Tham khảo bài viết Suy nghĩ của em về ý thức tham gia giao thông của các bạn học sinh hiện nay để tìm hiểu thêm về nguyên nhân, hậu quả từ ý thứ tham gia giao thông của các bạn học sinh và giải pháp cho những tình huống ấy.
Dàn ý Suy nghĩ của em về ý thức tham gia giao thông của các bạn học sinh hiện nay
A. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Suy nghĩ của em về ý thức tham gia giao thông của các bạn học sinh hiện nay.
B. Thân bài
– Thực trạng (tình trạng) về vấn đề tham gia giao thông của học sinh hiện nay.
– Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (Có dẫn chứng): đi nhanh, lạng lách, đánh võng, đua xe, uống rượu khi cầm lái, không có ý thức tham gia giao thông, chưa biết rõ luật tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, thực hiện các trò đua xe mạo hiểm nhằm thể hiện cái tôi nổi loạn của mình, cơ sở hạ tầng kém (ổ gà, đường hẹp, chật,…),…
– Hậu quả gây ra: nhiều người thiệt mạng, mất mát về tiền của, vật chất, mất trật tự an toàn xã hội,…
– Giải pháp:
+ Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức ở các trường, lớp học để các bạn học sinh nắm rõ.
+ Đưa ra những chính sách xử phạt, răn đe nghiêm khắc, không nhân nhượng nương tay để học sinh ý thức rõ hơn về lỗi sai của bản thân cũng như chấp hành luật sau này.
+ Nhà nước khắc phục, sửa chữa đường để các em học sinh thuận tiện di chuyển hơn.
C. Kết bài
– Nêu suy nghĩ của bản thân em về vấn đề nghị luận.
Nghị luận suy nghĩ của em về ý thức tham gia giao thông của các bạn học sinh hiện nay
Đất nước ta ngày càng phát triển, nhiều lĩnh vực trở nên nổi bật, sáng giá hơn, tuy nhiên đi liền với những cơ hội phát triển tích cực thì vẫn có những mặt hạn chế, thách thức nhất là trong lĩnh vực giao thông. Với sự phát triển của khoa học, kĩ thuật nhiều phương tiện di chuyển hiện đại được ra đời, không còn là những chiếc xe đạp di chuyển được nhờ sức người, chiếc xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy, ô tô đã sớm thay thế những phương tiện lỗi thời ấy. Song với chính sự phát triển mang tính cần thiết, quan trọng ấy, vấn đề tai nạn giao thông ngày càng nhiều, và dần dần số lượng tai nạn giao thông với người cầm lái là học sinh trở nên nhiều hơn.
Độ tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em được gia đình chuẩn bị cho những xe đạp, xe máy điện để thuận tiện cho việc đi học, nhưng các em chỉ mới biết điều khiển chứ chưa thực sự biết rõ luật khi tham gia giao thông, nhiều em đã được cha mẹ chỉ dẫn cách đi khi tham gia giao thông, chấp hành luật an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm, đi đúng tốc độ, chậm mà chắc, đúng hướng, ý thức chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy nhiên nhiều em lại không có ý thức như thế, nguyên nhiên xảy ra tai nạn ở các em là do chưa có sự chuẩn bị kĩ về thông tin, luật an toàn giao thông, chưa trưởng thành, luôn có suy nghĩ thể hiện cái tôi bằng cách đi nhanh, lạng lách, đánh võng, đi xe không đội mũ bảo hiểm, cân ba, bốn hay sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa thuần thục trong việc cầm tay lái, xử lí tình huống, nhiều khi có cả tình huống các em học sinh uống rượu những vẫn tham gia giao thông, song nguyên nhân không chỉ dừng lại ở chính các em học sinh mà còn do cơ sở hạ tầng, đường đi nhiều ổ voi, ổ gà, đường hẹp, chật, có nhiều khúc cua, ngã rẽ,… . Hiển nhiên hậu quả từ những nguyên nhân ấy chính là số lượng học sinh tử vọng, bị thương nghiêm trọng ngày càng gia tăng, tiền khám chữa bệnh, đền bù vật chất trở thành gánh nặng lớn, xã hội rối loạn, mỗi người khi tham gia giao thông đều mang tâm lí lo lắng liệu người gặp phải tai nạn hôm nay có phải mình hay không? Từ đầu năm 2023 đến nay, nước ta đã xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi dưới 18 tuổi (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc).
Vậy nên, để có thể giảm thiểu vấn nạn tai nạn giao thông xảy ra ở các em, thì trước tiên gia đình cần phải trở nên cương quyết, lựa chọn phương tiện di chuyển cho con cẩn thật đúng quy định, răn đe ngay nếu thấy các em sử dụng phương tiện không đúng cách, chỉ dạy, phổ cập kiến thức khi tham gia giao thông cho các em trước khi các em sử dụng xe. Sau đó là nhà trường, cần phải có quy định xử phạt nặng, chấn chỉnh lại các đối tượng nổi loạn có hành vi chống đối, đi xe lạng lách, không đội mũ bảo hiểm, hợp tác cùng các cơ quan chức năng để thực hiện buổi tuyên truyền an toàn giao thông, chỉ ra nguyên nhân, tác hại của những trường hợp ý thức tham giao thông kém ở các em. Nhà nước cùng cần có những chính sách răn đe, xử phạt nghiêm khắc, không nhân nhượng với các em vi phạm luật tham gia giao thông dù cho các em có xin xỏ hay nghĩ ra mọi lí do cho hành vi của bản thân mình và đồng thời tân trang lại các tuyến đường dễ xảy ra tai nạn có vấn đề hỏng hóc để đảm bảo an toàn cho các em học sinh.
An toàn giao thông luôn là vấn đề nan giải của cả xã hội. Các em học sinh là nguồn nhân lực mạnh mẽ, dồi dào của tương lai đất nước, thế nên để đảm bảo được an toàn của các em cũng như những người tham gia giao thông khác hay chính bản thân chúng ta, chúng ta cần phải rèn luyện, chấn chỉnh lại ý thức tham gia giao thông, bởi nó rất quan trọng, không ai có thể bảo vệ an toàn tuyệt đối cho tất cả mọi người, chúng ta phải tự mình học cách chấp hành, tự mình biết được hậu quả của việc không chấp hành nghiêm chỉnh an toàn giao thông để từ đó học được cách vì lợi ích chung của cộng đồng, điều đó giúp cho xã hội, cộng đồng khi tham gia giao thông trở nên văn minh hơn, vấn đề tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu, không còn là mối lo cho toàn xã hội, đất nước.