“Nhìn qua khung cửa sổ” là kể về câu chuyện đời thường, nhẹ nhàng, bình dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Hãy cùng đến với bài Phân tích câu chuyện Nhìn qua khung cửa sổ để hiểu rõ hơn về nội dung câu chuyện nhé!

Dàn ý Phân tích câu chuyện Nhìn qua khung cửa sổ

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

II. Thân bài

1. Tóm tắt tác phẩm

2. Phân tích tác phẩm

– Phương thức kể chuyện tự sự, sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ tiếp cận.

– Nguyên nhân tấm vải dơ thể hiện qua hai góc nhìn của cậu bé và người mẹ.

– Tác phẩm phê phán cách ứng xử thờ ơ vô tình và sự đổ lỗi.

3. Ý nghĩa, bài học

– Là con người thì phải giúp đỡ lẫn nhau.

– Trước khi kết luận vấn đề gì phải nhìn lại bản thân và xem xét sự việc ở nhiều khía cạnh khác nhau.

III. Kết luận

– Tổng kết ý nghĩa của tác phẩm, bài học kinh nghiệm.

Phân tích câu chuyện Nhìn qua khung cửa sổ

Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Ông có gia tài sáng tác đồ sộ với cả trăm truyện dài, truyện ngắn trải dài từ thập niên 90 đến nay. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và truyền hình, cho thấy sức hút của một nhà văn có khả năng sáng tác bền bỉ và năng lực viết truyện đáng nể. Độc giả của nhà văn rất đa dạng, truyện của ông dành cho cả người lớn và trẻ con. Nội dung trong các tác phẩm của ông là những câu chuyện đời thường, nhẹ nhàng, bình dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. “Nhìn qua khung cửa sổ” là một trong số những câu chuyện đó.

 

Câu chuyện kể về hai mẹ con mỗi sáng đều thấy bà hàng xóm phơi đồ. Lần nào tấm vải bà ấy phơi cũng bị dơ, do đó đứa con cho rằng hàng xóm sử dụng xà bông không đúng. Sau một thời gian, buổi sáng nọ cậu bé thấy tấm vải sạch sẽ tinh tươm. Cậu bé tưởng bà ấy đã biết cách giặt, nhưng thì ra tấm vải sạch là do người mẹ đã lau cửa kính nhà cậu.

Câu chuyện được thể hiện bằng phương thức tự sự kể lại diễn biến sự việc xảy ra. Tác giả sử dụng văn phong súc tích, ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, giàu hình ảnh. Điều này giúp người đọc ở mọi lứa tuổi dễ tiếp cận. Mặc dù ngắn gọn nhưng truyện đã truyền tải đầy đủ nội dung và ý nghĩa, cho thấy năng lực viết truyện xuất sắc của tác giả.

Nguyên nhân tấm vải bị dơ được thể hiện qua hai góc nhìn đối lập: góc nhìn phiến diện của đứa con và góc nhìn toàn diện của người mẹ. Cậu bé nhìn thấy tấm vải bị dơ và vội vàng quy chụp là do người hàng xóm sử dụng xà bông giặt không tốt, vì vậy khi tấm vải sạch sẽ thì cậu cho rằng hàng xóm đã tìm ra cách xử lý khiến việc giặt giũ hiệu quả hơn. Còn đối với người mẹ khi nhìn tấm vải dơ thì cô không chỉ đơn thuần nhìn tấm vải đó mà nhìn cả tấm kính nhà mình, do đó hiểu ra nguyên nhân thật sự. Hành động của cô không giới hạn ở việc “nhìn” mà là “quan sát”, vì khi quan sát thì chúng ta mới có sự suy xét kỹ lưỡng và nhìn nhận vấn đề ở mọi khía cạnh, từ đó có thể rút ra kết luận chính xác.

Thông qua câu chuyện này, tác giả đã phê phán hai tính xấu của con người. Thứ nhất là thái độ cư xử của người với người. Cậu bé cho rằng hàng xóm không biết cách giặt đồ và còn bình phẩm, chê bai liên tục suốt một thời gian dài, trong khi lẽ ra phải giúp đỡ bà ấy, đặc biệt đây lại là hàng xóm cạnh nhà thì nên có tình nghĩa láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Thói tọc mạch, sự thờ ơ lạnh nhạt sẽ làm cản trở mối quan hệ giữa người với người và vô tình đẩy chúng ta xa cách nhau hơn.

Tính xấu thứ hai mà tác giả lên án đó là việc không biết nhìn nhận sai trái của bản thân mà chỉ đổ lỗi cho người khác, thông qua việc người mẹ đã nhận ra nguyên nhân tấm vải dơ là do kính nhà mình không sạch chứ không phải do người hàng xóm không biết cách giặt đồ. Cô không nói ngay lần đầu tiên mà để con mình tự suy ngẫm và tìm ra nguyên nhân thật sự, nhưng mãi mà cậu bé vẫn chưa nhận thức được nên cô đã lau kính để cậu bé có thể hiểu ra. Câu chuyện kết thúc bởi câu nói của người mẹ “sáng nay mẹ đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy” và không đề cập đến phản ứng của cậu bé, nhưng chắc chắn sau câu nói này của mẹ, cậu bé sẽ phải suy ngẫm lại về thái độ của mình.

“Kính cửa sổ” được tác giả ẩn dụ là hình ảnh lăng kính cuộc đời, những điều con mắt chúng ta nhìn thấy chỉ là bề nổi. Đôi khi chúng ta còn bị chính định kiến của mình cản trở việc nhìn nhận bản chất sự thật, điều này có thể ảnh hưởng đến góc nhìn, thế giới quan và chính thái độ sống của chúng ta. Nói cách khác, sự việc tốt đẹp hay xấu xa đôi khi là do cách chúng ta nhìn nhận. Như vậy, trước khi kết luận về điều gì đó, đầu tiên chúng ta phải tự vấn bản thân, sau đó xem xét vấn đề một cách đa chiều trên mọi phương diện cả khách quan lẫn chủ quan, tìm ra cốt lõi của sự việc, từ đó có biện pháp ứng xử đúng đắn.

Câu chuyện chỉ vài dòng ngắn gọn nhưng để lại bài học sâu sắc về cách đối nhân xử thế. Trước những con người, sự việc xảy ra trong cuộc sống, đừng vội phán xét mà hãy mở lòng, nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc để có sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *