Hãy cùng Hocmai360 trả lời câu hỏi Đọc hiểu Quê hương là chùm khế ngọt (Trắc nghiệm) để thấy được tình cảm thiêng liêng của tác giả dành cho quê hương mình.

Nội dung văn bản: Quê hương là chùm khế ngọt

Quê hương

Đỗ Trung Quân

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.

Đọc hiểu Quê hương là chùm khế ngọt (Trắc nghiệm)

Câu 1. Bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân được viết theo thể thơ nào?

A. Thơ 6 chữ

B. Thơ 7 chữ

C. Thơ lục bát

D. Thơ tự do

Đáp án: A. Thơ 6 chữ

Giải thích:

– Thơ 6 chữ là thể thơ mỗi dòng có 6 chữ.

– Mỗi bài gồm nhiều khổ, mỗi khổ thường có bốn dòng thơ và có cách gieo vần, ngắt nhịp đa dạng.

==>  Bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân được viết theo thể thơ 6 chữ

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên là gì?

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Biểu cảm

D. Thuyết minh

Đáp án: C. Biểu cảm

Giải thích: 

Dựa vào dấu hiệu nhận biết phương thức biểu cảm: Có các câu văn, câu thơ miêu tả cảm xúc, thái độ của người viết hoặc của nhân vật trữ tình

Đọc nội dung văn bản có những câu thơ thể hiện cảm xúc, thái độ như Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày đã thể hiện thái độ biết ơn, trân trọng của tác giả đối với quê hương ==> Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là biểu cảm.

Câu 3. Chủ đề của bài thơ trên là?

A. Mẹ

B. Dòng sông

C. Cánh diều

D. Quê hương

Đáp án: D. Quê hương

Câu 4. Biện pháp tu từ nổi bật nào được sử dụng trong bài thơ?

A. Nhân hóa

B. Ẩn dụ

C. So sánh

D. Liệt kê

Đáp án: C. So sánh

Đọc hiểu Quê hương là chùm khế ngọt (Tự luận)

Câu 5. Nêu nội dung chính của bài thơ.

Nội dung chính: Thể hiện sự giản dị, quen thuộc, gần gũi về quê hương và tình cảm thiêng liêng của tác giả dành cho quê hương mình.

Câu 6. Viết về quê hương tác giả đã lựa chọn những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó có ý nghĩa gì?

– Viết về quê hương, nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh: chùm khế ngọt, đường đi học, cầu tre nhỏ, hương hoa đồng cỏ nội, vàng hoa bí, giậu mùng tơi, bờ dâm bụt, sen trắng tinh khôi, mẹ,…

– Ý nghĩa: Sử dụng những hình ảnh thân thuộc, giản dị, chân thực với con người để mỗi khi gợi tả về quê hương, giúp người đọc cảm nhận bức tranh thiên nhiên yên  và con người vô cùng gần gũi, đầy ắp sự yêu thương

Câu 7. Em hiểu như thế nào về hai câu thơ:

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người

Hai câu thơ: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người” theo em hiểu: Quê hương là nơi gắn liền với khúc hát ru, kí ức tuổi thơ tuyệt đẹp và tình yêu thương, sự hi sinh to lớn của gia đình. Dù đi đâu ta cũng phải luôn khắc ghi, biết ơn quê hương đã nuôi dưỡng giáo dục ta nên người. Sự trưởng thành, thành công chỉ đến với những người yêu quý quê hương mình. Qua đó, nhắn nhở, giáo dục sâu sắc đến mọi người, hãy luôn nhớ về nguồn cội – nơi bắt đầu sự sống, nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng và chứng kiến sự trưởng thành của mỗi người.

Câu 8. Nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho quê hương mình.

Tình cảm của tác giả dành cho quê hương của mình thể hiện lòng yêu quý, sự biết ơn, tự hào về vẻ đẹp quê hương. Không chỉ vậy ông còn trân trọng những vẻ đẹp mộc giản, giản dị mà đầy ấm áp, yêu thương ấy. Dù ở nơi đâu, quê hương vẫn mãi ở trong lòng của mỗi người con xa xứ, luôn hướng về cội nguồn của mình.

By mai123

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *