và bền bỉ, kiên cường đến lạ kì. Chỉ cần có gió thổi là cỏ may sẽ đặt chân đến bất cứ đâu. Hoa cỏ may ở đây biểu trưng cho tình yêu dung dị, cho hạnh phúc đời thường và cho cả khát khao được yêu đương nồng cháy, thủy chung. Trước khoảng không phủ đầy cỏ may đó, nhân vật trữ tình cất lên một câu hỏi khẽ khàng, không lời đáp: ‘’Ai biết lòng ai có đổi thay”

Thơ Xuân Quỳnh ghi lại xúc cảm rất thật của chính nhà thơ, là nốt vang của từng cung bậc cảm xúc trong tình yêu. Với khát khao hạnh phúc lớn lao, chính trong tâm hồn của người phụ nữ vẫn luôn tồn tại những lo sợ, những dự cảm,hoang mang. Trong sáng tác khác của mình, Xuân Quỳnh đã viết

‘’ Em đâu dám nghĩ là điều vĩnh viễn

Hôm nay yêu mai có thể xa rồi’’

( Trích Nói cùng anh)

Với thi phẩm ‘’ Hoa cỏ may’’, nhà thơ đã thể hiện sự tinh tế của mình khi đặt sự lớn lao của đất trời bên cạnh cái dễ vỡ của tình đời. Câu thơ cuối chưa đựng quy luật nghiệt ngã của tình yêu, bởi tình yêu là nhịp đập của trái tim nên lắm khi nó quay vần theo vòng xoáy của cảm xúc.

Một trong những bài thơ tiêu biểu nhất trong hành trình sáng tạo của Xuân Quỳnh, ‘’ Hoa cỏ may’’- 1 thi phẩm xinh xắn, gọn ghẽ với thể thơ thất ngôn. Với kết cấu mạch lạc, từ hướng ngoại để tìm sự đồng điệu nơi đất trời lúc sang thu để rồi quay trở về cái tôi để giãi bày tâm trạng. Không cầu kì, gia công trong ngôn ngữ và hình ảnh, chân chất, mộc mạc và ‘’cháy’’ hết mình với những cảm xúc rất thật, điều đó là làm nên sức sống bền bỉ của thơ Xuân Quỳnh trong lòng độc giả.

admin
3/1/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question