Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Nhành mai – Nguyễn Minh Châu
Nguyễn Minh Châu đã ca ngợi lòng dũng cảm của những người lính, lòng yêu quê hương đất nước của nhân dân ta qua tác phẩm “Nhành mai”. Hãy cùng đến với bài Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Nhành mai – Nguyễn Minh Châu để hiểu rõ hơn về tác phẩm nhé!
Dàn ý phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Nhành mai – Nguyễn Minh Châu
* Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
* Thân bài:
Luận điểm 1: Vẻ đẹp của tình người trong cuộc kháng chiến đã được thể hiện qua những hồi ức, cảm xúc chân thực của người lính trẻ.
– Bức tranh chân thực về cuộc sống :
+ Chiến tranh tàn khốc: tiếng súng cối nổ từ sáng sớm, súng ống, lính Tây, lính ngụy tiến vào làng,…
+ Trong cảnh đất nước loạn lạc, nhà mẹ con Thận bị đốt, mẹ chị bị giết.
– Tình yêu quê hương đất nước sâu đậm của người dân:
+ Các cụ phụ lão cùng ban chỉ huy bộ đội đã chỉ tay về hướng địch mà thề sống chết có nhau, gần hai năm đồng bào không chịu tản cư, kiên quyết ở lại cùng bộ đội đánh giặc.
+ Thận không màng nguy hiểm giết chết ngay tên địch bảo vệ cho mọi người, cáng người lính nằm trên chiếc võng của mẹ mình. Sau khi mất mẹ, Thận gầy và già đi nhiều, đôi mắt trong sáng ngày xưa bây giờ cũng mất dần theo thời gian chỉ còn lại thâm quầng. Khuôn mặt thì hiện lên nét lo nghĩ.
– Tình yêu đôi lứa chớm nở nhưng cũng nhanh chóng bị chia lìa bởi chiến tranh của Thận và Lượng.
Luận điểm 2: Hành trình phát triển văn chương của Nguyễn Minh Châu là một hành trình khám phá, tích lũy tài năng, ông đã đưa tất thảy những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật văn chương vào tác phẩm.
– Lối viết văn đặc trưng của truyện ngắn, cốt truyện, lời thoại nhân vật được xây dựng độc đáo, mới mẻ.
– Đi sâu vào khám phá, phân tích tâm lí nhân vật, xây dựng một hình tượng nhân vật đẹp, phù hợp với hình ảnh người lính.
– Giọng văn, ngôn ngữ tuy gần gũi, giản dị nhưng rất sâu sắc.
– Giá trị nội dung, nghệ thuật
* Kết bài:
– Khái quát lại nội dung, nghệ thuật.
– Liên hệ bản thân và đưa ra bài học nhận thức.
Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Nhành mai – Nguyễn Minh Châu
Còn nhớ đến những năm tháng đất nước lâm vào khủng hoảng thời kháng chiến chống Mỹ, bình yên và hạnh phúc là hai từ dường như rất xa vời với những người nông dân nghèo. Đặc biệt, luôn luôn chìm trong nỗi lo sợ mất mát là người mẹ, người cha của những người lính kiên cường bất khuất. Dẫu vậy, họ vẫn một lòng hướng về đất nước của mình, họ thà hy sinh chứ không chịu mất nước. Thấu hiểu tấm lòng của họ, Nguyễn Minh Châu đã ca ngợi lòng dũng cảm của những người lính, lòng yêu quê hương đất nước của nhân dân ta qua tác phẩm “Nhành mai”.
Nguyễn Minh Châu tên khai sinh là Nguyễn Thí, sau này đi học được cha mẹ đổi thành Nguyễn Minh Châu. Ông là một ngòi bút có ảnh hưởng lớn đối với nền văn học Việt Nam vào giai đoạn chiến tranh và thời kỳ đổi mới. Là một nhà văn nhạy bén với sự thay đổi của thời đại, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đều mang tính nhân văn rất cao. Ông là người đi tiên phong trong phong trào mở đường cho công cuộc đổi mới văn học, luôn đi tìm sự thật và viết lên những góc khuất trong đời sống mang đến nhiều dư âm cho bạn đọc. “Nhành mai” là một trong bảy truyện ngắn xuất sắc của ông in trong tập truyện đầu tay “Những vùng trời khác nhau” năm 1970. Tập truyện đã bộc lộ một số đặc điểm trong bút pháp của Nguyễn Minh Châu là sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng đặc biệt là tác phẩm “Nhành mai”. Những giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn đã khẳng định được tài năng của Nguyễn Minh Châu trên diễn đàn văn học.
Vẻ đẹp của tình người trong cuộc kháng chiến đã được thể hiện qua những hồi ức, cảm xúc chân thực của người lính trẻ. Chiến tranh vẫn luôn là một nỗi đau khó có thể nguôi ngoai, nó như một cái dằm trong tim mỗi người. Tuy mất mát đau thương là thế nhưng những người dân, những người lính vẫn không hề nhụt chí, lo sợ. Trong tình cảnh bom rơi bão đạn, “tiếng súng cối nổ từ sáng sớm”, “súng ống, lính Tây, lính ngụy bắt đầu dàn đội hình chuẩn bị tiến vào làng” thì những quân dân hay các cụ phụ lão đã không màng sống chết để chiến đấu. Có thể nói, tình cảm của người dân dành cho đất nước vô cùng lớn, họ có thể hy sinh bản thân để lấy lại tự do cho đất nước, lấy lại hạnh phúc đã bị chiến tranh tước đoạt. Đồng bào thì không chịu tản cư để giúp những người lính chiến đấu. Hình ảnh người lính trong truyện ngắn bây giờ không chỉ là những chàng trai trẻ tuổi đôi mươi nữa mà còn là phụ nữ, là người già, là đồng bào dân tộc ta. Sự đoàn kết dân tộc và tình người hiện hữu trong khung cảnh tàn khốc của chiến tranh như một điểm dịu an ủi nỗi xót xa của độc giả. Và nốt dịu ấy còn tồn tại ở Thận. Thận không màng nguy hiểm giết chết ngay tên địch bảo vệ cho mọi người, cáng người lính nằm trên chiếc võng của mẹ mình. Sau khi mất mẹ, Thận gầy và già đi nhiều, đôi mắt trong sáng ngày xưa bây giờ cũng mất dần theo thời gian chỉ còn lại thâm quầng. Khuôn mặt thì hiện lên nét lo nghĩ. Chính thời cuộc đã đẩy Thận trở thành một cô gái như thế. Tình yêu chớm nở của Thận và Lượng cũng vì chiến tranh mà không thể bên nhau. Chiến tranh thực sự là một bức tranh hiện thực đáng sợ nhưng những lúc ấy vẻ đẹp của con người lại được thể hiện rõ nhất.
Hành trình phát triển văn chương của Nguyễn Minh Châu là một hành trình khám phá, tích lũy tài năng, ông đã đưa tất thảy những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật văn chương vào tác phẩm. Xuyên suốt tác phẩm là những khung cảnh mất mát, đau khổ nhưng những nhân vật của thi sĩ đã không gục ngã, thay vào đấy họ còn có thể lớn mạnh hơn, hoàn cảnh nghiệt ngã lại trở thanh thành động lực để họ bộc lộ phẩm chất cao quý. Qua truyện ngắn ta thấy được lối viết văn đặc trưng của truyện ngắn, cốt truyện, lời thoại nhân vật đã được xây dựng độc đáo, mới mẻ. Đọc tác phẩm, ta như được khám phá một lối hành văn mới mẻ và đầy sáng tạo. Tuy không phải là một thể loại văn học mới nhưng Nguyễn Minh Châu đã khiến nó trở nên đặc biệt. Đặc biệt là tình huống truyện và lời thoại nhân vật được xây dựng khá thu hút, tuy hình ảnh đại diện là người lính nhưng truyện không quá khô khan và trang trọng mà thay vào đó rất gần gũi và thân mật như một lời tâm sự của Lượng. Ngoài ra, tác giả còn đi sâu vào khám phá, phân tích tâm lí nhân vật một cách sâu sắc. Thông qua những chuyển biến liên tục của dòng cảm xúc tác giả đã nêu bật lên một hình tượng nhân vật một người lính can đảm, chiến đấu hết sức mình vì Tổ Quốc.
Có thể nói “Nhành mai” là tác phẩm tiêu biểu cho truyện ngắn về đề tài người lính trong thời kháng chiến. Thông qua tác phẩm, Nguyễn Minh Châu đã gửi một sự trân trọng, biết ơn đối với người lính – những người trực tiếp bảo vệ đất nước. Ngoài ra, tác giả còn đề cao vẻ đẹp của tình người trong khi xã hội loạn lạc họ vẫn luôn một lòng hướng về Đất Nước, một lòng hướng về người mình yêu thương và một lòng đoàn kết để đẩy lùi quân thù.
“Nhành mai” không chỉ là bức tranh chân thực về cuộc sống mà còn là bài ca của tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi thầm kín mà sâu sắc. Tất cả những điều ấy đã góp phần tạo nên một tác phẩm trường tồn với thời gian. Sự tồn tại của tác phẩm là một lời nhắc nhở với các thế hệ sau này, về trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ đất nước thời bình và xây dựng, phát triển đất nước ngày càng lớn mạnh hơn nữa.