Truyện ngắn “Vợ Nhặt” là một truyện ngắn đặc sắc của tác giả Kim Lân. Hãy cùng trả lời những câu hỏi đề Phiếu học tập Vợ Nhặt (Kim Lân) Tìm hiểu Nhân vật bà cụ Tứ nhé!

Phiếu học tập Vợ Nhặt (Kim Lân) Tìm hiểu Nhân vật bà cụ Tứ

Trả lời Phiếu học tập Vợ Nhặt (Kim Lân) Tìm hiểu Nhân vật bà cụ Tứ

Hình ảnh người mẹ: Là một người mẹ nông dân với tuổi tác đã cao, bà già nua còm cõi. Trải qua những đau đớn của cuộc đời đã khiến bà dường như càng trở nên già hơn so với tuổi. Những gánh nặng cuộc sống cơm áo gạo tiền luôn thường trực nên lúc nào bà cũng lẩm nhẩm tính toán. Đó là hình ảnh của một người mẹ Việt Nam điển hình, luôn lo lắng cho cuộc sống của gia đình, vững vàng trải qua những đau đớn, khó khăn của cuộc sống để gánh vác những trọng trách của gia đình.

Diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ (gặp mặt, trao đổi và ăn cơm):

+ Gặp mặt: Người mẹ về đến ngõ và đến giữa sân đã linh cảm thấy sự bất thường quan trọng trong hành động “lật đất chạy ra đón” của con trai. Đến giữa sân, bà lão “đứng sững” ngạc nhiên hơn khi thấy có người đàn bà đứng ở đầu giường con trai mình. Bà không tin vào những gì đang xảy ra trước mắt mình. Cho tới khi Tràng xác nhận với mẹ, bà chỉ biết “cúi đầu nín lặng”. Nghĩ đến con, nghĩ đến bản thân mình bà lại càng tủi hổ, chua xót cho số phận của mình. Một người mẹ luôn trăn trở, suy tính cho con nhưng bị cái đói, cái nghèo làm cho bất lực. Nghĩ đến đây, bà chỉ biết bất lực bật khóc. Thế nhưng, những giọt nước mắt hiếm hoi còn xót lại giờ đây chỉ có thể “rỉ” ra từng chút. Nhìn sang người phụ nữ đang đứng trước mặt, bà không có ý coi khinh mà ngược lại còn biết ơn cô gái khi đã giúp bà hoàn thành mong ước của một người mẹ đó là lo toan được cho hạnh phúc của con trai mình. Sau tất cả những suy nghĩ ngổn ngang trong lòng, bà cụ Tứ bằng lòng chấp nhận cuộc hôn nhân “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”.

-> Lúc đầu tiên, bà thấy bất ngờ vì có một người con gái lạ mặt xuất hiện trong nhà của mình. Tiếp theo đó là sự im lặng, vì bà biết giờ đây dù có nói điều gì cũng chỉ làm cho cả hai bên đều khó xử mà thôi. Nghĩ đến số phận của con trai, số phận của mình, bà lại càng thêm đau khổ. Thế rồi, vượt lên tất cả, bà vẫn “mừng lòng” mà chúc mừng cho hạnh phúc của hai người con mình.

+ Trao đổi: Đối diện với hoàn cảnh khó khăn, bà cụ Tứ vẫn cố gạt đi những suy nghĩ đau buồn mà động viên hai con cố gắng để có một cuộc sống sau này thật tốt đẹp. Thế nhưng, những hiện thực cuộc sống không thể khiến bà buông lỏng suy nghĩ khi mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng bay vào. Nhớ về chồng, nhớ về con gái, cũng như về tương lai mịt mù của cuộc sống sau này bà lại không nhịn nổi nữa mà nước mắt cứ chảy ra ròng ròng.

-> Bà cụ vừa giảng giải cho nàng dâu về gia cảnh éo le, nhưng cũng là một lời động viên, căn dặn hai con phải cố gắng cải thiện cuộc sống trong tương lai. Nếu như nước mắt úc trước là sự oán trách số phận, xót xa cho bản thân mình thì giờ đây là bà khóc vì thương con, xót con.

+ Ăn cơm: Bữa cơm đón nàng dâu thật nghèo đói, sơ sài nhưng là do chính bàn tay bà chuẩn bị và cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà hồ hởi nghĩ về viễn cảnh tương lai tươi sáng, đầy đủ. Thế nhưng, khi niêu cháo lõng đã hết, niềm hạnh phúc ngắn ngủi cũng cứ thế mà bay đi mất. Bà đã cố gắng kéo dài khoảng thời gian hạnh phúc, nhưng càng cố gắng bao nhiêu, hiện thực tàn khốc lại như khiến con người bất lực bấy nhiêu. Nhưng người mẹ vẫn cố gắng gượng cười thanh minh “Cám đấy mày ạ. Ngon đáo để cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chẳng có cám mà ăn đấy”. Người mẹ ấy vẫn cố gắng tìm tất cả mọi cách để các con ngon miệng và yên lặng. Nhìn thấy biểu cảm của con trai cũng như hành động của con dâu, giờ đây bà cũng chỉ biết cúi đầu nín lặng. Đến khi tiếng trống thúc thuế vang lên, những cảm xúc dồn nén trong lòng dường như bộc phát. Người mẹ khóc nhưng không dám cho các con mình nhìn thấy.

-> Bà cụ Tứ là điển hình cho một người mẹ Việt Nam tần tảo, giàu đức hi sinh, cũng như luôn lo lắng cho cuộc sống của con mình. Bà luôn hướng về tương lai, luôn hi vọng vào một sự ấm no, đầy đủ của cuộc sống. Thế nhưng, tấm lòng người mẹ ấy lại bị hiện thực tàn khốc làm cho đau đớn làm sao. Tuy vậy, dù cho có khóc vì tủi hổ, bà vẫn chỉ âm thầm khóc, thậm chí còn tránh mặt người con dâu mới để các con không phải lo lắng cho mình.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *