Phân tích cái tôi trong Tự tình 2

“Tự tình 2” là một trong những tác phẩm nổi bật của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tác phẩm cũng là tiếng nói, là sự phản pháo dành cho chế độ phong kiến lạc hậu. Hãy cùng Hocmai 360 viết bài Phân tích cái tôi trong Tự tình 2 nhé!


Dàn ý Phân tích cái tôi trong Tự tình 2

a. Mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm “Tự tình 2”

- Giới thiệu về tác giả Hồ Xuân Hương

b. Thân bài:

- Phân tích nội dung bài thơ “Tự tình 2”: Lời oán thán của người phụ nữ về số kiếp làm lẽ trong xã hội phong kiến xưa, cũng như là cái tôi dũng cảm dám đứng lên phê phán, thay đổi giá trị của người phụ nữ trong xã hội đương thời

- Phân tích ý nghĩa nhan đề bài thơ: tự bộc lộ tâm tình của bản thân mình

- Cái tôi cá nhân được thể hiện thông qua tác phẩm: Nếu như những người phụ nữ khi xưa chỉ biết cam chịu, biết im lặng chịu đựng thì giờ đây họ đã có được ý chí phản kháng, có được những ngọn lửa đầu tiên để nói lên tiếng lòng của mình

- Vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật:

+ Thể thơ: thất ngôn bát cú Đường Luật

+ Ngôn ngữ: tiếng Việt giản dị, quen thuộc

c. Kết bài: Nêu suy nghĩ và cảm nhận của em về cái tôi của nhân vật trữ tình được thể hiện trong bài thơ


Phân tích cái tôi trong Tự tình 2

Tiếng nói của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy cổ hủ dường như chẳng có giá trị nào cả. Số phận của họ ngay từ khi sinh ra đã được định đoạt theo một khuân mẫu có sẵn. Bất mãn với những định kiến, với những tư tưởng lỗi thời ấy, Hồ Xuân Hương viết thơ như để giải tỏa nỗi lòng của mình. Tiếng lòng trong thơ cũng là tiếng lòng của đời thực. Cái tôi cá nhân cũng từ đó được nổi bật lên, tạo nên bước thay đổi lớn trong lối sống và suy nghĩ đương thời. Tác phẩm “Tự tình 2” được sáng tác khi bà làm vợ lẽ như đã chỉ ra được rất rõ cả hai điều trên.

Hồ Xuân Hương nổi tiếng là một nữ sĩ tài năng trong lịch sử thi ca Việt Nam. Cũng chính bởi sự tài năng đó mà bà được người đời khen ngợi, khâm phục và mệnh danh đến bao đời sau là “Bà chú thơ Nôm”. Tài năng là vậy, thế nhưng cuộc đời bà lại chông chênh, vất vả đến không ngờ. Từ những trải nghiệm của bản thân mình, thế nên những sáng tác của bà đa phần là về số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa kia. Tiếng lòng trong thơ là sự trào phúng, lên án những hủ tục cũ kĩ của xã hội phong kiến, nhưng đó đồng thời cũng là những lời than thân của một kiếp người tài sắc mà bạc phận.

Nhan đề “Tự tình” có nghĩa là tự bộc lộ tâm tình của bản thân mình. Những sự tâm tình ở đây không phải che đậy hay ẩn dụ dưới bất cứ hình ảnh nào để bộc lộ ra hết. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đang bộc bạch về cảm xúc của chính mình, về nỗi cô đơn của kiếp người, nỗi bất hạnh của kiếp má hồng cũng như là số phận của người vợ lẽ.

Xã hội phong kiến xưa chuyện một chàng ba thê bảy thiếp chẳng phải chuyện hiếm. Nhưng chúng ta thường chỉ nghe được tiếng lòng của những cô vợ cả khi chồng mình cưới thêm một cô vợ lẽ, ít khi chúng ta được chứng kiến một cô vợ lẽ tự mình lên tiếng cho số phận của mình. Ai cũng mong muốn khi cưới chồng sẽ được hưởng niềm hạnh phúc lứa đôi, được đầu ấp tay gối với người mình thương yêu. Vậy mà ở cái tuổi xuân vẫn còn phơi phới, người phụ nữ ấy phải trải qua đêm dài một mình chẳng có ai ngó ngàng, quan tâm.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn”

Phải chăng tiếng trống dồn ấy là suy nghĩ, là tiếng lòng của người phụ nữ đang một mình trong căn phòng kia? Giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng lòng ấy như đang gào thét, như đang muốn được bật ra để cho thấy được nỗi uất ức đã dồn nén từ lâu. Vầng trăng cao trên kia tựa như cũng đang phản ánh cuộc đời của người phụ nữ đáng thương đó. Trăng trong thơ ca thường là trăng tròn, không chỉ vậy trăng còn là minh chứng cho lời thề nguyền của tình yêu vĩnh cửu. Vậy mà ở đây trăng lại “khuyết chưa tròn”, phải chăng Hồ Xuân Hương đang ám chỉ rằng tình yêu ấy là một tình yêu không trọn vẹn, khuyết thiếu như vầng trăng sáng trên kia?

Nếu như bốn câu thơ đầu là lời oán thán của người phụ nữ về kiếp làm lẽ đầy bất công, về những giáo điều không công bằng vì tiêu chuẩn phong kiến, thì hai câu thơ sau lại là sự phản kháng từ chính nội tâm của người phụ nữ. Họ muốn chống lại những định kiến, những tiêu chuẩn của xã hội xưa như tam tòng tứ đức để có thể tự mình quyết định cuộc đời của chính mình. Hồ Xuân Hương đưa những vạn vật đơn giản, nhỏ bé nhất để ẩn dụ cho số phận của người phụ nữ. Những điều tưởng chừng như không thể nào xảy ra được lại có thể mạnh mẽ vươn lên để thay đổi chính số phận của mình. “Rêu, đá” lại có thể đâm thẳng cả “đất, trời”, vậy thì tại sao người phụ nữ lại không thể thay đổi được số phận của chính họ?

Nếu như những người phụ nữ khi xưa chỉ biết cam chịu, biết im lặng chịu đựng thì giờ đây họ đã có được ý chí phản kháng, có được những ngọn lửa đầu tiên để nói lên tiếng lòng của mình. Đó cũng chính là tư tưởng mới mà cái tôi cá nhân đã có thể thấu hiểu được, có thể tiếp nhận được. Chính sự thay đổi ấy cũng là bước khởi đầu cho sự xuất hiện cái tôi riêng, tách ra khỏi cái ta thường trực trong thơ ca Trung đại từ xưa tới nay.

Bài thơ đã thật thành công khi cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa – những điều vô cùng giản đơn, bình dị nhưng lại là khao khát, niềm mơ ước cả cuộc đời của họ. Sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật quen thuộc nhưng lại kết hợp với ngôn ngữ tiếng Việt đã mang lại màu sắc thật mới cho bài thơ. Vừa không làm mất đi tính giá trị vốn có của thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật, vừa khiến cho bài thơ trở nên gần gũi, quen thuộc với người Việt Nam chúng ta.

Bài thơ “Tự tình 2” dường như đã trở thành một ánh sao sáng, một ngọn đuốc dẫn đường cho sự thay đổi của cái tôi trong nền văn học nước sau này. Bài thơ cũng cho chúng ta thấy được những tư tưởng mới mẻ của cái tôi người phụ nữ, đang muốn phản pháo lại những tư tưởng phong kiến lạc hậu.

Lê Hồng Phương
19/3/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question