“Bảo kính cảnh giới Bài 21” – một phần trong tuyển tập “ Bảo kính cảnh giới” của Nguyễn Trãi, nằm trong tập thơ “ Quốc âm thi tập”. Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước và lòng trung hiếu của ông với nhân dân. Cùng Hocmai360 theo dõi bài phân tích dưới đây để hiểu rõ hơn nội dung bài thơ này

Phân tích Bảo kính cảnh giới Bài 21 ngắn gọn

Sinh ra và lớn lên ở thời kỳ đất nước nhiều biến động, thơ Nguyễn Trãi thể hiện chân thực nhất bức tranh tâm hồn của mình, tinh thần yêu nước, lòng trung hiếu một lòng với nhân dân. Bảo kính cảnh giới bài 21 là một trong những tác phẩm tâm đắc nhất của Nguyễn Trãi, bài thơ không chỉ tái hiện được tầm hiểu biết sâu rộng về cuộc sống con người mà còn là lăng kính để tác giả bày tỏ lòng tự tôn dân tộc, sự tự hào về những đức tính quý giá của con người Việt Nam.

“Ở bầu thì dáng ắt nên tròn
Xấu tốt đều thì rắp khuôn
Lân cận nhà giàu no bữa cám
Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn
Chơi cùng bầy dại nên bầy dại
Kết mấy người khôn học nết khôn
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp
Đen gần mực đỏ gần son’’.

Bốn câu thơ mở đầu là cái nhìn của tác giả đối với quy luật vốn có của tự nhiên.

Ở bầu thì dáng ắt nên tròn
Xấu tốt đều thì rắp khuôn
Lân cận nhà giàu no bữa cám
Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn

Lồng ghép ca dao tục ngữ để thể hiện ý thơ, Nguyễn Trãi đã khắc hoạ được kinh nghiệm đã được đúc kết từ bao đời nay của thế hệ cha ông ta, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “ gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. “Tròn” là hình dáng phải mang khi “ở bầu”, xấu tốt cũng đã được định sẵn theo khuôn. Đây dường như là quy luật tất yếu, khó có thể thay đổi, chính vì vậy, chúng ta không thể đánh giá được mọi thứ chỉ qua vẻ bề ngoài, cần phải có cái nhìn nhận sâu sắc hơn. Không phân biệt xấu tốt, tròn dài, mọi thứ đều bình đẳng theo quy luật của tự nhiên, của xã hội.

Lân cận nhà giàu no bữa cám
Bạn bè kẻ trộm phải no đòn

Láng giềng, bạn bè là những người thân cận, tiếp xúc trực tiếp với chúng ta hàng ngày, đóng góp không nhỏ trong việc hình thành suy nghĩ, tính cách và tinh thần. Đó có thể là hình mẫu, là bài học để chúng ta nhìn vào để hoàn thiện bản thân, nhưng cũng có thể là con dao hai lưỡi nếu không biết chọn lọc. Hai câu thơ trên cũng thể hiện lòng đồng cảm sâu sắc của tác giả với con người, sự thật bất công về việc phân chia giai cấp trong xã hội, kẻ giàu người nghe, bất bình đẳng về quyền con người ở thời kì phong kiến. Bên cạnh có cũng là cái nhìn thấu đối với quy luật của cuộc sống, không phân biệt, đối xử bất công với những người có hoàn cảnh khó khăn đồng thời cần rèn luyện sự nhạy bén, học hỏi những cái tốt, cái hay từ cuộc sống xung quanh, bài trừ và tránh xa những thứ độc hại.

 

Từ quy luật của tự nhiên, Nguyễn Trãi đã đúc kết ra những quy luật tất yếu trong xã hội con người qua bốn câu thơ:

Chơi cùng bầy dại nên bầy dại
Kết mấy người khôn học nết khôn
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp
Đen gần mực, đỏ gần son

Nền tảng, môi trường là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành một con người, được giáo dục và phát triển ở trong môi trường thuận lợi, tích cực sẽ hình thành nên một cá thể tốt, nhiều cá thể tốt sẽ là điều kiện tốt để đất nước phát triển thịnh vượng hơn. Chính vì vậy, Nguyễn Trãi qua hai câu thơ muốn truyền đạt thông điệp tới mọi người, chơi cùng người dại sẽ khiến bản thân sa sút, tiếp thu những tư tưởng độc hại, kìm hãm sự phát triển của bản thân, thay vào đó, hãy kết giao với những người khôn ngoan để học được những đức tính tốt, những kinh nghiệm quý báu để phát triển bản thân. Cách sử dụng từ ngữ “bầy dại” và “ người khôn” của tác giả đã thể hiện được khả năng dùng từ độc đáo, thu hút độc giả cũng như thái độ mỉa mai, châm biếm của tác giả đối với những “con sâu” trong xã hội:

Ở đấng thấp thì nên đấng thấp
Đen gần mực, đỏ gần son

“ Ở đấng thấp thì nên đấng thấp” là câu thơ thể hiện tài năng trong việc sử dụng từ ngữ để biểu hiện ý thơ của tác giả. Ở vị trí thấp nhưng Nguyễn Trãi lại sử dụng từ “ đấng” vốn dĩ là một từ thể hiện sự kính trọng, tôn quý, thường dành cho những nhân vật có vị trí cao quý, được tôn vinh trong xã hội. Sự đối lập vốn dĩ không thể đi cùng nhau này đã tái hiện được vẻ đẹp tâm hồn cao cả của nhà thơ, dù ở vị trí nào cũng phải tôn trọng con người, ở “đấng thấp” cũng phải hoàn thành tốt nghĩa vụ ở vị trí của mình, dù là bất kì ai trong xã hội cũng cần được tôn trọng.

Hai hình ảnh đối lập nhau đen – đỏ và mực – son tượng trưng cho hai xu thế trong xã hội, có người tốt người xấu, kẻ giàu người nghèo, là lời nhắc nhở, răn dạy của nhà thơ về tầm quan trọng của việc kết giao bạn bè. Nguyễn Trãi đã khéo léo, tài tình trong việc sử dụng câu từ để răn mình và hậu thế, góp phần hướng con người tới nhân cách cao cả, phẩm chất tốt đẹp.

“Bảo kính cảnh giới” là những triết lý sâu sắc đã được nhà thơ tiếp thu và đúc kết thông qua những suy tư, trăn trở về cuộc sống con người. Sự phá cách đầy ấn tượng trong thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, việc vận dụng tài tình ca dao tục ngữ và khả năng kết hợp từ ngữ đầy ấn tượng đã một lần nữa khẳng định vị thế, dấu ấn của Nguyễn Trãi trong lịch sử thơ văn Việt Nam, cùng với đó là tinh thần học hỏi và chiêm nghiệm sâu sắc đời sống con người, qua đó thể hiện được lòng đồng cảm quý báu của một người thi sĩ trung với nước, hiếu với dân.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *