Thơ của Y Phương mạnh mẽ, chân thật và trong sáng với cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.  Dưới đây là bài văn Phân tích lời của người cha nói với lớn trong đoạn thơ thứ thứ 2 (trong bài thơ Nói Với Con của Y Phương)

Dàn ý Phân tích lời của người cha nói với lớn trong đoạn thơ thứ thứ 2 (trong bài thơ Nói Với Con của Y Phương)

a. Mở bài: Khái quát tác giả, tác phẩm

b. Thân bài:

* Khái quát chung về tác giả Y Phương và bài thơ Nói với con

– Tác giả Y Phương:

+ Y Phương là một trong những gương mặt nhà thơ tiêu biểu thuộc lớp các nhà thơ xuất thân từ dân tộc miền núi.

+ Các tác phẩm thơ của Y Phương được lấy chất liệu chủ yếu từ gia đình, quê hương và đất nước.

– Khái quát chung về tác phẩm:

+ Được sáng tác vào năm 1980, in trong tập “Thơ Việt Nam”.

+ Là lời tâm sự của nhà thơ với đứa con gái đầu lòng.

* Phân tích lời người cha nói với lớn trong đoạn thơ thứ hai của bài thơ Nói với con

– Người cha đã khéo léo nhắc đến những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình.

– Y Phương tiếp tục nói với con về ý chí và vẻ đẹp truyền thống của người vùng cao.

– Tác giả răn dạy con phải biết tiếp nối, kế thừa và phát huy những nét đẹp trong văn hóa và phẩm chất của người đồng mình.

– Lời dặn dò ân cần, trìu mến và nghiêm khắc của người cha.

* Đánh giá nội dung, nghệ thuật của bài thơ:

– Thể thơ tự do.

– Hình ảnh thơ mang đậm chất của núi rừng, sông suối.

– Mạch cảm xúc tự nhiên, nhẹ nhàng.

* Kết bài : Khẳng định giá trị của bài thơ.

 

Bài văn Phân tích lời của người cha nói với lớn trong đoạn thơ thứ thứ 2 (trong bài thơ Nói Với Con của Y Phương)

Trong bài thơ “Nghĩ lại về Pau-xtốp-xki” – nhà thơ Bằng Việt từng viết: “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ. Như đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu”. Có những tác phẩm ra đời để rồi lãng quên ngay sau đó, nhưng có những tác phẩm lại như những dòng sông đỏ nặng phù sa in dấu ấn chạm khắc trong tâm khảm. Những tác phẩm ấy đã trở thành “ những bài ca đi cùng năm tháng” và để lại trong tâm hồn bạn đọc những ấn tượng không bao giờ quên. Một trong số đó phải kể tới bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương:

‘’Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.””

Y Phương là một trong những gương mặt nhà thơ tiêu biểu thuộc lớp các nhà thơ xuất thân từ dân tộc miền núi. Ông có niềm đam mê dành cho văn chương từ rất sớm. Các tác phẩm thơ của Y Phương được lấy chất liệu chủ yếu từ gia đình, quê hương và đất nước. Có thể nói, văn chương nghệ thuật với Y Phương có thể coi là một trò chơi ngôn ngữ nhằm thỏa mãn cho chính bản thân nhà thơ và cho người đọc. Người đọc có thể dễ dàng tìm thấy ở Y Phương một tiếng nói chung, đồng cảm. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến như là Người của núi”; Nói với con; Người núi Hoa,… Bài thơ “Nói với con” là một trong những tác phẩm đặc sắc của nhà thơ Y Phương. Bài thơ “Nói với con” được sáng tác vào năm 1980, in trong tập “Thơ Việt Nam”.  Bài thơ là lời tâm sự của tôi với đứa con gái đầu lòng.” Đồng thời gợi nhắc cho chúng ta về tình yêu quê hương, đất nước, ý chí vươn lên của dân tộc.

Khổ thơ là lời nhắn nhủ tha thiết nói với con về những phẩm chất cao quý của người đồng mình là sức mạnh bền bỉ của quê hương và mong con có thể kế tục những truyền thống cao đẹp đó. Khi tâm tình về cội nguồn gia đình và quê hương, người cha đã khéo léo nhắc đến những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình:

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn”

Nhà thơ đã sử dụng lối nói thân thuộc, gần gũi của người vùng cao “người đồng mình” đã tạo ra không khí thân thương, tình cảm thân thiết giữa người trong một gia đình. Đến đây, động từ “thương” kết hợp với từ chỉ mức độ “lắm”, tác giả đã bộc lộ sự đồng cảm với những nỗi vất vả, những khó khăn mà con người quê hương đã phải trải qua. Ở câu thơ tiếp theo tác giả đã sử dụng phép so sánh lấy cái trừu tượng để miêu tả cái cụ thể. Tác giả đã lấy cái cao của trời, của núi để đo đếm nỗi buồn; lấy cái xa của đất để đo ý chí của con người. Đây là cách sử dụng từ ngữ hết sức độc đáo của nhà thơ. Ba câu thơ vừa để tôn vinh ý chí, nghị lực vươn lên của người đồng mình, vừa ngậm ngùi, xót xa trước đời sống còn nhiều những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào vùng cao.

Từ phẩm chất của người đồng mình, Y Phương tiếp tục nói với con về ý chí và vẻ đẹp truyền thống của người vùng cao:

“Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương 

Còn quê hương thì làm phong tục.”

Nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật tương phản giữa “thô sơ da thịt” và “chẳng mấy ai nhỏ bé”. Những người đồng mình ấy tuy vóc dáng hình hải nhỏ bé nhưng họ có ý chí, nghị lực phi thường, luôn sẵn sàng vượt lên hoàn cảnh, bất chấp khó khăn, thiếu thốn. Hình ảnh thơ “tự đúc đá kê cao quê hương” mang nhiều lớp ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Hình ảnh thơ đã khái quát lại quá trình dựng nhà, dựng bản nơi quê hương tác giả. Nhưng bên cạnh đó, nó ngầm nhắc đến tinh thần tự lực cánh sinh của người đồng mình. Họ đã tự mình dựng xây và nâng tầm quê hương bằng chính đôi bàn tay khéo léo và tài hoa của mình. Câu thơ là sự tự hào của tác giả về những phẩm chất cao quý của người dân quê hương. Từ đó, tác giả răn dạy con phải biết tiếp nối, kế thừa và phát huy những nét đẹp trong văn hóa và phẩm chất của người đồng mình:

“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối 

Lên thác xuống ghềnh 

Không lo cực nhọc”

Y Phương đã sử dụng điệp từ “sống” lặp lại liên tiếp 3 lần đã giúp tô đậm được mong ước lớn lao mà người cha dành cho con. Hình anh “đá gập ghềnh” và “thung nghèo đói” gợi cho người đọc tưởng tượng ra một khu vực sống khắc nghiệt với địa hình hiểm trở, khó khăn. Cuộc sống người đồng mình luôn nhiều vất vả, gian khó và đói nghèo chồng chất. Từ đó, cha mong muốn ở con sau này lớn lên hãy biết yêu thương, gắn bó và trân trọng quê hương mình cho dù còn nhiều khó khăn, hiểm nghèo. Vì vậy, người cha mong con sau này phải biết đối mặt và vươn lên, làm chủ sức mạnh bản thân cho dù phải đối mặt với bao khó khăn, mệt mỏi. Đoạn thơ chính là lời khuyên của cha dành con, rằng hãy tiếp nối tình cảm ân nghĩa, chung thủy với mảnh đất nơi mình sinh ra, tiếp nối cả những ý chí, nghị lực và lòng kiên cường của người đồng mình.

Bốn câu thơ khép lại bài thơ là lời dặn dò ân cần, trìu mến và nghiêm khắc của người cha:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ được nhỏ bé

Nghe con”

Hình ảnh thơ “thô sơ da thịt” được lặp lại như một lời khẳng định, mục đích khắc sâu trong tâm trí con rằng: con trưởng thành mấy thì vẫn là người đồng mình, mang hình hài, vóc dáng và  dòng máu người đồng mình.  Tuy nhỏ bé về vóc dáng nhưng “không bao giờ được nhỏ bé” trong cuộc sống. Thay vào đó hãy kiên cường, giàu bản lĩnh để sẵn sàng đương đầu với những gian khó của cuộc đời.  Hai tiếng “nghe con” thiết tha đã thay cho lời kết đầy xúc động, đồng thời ẩn chứa biết bao mong muốn của người cha. Với một giọng điệu thiết tha, trìu mến, người cha đã gửi gắm những lời tâm tình sâu sắc và cho con những bài học quý giá, cho con sức mạnh và triết lý sống để con mãi mãi khắc ghi trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.

Với thể thơ tự do, câu dài câu ngắn rất phù hợp với cuộc sống gập ghềnh của người dân vùng núi. Hình ảnh thơ mang đậm chất của núi rừng, sông suối. Kết hợp với mạch cảm xúc tự nhiên, nhẹ nhàng. Y Phương đã thành công khắc sâu trong tâm khảm bạn đọc về những bài học quý giá mà ông đã nhắn nhủ tới con đồng thời cũng là gửi gắm tới bạn đọc về tình yêu quê hương, Tổ quốc và phẩm chất đáng quý của dân tộc.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *