Phân tích và đánh giá hình ảnh của người mẹ trong bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai
Thơ ca Việt Nam đã khắc họa hình ảnh người mẹ với vẻ đẹp của sự tảo tần mưa nắng, yêu thương, chăm lo cho con bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến. Người mẹ trong bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai là hiện thân của những người mẹ như thế. Các em hãy cùng phân tích và đánh giá hình ảnh của người mẹ trong bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai để thấy được nét đẹp này nhé.
Dàn ý Phân tích và đánh giá hình ảnh của người mẹ trong bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai
1, Mở bài
– Giới thiệu bài thơ, khái quát những ấn tượng về hình ảnh người mẹ trên thơ: người mẹ long đong, vất vả mưa nắng, yêu thương và chăm chút cho con, hy sinh vô điều kiện.
2, Thân bài
+ Người mẹ dáng gầy liêu xiêu, tất bật với bữa cơm chiều
+ Dáng người hao gầy, khắc khổ với mưa nắng nhuộm màu thời gian: tóc bạc, răng rụng, mắt mờ…
+ Trong cảm nhận của con mẹ cả một đời vất vả, lận đận, hy sinh cả tuổi xuân mình dành cho chồng, cho con.
+ Công lao to lớn của mẹ trời biển cũng không đong đếm hết được, người con suy nghĩ về tình mẹ…
+ Đánh giá hình ảnh người mẹ trong thơ: đó là người mẹ nghèo lam lũ, vất vả, thương chồng, yêu con, đại diện cho vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt Nam.
3, Kết bài
– Khẳng định vẻ đẹp của người mẹ trên trang thơ.
– Liên hệ bản thân.
Phân tích và đánh giá hình ảnh của người mẹ trong bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai
Trang thơ của Đặng Minh Mai gây ấn tượng với độc giả ở những vần thơ dạt dào, tha thiết, ở tình cảm chân thành của tác giả gửi gắm trên thơ. Có những bài thơ đã khắc họa thật đẹp hình ảnh của những người mẹ tảo tần, người phụ nữ Việt Nam thương chồng, yêu con hết mực như người mẹ trong bài thơ “Chỉ có thể là mẹ”
Bài thơ có năm khổ thơ, xuyên suốt cả năm khổ là hình ảnh người mẹ được cảm nhận qua tình cảm, suy nghĩ của người con. Dáng mẹ gầy liêu xiêu xuất hiện trong một buổi chiều nắng tắt dần trên con đường nhỏ, thời điểm đó thường dễ gây cảm xúc, tâm trạng hơn cả. Từ láy “giẹo giọ liêu xiêu” gợi hình ảnh người mẹ già gầy yếu, héo hon lặng bước trên con đường nhỏ. Mẹ vội vã, tất tả cả ngày đến buổi chiều lại vội về bên bếp lửa để thổi bữa cơm đạm bạc cho con. Bữa cơm tuy đơn giản nhưng là cả tấm lòng yêu thương của mẹ gửi đến gia đình.
Từ bối cảnh không gian là một buổi chiều trên con đường nhỏ, tác giả suy ngẫm về mẹ, về cuộc đời không hề bình yên, phẳng lặng của mẹ. Đó là một cuộc đời vất vả đủ đường
Cả đời mẹ long đong vất vả
Cho chồng con quên cả thân mình
Một đời mẹ đã hy sinh
Tuổi xuân phai nhạt nghĩa tình đượm sâu
Tác giả suy ngẫm về cuộc đời của mẹ vất vả, long đong, hy sinh cho chồng cho con đến quên bản thân mình. Tuổi xuân của mẹ cũng phai nhạt dần vì năm tháng, giờ đây chỉ còn dáng hình liêu xiêu, mưa nắng nhuộm mái tóc mẹ
Mưa và nắng nhuộm màu tóc trắng
Bụi gian nan đọng lắng nếp nhăn
Rụng rồi thương lắm hàm răng
Lưng còng chân yếu ánh trăng cuối trời
Khổ thơ tiếp tục tô đậm hình ảnh người mẹ già với dáng người gầy gò, khắc khổ, với mái tóc trắng nhuốm màu theo thời gian, với gương mặt già nua dọc ngang những vết chân chim. Bút pháp miêu tả với những chi tiết tả thực như: rụng rồi hàm răng, lưng còng tay yếu chẳng những khắc họa chân thực hình ảnh người mẹ mà còn thể hiện tình cảm yêu thương mẹ tha thiết của con. Thời gian khốc liệt đã tàn phá và cướp đi tuổi trẻ, mẹ mỗi ngày mỗi già yếu thêm nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi đó là tình mẹ, là tấm lòng thủy chung son sắt của mẹ dành cho gia đình, chồng con.
Tình của mẹ sáng ngời dương thế
Lo cho con tấm bé đến già
Nghĩa tình son sắt cùng cha
Giản đơn dung dị mẹ là mẹ thôi
Phép so sánh tình mẹ sáng ngời giống như ánh mặt trời gợi tình cảm bao la trời biển của mẹ, thể hiện tình cảm yêu thương, trân trọng và tự hào của con gửi đến mẹ. Đó cũng là tình cảm của tác giả gửi đến tất cả những người mẹ Việt Nam trên khắp mọi miền tổ quốc. Những từ láy dung dị, son sắt kết hợp với những tính từ như sáng ngời, giản đơn… càng tô đậm thêm vẻ đẹp phẩm chất của người mẹ trong bài thơ.
Khép lại bài thơ lại là một hình ảnh so sánh tuyệt đẹp để thể hiện vẻ đẹp của tình mẹ “con đi khắp chân trời góc bể/ ân tình nào sánh xuể mẹ yêu/ Nghĩa dày độ lượng bao nhiêu…” trên thế giới này đúng là không có gì có thể so sánh được với tình mẹ, sự bao dung, tấm lòng độ lượng của mẹ bàng bạc như biển trời giống như trong câu ca dao
“Công cha…. như nước trong nguồn chảy ra”
Có thể thấy hình ảnh người mẹ trong bài thơ này là người mẹ nghèo lam lũ, vất vả, thương chồng, yêu con, đại diện cho vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt Nam. Suốt một đời hy sinh mẹ cho đi mà không nhận lại điều gì, luôn là điểm tựa vững chắc cho con trên cuộc đời.
Cảm ơn nhà thơ với những vần thơ dạt dào và đong đầy cảm xúc đã khắc họa hình ảnh người mẹ tuyệt đẹp trên thơ ca. Qua bài thơ mỗi chúng ta đều trân trọng và biết ơn mẹ, người đã hy sinh cả đời vì con cái.