Hình ảnh người anh hùng trong sử thi hiện lên một vẻ đẹp dũng cảm, nhiệt huyết, sẵn sàng hi sinh. Dưới đây là bài văn phân tích nhân vật Héc- to

Dàn ý Phân tích nhân vật Héc-to

1. Mở bài: Giới thiệu chung về đoạn trích và nhân vật Héc-to

2. Thân bài:

– Khái quát về tác giả: Hô-me-rơ

+ Là nhà thơ huyền thoại của Hy Lạp cổ đại xuất sắc nhất

+ Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là I-li-at và Ô-đi-xê.

– Khái quát đoạn trích:

+ Đoạn trích “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác” được trích từ sử thi I-li-át, là đoạn trích từ câu thơ 370 đến 496, khúc ca VI.

+ Đoạn trích “Hecto từ biệt Ăng-đrô-mác” đã khắc họa thành công hình ảnh người anh hùng Héc-to – Đại diện cho những người anh hùng Hy Lạp cổ đại với những phẩm chất cao quý như sự can đảm, dũng cảm, tự trọng và không sợ đối mặt với cường quyền.

– Phân tích biến cố sử thi:

+ Thành Tơ-roa bị quân Hy Lạp vây hãm.

+ Biến cố này đặt nhân vật Héc-to vào tình thế bắt buộc phải chọn lựa: Một là ở lại thành Tơ-roa để giữ an toàn cho bản thân Hay mở cổng thành, ra trận nghênh chiến với kẻ thù để thực hiện bổn phận và bảo toàn danh dự.

– Phân tích nhân vật Héc-to:

+ Mang vẻ đẹp dũng cảm, ngoan cường, coi trọng danh dự, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ thành bang, sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư vì nghĩa lớn.

+ Hec-to hiện lên là người hết lòng yêu thương gia đình của mình

+ Hec to còn ý thức được bổn phận trách nhiệm của bản thân mình.

– Đánh giá lại giá trị nội dung và nghệ thuật:

+ motip của người anh hùng trong sử thi, thể hiện được những nét đặc trưng điển hình của kiểu nhân vật người anh hùng.

+ Ngôn từ, giọng văn rành mạch, kết hợp nhuần nhuyễn giữa miêu tả và biểu cảm, tự sự thể hiện được những đặc trưng cơ bản của thể loại sử thi, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân.

3. Kết bài: cảm nhận chung về đoạn trích: bài học rút ra.

Phân tích nhân vật Héc-to ngắn gọn

“Hecto từ biệt Ăng-đrô-mác ” không chỉ là một tác phẩm dành cho một thời điểm cụ thể, mà là một tác phẩm vượt thời gian, vẫn giữ nguyên sức mạnh và ý nghĩa qua từng thế hệ. Tác phẩm này đã ảnh hưởng không chỉ trong lĩnh vực văn học, mà còn làm nên tên tuổi và tầm vóc của tác giả trong thế giới văn chương. Hình ảnh người anh hùng Héc-tô hiện lên thật hùng vĩ, đẹp biết nhường nào
Hô-me-rơ là nhà thơ huyền thoại của Hy Lạp cổ đại xuất sắc nhất. Theo truyền thuyết, ông bị mù và là một người hát rong – kể chuyện tài năng. Một số học giả cho răng Hô-me-rơ có thể là một cái tên hư cấu, hoặc là tên gọi chung cho một tập thể người hát rong – kể chuyện từ thời cổ đại. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là I-li-at và Ô-đi-xê được ghi chép lại chính thức vào thế kỉ thứ VI trước công nguyên theo lệnh của bạo chúa Athena lúc bấy giờ là Peisistrator.

Đoạn trích “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác” được trích từ sử thi I-li-át, là đoạn trích từ câu thơ 370 đến 496, khúc ca VI. Đoạn trích “Hecto từ biệt Ăng-đrô-mác” đã khắc họa thành công hình ảnh người anh hùng Héc-to – Đại diện cho những người anh hùng Hy Lạp cổ đại với những phẩm chất cao quý như sự can đảm, dũng cảm, tự trọng và không sợ đối mặt với cường quyền. Qua đó, người đọc thấy được sự dũng cảm, kiên cường và công tâm của người anh hùng khi phải lựa chọn giữa gia đình và cộng đồng, cảm nhận được tấm lòng cùng sự cương quyết của người anh hùng với những giằng co nhưng cuối cùng vẫn nhất quyết lựa chọn xông ra chiến trận vì lợi ích của cộng đồng.

Văn bản kể về việc Héc-to từ giã vợ và con trai của mình để tiếp tục tham gia chinh chiến bảo vệ thành Tơ-roa. Trong cuộc từ biệt cảm động và thiêng liêng, Héc-to đã khẳng định bổn phận và trách nhiệm của người trước sự khuyên nhủ của vợ. Héc-to về nhà từ biệt Ăng-đrô-mác và con trai để quyết tâm ra trận. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi, Ăng-đrô-mác khuyên Héc-to ở lại đừng ra trận vì không muốn mẹ góa con côi nhưng Héc-to quyết định dứt áo ra đi sau khi nói rõ lòng mình với Ăng-đrô-mác. Sau khi từ biệt Ăng-đrô-mác, Héc-to ra trận, dũng cảm chiến đấu với dũng tướng A-giắc của quân Hy Lạp.
Biến cố quan trọng dẫn đến việc Héc-to phải từ biệt Ăng-đrô-mác là việc thành Tơ-roa bị quân Hy Lạp vây hãm, tình thế hết sức nguy nan. Đây là một biến cố đặc trưng của sử thi vì nó là sự kiện lớn, liên quan đến vận mệnh của cộng đồng. Biến cố này đặt nhân vật Héc-to vào tình thế bắt buộc phải chọn lựa: Một là ở lại thành Tơ-roa để giữ an toàn cho bản thân Hay mở cổng thành, ra trận nghênh chiến với kẻ thù để thực hiện bổn phận và bảo toàn danh dự. Thông qua quyết định lựa chọn đó, nhân vật bộc lộ phẩm chất của mình.

Mỗi nhân vật được khắc họa, người nghệ sĩ gửi gắm vào đó biết bao phẩm chất tốt đẹp. Nhân vật Héc-to được tác giả khắc họa mang vẻ đẹp dũng cảm, ngoan cường, coi trọng danh dự, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ thành bang, sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư vì nghĩa lớn. Đây là phẩm chất của người anh hùng đại diện cộng đồng. Biến cố trong sử thi đã làm nổi bật hơn phẩm chất của nhân vật. Hecto đã quyết định mử cổng thành để chiến đấu. Khi từ biệt người vợ và đứa con trai của mình, Hec to đã thể hiện thái độ cương quyết của mình, sẵn sàng chiến đấu, “Nhưng sẽ hổ thẹn xiết bao với những chiến binh và những người phụ nữ thành Tơ-roa xống áo thướt tha, nếu ta ở lại đây như kẻ hèn nhát, đứng nhìn từ xa, tránh không xung trận. Hơn nữa, bầu nhiệt huyết trong ta không cho phép ta làm vậy: từ lâu ta đã học cách luôn ở tuyến đầu, can trường, chiến đấu, giành vinh quang cho thân phụ và bản thân”.
Hơn nữa, Hec-to hiện lên là người hết lòng yêu thương gia đình của mình. Héc-to muốn ôm con trai để từ biệt, nhưng ánh đồng sáng lòa và cái ngù bờm ngựa cong cong trên mũ trụ của chàng làm đứa con trai khóc ré lên vì sợ. Héc-to và vợ bật cười trước tình huống này. Héc-to tháo mũ rồi nhẹ nhàng bồng cậu con trai thân yêu, “thơm nó, vừa nâng nó lên cao, đu đưa, vừa khẩn cầu con trai của thần Crô-nốt”. Từng hành động, cử chỉ chàng trao cho đứa con bé bỏng của mình đã thể hiện nỗi lòng thương xót và yêu con đến nhường nào. Héc-to mong đứa bé có được sự dũng cảm và can trường hơn cha của nó để có thể trở thành một anh hùng vĩ đại. Cảnh tượng cảm động nhưng vô cùng thiêng liêng.

Hec to còn ý thức được bổn phận trách nhiệm của bản thân mình. Một người trần mắt thịt không thể bất chấp số phận mà bắt ta xuống địa phủ của thần Ha-đét được. Và đã sinh ra trên mặt đất này, chẳng một ai, dù quả cảm hay rụt rè, có thể trốn chạy được số phận” – “Chiến tranh là bổn phẩn của mỗi người đàn ông sinh ra tại thành I-li-ông này, nhất là ta.” Héc-to ý thức sâu sắc được số phận và bổn phận của mình: phải tham gia chiến tranh để giữ thành Tơ-roa.

Văn bản xây dựng nhân vật người anh hùng Héc-to theo đúng motip của người anh hùng trong sử thi, thể hiện được những nét đặc trưng điển hình của kiểu nhân vật người anh hùng. Ngôn từ, giọng văn rành mạch, kết hợp nhuần nhuyễn giữa miêu tả và biểu cảm, tự sự thể hiện được những đặc trưng cơ bản của thể loại sử thi, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân.

Qua đoạn trích, thi sĩ gợi ra cho chúng ta bài học về việc phải chọn giữa việc thực hiện bổn phận xã hội và gia đình cho mỗi cá nhân. Khi bản thân đứng trong hoàn cảnh mâu thuẫn giữa việc phải lựa chọn thực hiện bổn phận với cộng đồng và gia đình, để có cách ứng xử hợp tình hợp lý chúng ta cần suy nghĩ, cân nhắc, nghĩ đến lợi ích và vận mệnh chung của xã hội để có thể đưa ra quyết định phù hợp.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *