Trái ngược với xu hướng “xa xỉ im lặng” thì “tiết kiệm ồn ào” đang trở thành mục tiêu mới mà nhiều bạn trẻ đang muốn hướng tới. Vậy sự thật của trend này là gì và có những lợi ích ra sao? Cùng Hocmai360 khám phá nhé!
Dàn ý Nghị luận về tiết kiệm ồn ào của giới trẻ hiện nay
1. Mở bài: Dẫn dắt vào vấn đề nghị luận
2. Thân bài
– Thực trạng về tiết kiệm ồn ào của giới trẻ hiện nay
– Giải thích:
+ Tiết kiệm là gì?
+ Tiết kiệm ồn ào là gì?
– Nguyên nhân dẫn đến xu hướng tiết kiệm ồn ào của giới trẻ ngày nay?
– Biểu hiện của tiết kiệm ồn ào được thể hiện qua những đặc điểm gì?
– Diễn biến và kết quả ra sao?
– Tiết kiệm ồn ào mang đến những lợi ích và ý nghĩa gì cho con người?
– Mở rộng, phản bác lại vấn đề.
– Liên hệ thực tế và đưa ra bài học.
3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.
Nghị luận về tiết kiệm ồn ào của giới trẻ hiện nay
Benjamin Franklin từng nói: “ Một xu tiết kiệm là một xu kiếm được”. Quả thật là như vậy! Có thể nói, tiết kiệm là một trong những truyền thống tốt đẹp và là “quốc sách hàng đầu” từ trước đến nay của người Việt Nam ta. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, tiết kiệm lại trở thành xu hướng phổ rộng hơn bao giờ hết. Trong đó, phải nói đến “tiết kiệm ồn ào”- xu hướng được nhiều bạn trả gen Z hướng đến.
Vậy chúng ta hiểu “tiết kiệm” là gì ? “Tiết kiệm” là khả năng sử dụng hợp lý của cải tài sản vật chất, thời gian và năng lượng của bản thân 1 cách đúng mức. ”Tiết kiệm ồn ào” có thể coi như một xu hướng tiết kiệm, chi tiêu vừa phải với mức thu nhập của bản thân. Trái ngược với “ xa xỉ thầm lặng” các bạn trẻ hiện nay lại chọn “ tiết kiệm ồn ào”. Họ chấp nhận lên tiếng công khai về những gì mình đang làm để tiết kiệm chi tiêu và thực hiện mục tiêu tiết kiệm tiền của mình. Đây được coi là một xu hướng hot và được nhiều bạn trẻ làm theo.
Những người trẻ gen Z hiện nay không ít người bị choáng ngợp với những chi phí sinh hoạt hàng ngày cao đắt đỏ, những vật dụng giá “trên trời”, vậy nên, họ buộc phải điều chỉnh chi tiêu bằng nhiều cách khác nhau, họ sống tiết kiệm và tự hào về nó. Xu hướng này gọi là “loud budgeting” (tiết kiệm ồn ào). Họ chuyển dần từ lối sống xa xỉ sang tiết kiệm, quản lý chi tiêu của bản thân để hoàn thành các mục tiêu tài chính quan trọng mà không cần mặc cảm hay ngại ngùng. Thay vì tạo cảm giác khoái cảm, giàu sang và phô trương những thứ không đủ khả năng chi trả, mọi người đang sống trung thực và dần cởi mở hơn với “chiếc ví” của mình. Người trẻ sẵn lòng “ ồn ào “ nói “ không” với những thứ không càn thiết mà thay vào đó, họ dành thời gian và tiền bạc cho những gì xứng đáng với bản thân. Họ chia sẻ về những câu chuyện tiết kiệm và coi đó là niềm tự hào lên các trang mạng xã hội, họ khuyến khích nhau sống tiết kiệm hơn. Như Erica Sandberg nói: “Tôi nghĩ nhiều người trong số họ cũng tin rằng, bằng cách từ chối tiêu dùng quá mức và các khoản nợ, họ sẽ có thể trang trải cuộc sống, tiết kiệm cho tương lai và tận hưởng cuộc sống hơn. Việc ‘tiết kiệm ồn ào’ đang mang lại sức mạnh cho họ”
Người trẻ có nhiều cách để tiết kiệm cho mình. Ví dụ như cắt giảm việc mua sắm bốc đồng và đưa ra những lựa chọn tài chính thông minh hơn. Nấu ăn thay vì đi tiệm ăn. Hay pass lại những quần áo còn mới với tiêu chí “cũ người mới ta” lại thu về được một khoản tiền. Hay mỗi tuần ngừng đi cafe với bạn bè vài lần, bạn có thể tiết kiệm được một khoản kha khá.
Lukas Battle – một trong những người đi đầu trào lưu này giải thích: “Không phải là ‘Tôi không có đủ’ mà là ‘Tôi không muốn chi tiêu’. Ví dụ bạn tôi muốn đi ăn tối. Tôi sẽ nhắn tin cho họ về kế hoạch ‘tiết kiệm ồn ào’ của tôi trong tháng này. Tôi nghĩ minh bạch tài chính với bạn bè là điều mà bạn không cần phải xấu hổ”.
Xu hướng “tiết kiệm ồn ào” khẳng định rằng việc có các mục tiêu tài chính rõ ràng và hy sinh để đạt được chúng là điều bình thường. Tiết kiệm nhằm mục đích tự do tài chính cũng như đề phòng cho những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai. Kể đến như dịch bệnh Covid-19 2 năm trước cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống người dân, càng nâng cao nhận thức của người dân với việc tiết kiệm. Chưa kể, Việt Nam ta đã từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hằng năm lại phải hứng chịu biết bao thiên tai. Vì vậy, tiết kiệm còn giúp xây dựng và góp phần làm giàu đẹp quê hương đất nước. Thử hỏi, nếu cứ sống lãng phí thì sẽ ra sao?
Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt giữa “tiết kiệm” và “keo kiệt”! Ngoài thói quen chi tiêu không kiểm soát, “vung tay quá chán” thì việc đánh đồng tiết kiệm và keo kiệt cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều bạn trẻ có những nhận thức sai lệch về các khái niệm này. Tiết kiệm không có nghĩa là sống kham khổ, hay chi tiêu quá khắt khe, chi li và tính toán. Mà nó là việc cân đối để sử dụng ở mức hợp lý , đáp ứng được những điều kiện cần thiết của bản thân.
Thực tế thì không phải bạn trẻ nào cũng có lối sống tiết kiệm. Vẫn có rất nhiều người chạy theo giục vọng bản thân, sống quá lãng phí và xa hoa. Với nhiều người, họ sẵn sàng bỏ tiền mua một chiếc điện thoại thông minh bằng 2 tháng lương. Mua những món hàng hiệu với giá cả đắt đỏ, chạy theo phong cách và xu thế thời trang chóng vánh… Đó đều là những tính xấu cần phải được loại bỏ.
“Kiếm nhiều hết sức có thể thể. Tiết kiệm nhiều hết sức có thể. Đầu tư nhiều hết sức có thể. Cho đi nhiều hết sức có thể.” (John Wesley) Mỗi cá nhân hãy tự rèn luyện cho mình lối sống tiết kiệm, lập kế hoạch cho cuộc sống để không phải lãng phí tiền bạc, công sức và thời gian vào những thứ không cần thiết, góp phần thúc đẩy xã hội ngày 1 văn minh phát triển hơn. Đồng thời cũng biết kiềm chế bản thân trước những cám dỗ của “xa xỉ”!
Hãy thẳng thắn với chính mình và những người xung quanh. Thay vì cảm thấy áp lực phải so bì với người khác, cứ thẳng thắn nói ‘tôi không đủ khả năng chi trả và điều đó không sao cả”.