Bước sang độ tuổi dậy thì, song song với việc phát triển về thể chất, con bạn sẽ có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm lý. Ở giai đoạn này, sự phát triển cái tôi ở trẻ sẽ khiến con có xu hướng đòi hỏi cha mẹ tôn trọng những sở thích cá nhân và những quyết định của mình hơn. Cùng tham khảo bài văn Nghị luận xã hội: bày tỏ ý kiến bố mẹ cần tôn trọng ý kiến của con cái để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.
Nghị luận xã hội: bày tỏ ý kiến bố mẹ cần tôn trọng ý kiến của con cái
Xã hội ngày càng hiện đại, đời sống càng được nâng cao, nhu cầu mỗi người ngày càng tăng cao. Với mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp, thành công, giàu có mà cha mẹ nào cũng mong muốn con mình được như này, như kia, thuật ngữ ‘’ con nhà người ta’’ cũng không còn mấy xa lạ. Vậy nên, quan trọng hơn cả là bố mẹ cần tôn trọng ý kiến con cái.
Trước hêt, ta hiểu tôn trọng là gì? Tôn trọng là sự đánh giá đúng mực, không xâm phạm quyền riêng tư , luôn coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người khác, kính trọng, quý mến, hòa hợp với người khác trong cuộc sống. Ý kiến có thể là lời bình, nhận xét, cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá riêng của mỗi người về quan điểm nào đó. Trong nhịp sống hối hả này, nhiều bố mẹ bắt con mình học đủ mọi thứ từ học trên trường, học thêm, học hát, học múa,… người lớn nghe cũng đủ chóng cả mặt, vậy mà bọn trẻ đang phải thực hiện những mong muốn đó của bố mẹ.
Muốn con mình làm theo ý mình nhưng nhiều bố mẹ chưa bao giờ thử hỏi con mình có muốn hay không? Và chưa thực sự thấu hiểu, và tôn trọng ý kiến của con cái, luôn trong trạng thái ‘’ bố mẹ đặt đâu con đi theo’’ chứ không để con tự lập và có ý kiến riêng của mình. Nhiều phụ huynh tự cho rằng “tôi luôn yêu thương con hết mực, đáp ứng mọi nhu cầu của con nhưng vẫn nhận lại những điều không như ý muốn”. Đó chính là sai lầm của bố mẹ dẫn đến con cái luôn tự ti, không dám khẳng định bản thân và luôn lo sợ những hành động của mình. Bố mẹ hãy nói chuyện với con cái mình như một người bạn, lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng ý kiến từ con để con mình có những ý kiến riêng, giúp con có được cảm giác tôn trọng. Từ đó, con có thể phát triển theo một cách toàn diện nhất và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.
Tôn trọng ý kiến của con cái thể hiện từ thái độ của những bậc cha mẹ, bố mẹ phải kiên nhẫn và biết giữ cái tôi của mình ở mức thấp nhất. Vì đôi khi, chỉ vì cái tôi mà xảy ra ý kiến trái ngược nhau, mối quan hệ của cha mẹ và con cái đột nhiên căng thẳng, rạn nứt. Người lớn chúng ta hãy xóa bỏ quan niệm’’ con nhà người ta’’ bởi không ai thích so sánh mình với bất cứ ai. Khi so sánh, các bậc phụ huynh đã vô tình có những hành động ép con phải đạt đến hình mẫu lý tưởng. Điều này khiến con thu mình, khép kín và xa lánh bố mẹ hơn. Mỗi người đều có thế mạnh riêng, có suy nghĩ, có chính kiến, có sở thích, có ước mơ riêng. Thế nên hãy tôn trọng và cùng con phát triển sự khác biệt của mình trở thành thế mạnh khẳng định bản thân. Hãy nói với con những câu nói đầy khích lệ để con thấy rằng mình là người quan trọng và được bố mẹ tin tưởng để con có thể tự tin trên hành trình khám phá thế giới riêng của mình. Dù tôn trọng ý kiến của con nhưng cha mẹ phải khéo léo phân tích những ý kiến đó đúng sai chỗ nào, hướng dẫn con cái một cách cụ thể để tìm ra cách giải quyết tốt nhất.
Quả thực, cách giáo dục bố mẹ sẽ ảnh hưởng đển con cái. Vậy nên, là bậc cha mẹ hãy nên tôn trọng ý kiến của con một cách đúng mực, để con mình có thể tự tin, dám khẳng định mình và luôn cảm thấy được sự yêu thương từ bố mẹ.