Phân tích Bài học đầu cho con ngắn gọn

“Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi”- “quê hương” hai tiếng thân thương mà mỗi khi cất lên ta nghe da diết lòng. “Bài học đầu cho con”- Đỗ Trung Quân với lời thơ nhẹ nhàng sâu lắng, mang đến cho đọc giả bao kỉ niệm sâu sắc. Cùng đến với bài phân tích bài thơ “Bài học đầu cho con” cảm nhận rõ hơn về tình yêu quê hương và thông điệp tác giả muốn gửi gắm.


Dàn ý Phân tích Bài học đầu cho con ngắn gọn

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

2. Thân bài:

- Câu hỏi ngây thơ của con trong khổ thơ đầu chất chứ đầy suy tư, tạo lên cảm giác sâu lắng

- “Quê hương là chùm khế ngọt…màu hoa sen trắng tinh khôi”: khung cảnh quê hương dần hiện lên với các hình ảnh gần gũi thân thuộc kết hợp với các biện pháp nghệ thuật đặc sắc

- Khổ cuối: khẳng định ý nghĩa quan trọng của quê hương

3. Kết bài:

- Đánh giá nội dung, nghệ thuật

- Nêu thông điệp


Phân tích Bài học đầu cho con ngắn gọn

Đỗ Trung Quân là một người lãng mạn và đầy chất nghệ sĩ, thơ anh luôn mang đến một cảm giác thú vị, mới lạ. Quê hương là một nhạc phẩm nổi tiếng trong thập niên 1990 do Giáp Văn Thạch phổ từ bài thơ “bài học đầu cho con”. Bài thơ được tác giả viết vào năm 1986 làm quà sinh nhật cho Quỳnh Anh con gái của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Khi phổ nhạc từ bài thơ Giáp Văn Thạch đã đổi tựa thành “quê hương” một bản nhạc nổi tiếng trong nước mà còn lan tỏa đi xa gợi nhớ hình ảnh thân yêu của quê nhà với những vẻ đẹp ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi chúng ta.

“Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều”

Phân tích Bài học đầu cho con ngắn gọn

Mở đầu bài thơ là câu hỏi ngây thơ, đầy ngọt ngào của người con “quê hương là gì hở mẹ”. Câu hỏi tu từ được lặp lại hai lần trong một khổ thơ nhấn mạnh sự khao khát và mong mỏi nhận lại đời đáp của mẹ. Chỉ đơn thuần là câu hỏi ngây thơ của một đứa trẻ nhỏ nhưng nó chất chứ đầy suy tư, tạo lên cảm giác sâu lắng. Hai tiếng “quê hương” nghe thật rộng lớn, xa vời khiến ta phải lắng lòng suy nghĩ quê hương là gì? Quê hương đơn giản là nơi chúng ta được sinh ra, là nơi ta một lòng nhớ về những ký ức, những hình ảnh đẹp của tuổi thơ, nơi những lời ru ngọt ngào của mẹ, nơi dạy ta biết chữ, dạy ta biết cách yêu thương. Để giãi bày hết những thắc mắc trong lòng về định nghĩa quê hương, bài thơ “bài học đầu của con” đã cho ta những ký ức, những định nghĩa chân thực nhất về quê hương:

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay”

Hình ảnh “chùm khế ngọt” tượng trưng cho những người thân, những người luôn dành tình cảm dành những gì tốt đẹp nhất cho chúng ta. Đó là nơi cho ta nguồn sống, nuôi lớn ta mỗi ngày dạy ta cách sống, cách làm người, cách biết yêu thương. Quê hương là đường đi học, là hành trình mỗi ngày đến trường trên con đường rợp bướm vàng bay. Qua những hình ảnh đó làng quê hiện lên thật yên bình, ấm áp, luôn nâng đỡ chúng ta đến với thành công.

“Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông”

Quê thương gắn liền với những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ là nơi con diều biếc thả trên đồng. “Diều” là hình ảnh gắn liền với tuổi thơ vui vẻ của mỗi người, tạo nên một không gian bình yên, với những niềm vui đơn giản nhưng là những kỷ niệm theo chân con mãi cuộc đời. Quê hương còn là “con đò nhỏ”, là những hình ảnh thật quen thuộc bình dị nơi chốn làng quê Việt Nam.

“Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Là hương hoa đồng cỏ nội

Bay trong giấc ngủ đêm hè”

Quê hương gắn liền với “cầu tre nhỏ”, nó được ví như người mẹ với chiếc nón lá nghiêng tre. Tác giả nhấn mạnh quê hương là vòng tay ấm áp che chở và nuôi lớn mỗi chúng ta, nếu ai không nhớ quê hương thì sẽ không lớn nổi thành người. Bởi mỗi khi gặp khó khăn, vấp ngã chỉ có quê hương cho ta tình yêu to lớn như tình yêu của mẹ che chở nâng bước con, tạo hành trang vững chắc để con bước vào đời.

“Quê hương là vàng hoa bí

Là hồng tím giậu mồng tơi

Là đỏ đôi bờ dâm bụt

Màu hoa sen trắng tinh khôi”

Và quê hương cũng chính là “hoa vàng bí”, “là hồng tím giậu mồng tơi”, là những bông “hoa dâm bụt”, đặc biệt là “sắc trắng tinh khôi của hoa sen” những điều vô cùng giản dị và thân thương gắn liền với chốn thôn quê Việt Nam. Cuộc sống chốn thôn quê gắn liền với đêm trăng tỏ, với tiếng ếch kêu với muôn vàn vẻ đẹp của thiên nhiên, khiến cho ta như đắm chìm vào một miền ký ức tươi đẹp.
Kết thúc bài thơ Trần Trung Quân nhắc nhở mỗi người về nỗi nhớ quê hương, nhớ về cội nguồn, nhớ nơi sinh ra và nuôi ta trưởng thành. Quê hương là người mẹ hiền, là vòng tay ấm luôn dang rộng đón chào ta trở về. Quê hương còn là nơi soi đường dẫn lối, là nơi giúp những con người khó khăn tìm về chốn bình yên

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ...

Sẽ không lớn nổi thành người.”

Quê hương như vòng tay ấm áp của người mẹ hiền, hình ảnh so sánh ấy mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Hình ảnh quê hương gắn liền với mẹ hiền, nơi sinh ra, nơi nuôi dưỡng dạy, cho ta những bài học giống như cách mẹ hiền sinh ra và nuôi lớn ta trưởng thành. Vì vậy nếu ai không nhớ về quê hương, không nhớ về cội nguồn của mình thì sẽ không lớn nổi thành người. Lời thơ nhắc nhở chúng ta về lối sống “uống nước nhớ nguồn”, dù có đi đâu xa phải luôn nhớ về quê hương, hãy luôn sống có ích, sống vì quê hương bởi quê hương chính là mẹ, mẹ chính là quê hương.

Bài thơ “bài học đầu cho con” được Đỗ Trung Quân đưa các hình ảnh quê hương gần gũi quen thuộc cùng nghệ thuật lặp từ, lặp cấu trúc và các biện pháp liệt kê rất đặc sắc. Lời thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển mang đến những cảm xúc lắng động trong lòng người đọc. Tác phẩm là một bài ca hay viết về quê hương đất nước. Quê hương mang cho ta cảm xúc yên bình nhẹ nhàng. Khép lại lời thơ Đỗ Trung Quân đã để lại nỗi vấn vương mãi trong tâm hồn mỗi bạn đọc, bài ca ngân vang mãi với thời gian.

admin
3/1/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question