Skip to content

Phân tích bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính ngắn gọn

Post date:
Author:
Number of comments: no comments

Bài thơ là bức tranh màu xuân với hình ảnh cô gái trẻ đôi má hồng, đôi mắt trong sáng, duyên dáng đi hội chùa làng. Hãy cùng Topbee Phân tích bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính để thấy được Khung cảnh mùa xuân và tình xuân được nhà thơ nhắc đến.

Dàn ý Phân tích bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính

Mở bài:

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Bính và bài thơ “Xuân về”.

– Dẫn dắt khái quát vấn đề cần nghị luận

Thân bài:

a, Chủ đề và Dòng cảm xúc của bài thơ:

– Chủ đề: Hình ảnh thiên nhiên và con người ở làng quê Việt Nam khi xuân về.

– Dòng cảm xúc: Cảm hứng trữ tình, say đắm với vẻ đẹp mà mùa xuân mang lại cho thi sĩ.

b, Phân tích tác phẩm:

– Bức tranh thiên nhiên mùa xuân:

+ Gió xuân về: ửng hồng gò má của “gái chưa chồng”; mang cái lạnh se se, cứ đến rồi lại đi.

+ Những cơn mưa mùa xuân qua đi, trời quang mây tạnh, lại trong xanh.

+ Ánh nắng dịu nhẹ, ấm áp dần dần xuất hiện.

+ Sau cơn mưa xuân, những lộc non đâm chồi, phủ lên lớp “tráng bạc”.

+ Cánh đồng lúa vào “thì con gái” xanh mướt, “mượt như nhung”.

+ Những khu vườn cây tràn ngập màu sắc và mùi hương của các loài hoa, thu hút bướm ong về tụ họp.

– Hình ảnh con người:

+ Đôi má đỏ bừng của “gái chưa chồng”.

+ Cô gái hàng xóm với “đôi mắt trong” nhìn lên bầu trời.

+ Con trẻ vui đùa, “chạy xun xoe” dưới ánh nắng mùa xuân.

+ Niềm vui nhàn hạ của người nông dân được “nghỉ việc đồng” sau những tháng này làm lụng vất vả.

+ Hình ảnh hào hứng khi đi trẩy hội chùa, từ những cô gái trẻ với “yếm đỏ, khăn thâm” tới những cụ già

“tóc bạc”.

c, Đánh giá:

– Nội dung:

Bài thơ là bức tranh màu xuân với hình ảnh cô gái trẻ đôi má hồng, đôi mắt trong sáng, duyên dáng đi hội chùa làng. Khung cảnh mùa xuân và tình xuân được nhà thơ nói đến rất bình dị, mộc mạc, rất quen thuộc.

– Nghệ thuật:

+ Hình ảnh thơ chân thực, gần gũi.

+ Ngôn ngữ trong sáng,  đơn giản và được sử dụng khéo léo.

+ Các biện pháp tu từ.

+ Nhịp điệu chậm rãi, cách ngắt nghỉ nhịp nhàng.

-> Vẻ đẹp mộc mạc đặc trưng của thơ Nguyễn Bính.

Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

– Khẳng định lại ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân.

 

Bài văn Phân tích bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Bính Thuyết, sinh năm 1919 tại thôn Thiệu Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho nghèo. Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại. Ông được mệnh danh là “nhà thơ của tình quê” với giọng điệu thơ rất riêng, mang sắc thái quê mùa, dân dã khó trộn lẫn. Người đọc quý mến Nguyễn Bính bởi ông đã tạo được phong vị thơ đặc biệt cho mình: phong vị lục bát ca dao. Bài thơ Xuân về lại mang phong vị khác cho bạn đọc: phong vị thơ mới thất ngôn.

Mùa xuân là đề tài quen thuộc với nhiều tác giả, ít ai bỏ lỡ những lời thơ ca qua nét thơ của mình. Mỗi người một nét nhìn, một phong vị văn thơ khác nhau nhưng hầu như ai cũng ca ngợi sức sống của đất trời, của con người mùa xuân. Với Nguyễn Bính mùa xuân bao trùm lên tất cả. Trong bốn khổ thơ bảy chữ tác giả là người quan sát và miêu tả bằng những câu thơ trong sáng, nhẹ nhàng. Những nét xuân đầu tiên mà nhà thơ Nguyễn Bính cảm nhận từ một vị trí gần với nhà thơ nhất:

Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

Xuân Về, là một bức tranh sống động của làng quê Bắc bộ những năm đầu trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Mùa xuân giờ đã về trên từng bờ cây ngọn cỏ, trên đôi má của những cô gái xuân thì: “Với trên màu má gái chưa chồng”. Mà gái chưa chồng ở đây chính là “cô hàng xóm” đang ở “bên hiên hàng xóm”. Cô gái ấy có thấy thi sĩ đang nhìn mình để thấy Xuân Về hay không? Sao cô lại: “ngước nhìn giời” với đôi mắt trong”. Phải chăng chính là “đôi mắt trong” của cô hàng xóm ấy cộng thêm “màu má” ửng hồng khi gió đông thổi về, cho thi sĩ của chúng ta “Đã thấy xuân về”. Mùa xuân về như cô gái tuổi đôi mươi chưa chồng, nó trong sáng, dịu dàng, đằm thắm, đầy sức sống:

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe

Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe

Lá nõn nhành non ai tráng bạc

Gió về từng trận gió bay đi.

Khung cảnh thật tươi sáng và trong lành. Trời không mưa. “Gió về từng trận gió hay đi”, câu thơ mang lại cho người đọc không khí mát mẻ, nhẹ nhàng mà không là gió lốc, gió xoáy. “Lá nõn, nhành non, ai tráng bạc” là một câu thơ đẹp về hình ảnh, hay về nội dung. Đẹp về hình ảnh “lá nõn nhành non” và nghệ thuật so sánh “ai tráng bạc”; hay là ở chỗ nó làm phong phú thêm sắc màu tươi trẻ của ngày xuân, làm cái nền rất phù hợp với niềm vui của “đàn con trẻ”. Tác gải sử dụng biện pháp liệt kê những hình ảnh bức tranh mùa xuân để cho bức tranh thêm sống động, có nhịp điệu, tăng tính nhạc cho tác phẩm. Bức tranh xuân về mở rộng thêm:

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương hay, bướm vẽ vòng.

Từ cô em gái hàng xóm, từ những đứa trẻ nô đùa trên đường, nay tác giả nhìn nhận mùa xuân với góc nhìn cao hơn để thể hiện một cách rộng nhất cái bức tranh màu sắc ấy. Những người nông dân đã nghỉ việc ở ngoài đồng, chuẩn bị đón xuân về nồng đượm trên quê hương, những bông lúa thật mướt và non như những cô gái mới lớn, xanh rờn, tươi trẻ. Bông lúa tháng Giêng nằm phơi mình giữa đồng đón nắng mới, như một thiếu nữ e thẹn, ngại ngùng trước sự đổi thay của thiên nhiên. Phải chăng hình ảnh “đầy vườn” hoa rụng, còn có ẩn ý trái đã kết, cánh hoa rụng xuống bướm vẽ vòng, chính là biểu hiện vòng tuần hoàn của trời đất, của cây cối, hoa sau khi khoe hương sắc thì nhường chỗ cho trái ngon quả ngọt lớn lên.
Phần cuối cùng của bức tranh tổng thể Xuân về là hình ảnh

Trên đường cát mịn một đôi cô

Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Tay lần tràng hạt miệng nam mô.

Nếu ở hai khổ thơ giữa nhà thơ miêu tả cảnh cây cỏ, ruộng lúa,… là chính thì ở khổ thơ trên nhà thơ lại tập trung miêu tả về con người đang đón xuân về, đặc biệt là các cô gái và các cụ bà. Ba khổ thơ đầu, nhà thơ miêu tả xuân đang về với con người, còn ở khổ thơ này thì xuân đã về, con người thực sự đón xuân. Một trong những hình thức đón xuân ấy là “trẩy hội chùa”. Cảnh trong khổ thơ là cảnh làng quê miền Bắc vào những năm trước Cách mạng tháng Tám. Đi trẩy hội chùa phần lớn là người già và các cô gái. Quanh năm chân lấm tay bùn, quần áo bạc màu mưa gió. Nhân xuân về, các cô diện “yếm đỏ khăn thâm” dắt bà thong thả đến chùa cầu phước.

Những dòng thơ trong sáng, gần gũi vang lên một cách thuần khiết nhất, thấm đẫm trong từng câu chữ, đó là cái tài hoa của một người nghệ sĩ chân chính. Xuân về mang một phong vị khác trong thơ ca của Nguyễn Bính. Cảnh Xuân thì vẫn là cảnh đầy sức sống với cảnh sắc tươi sáng, trong lành của làng quê Việt Nam nhưng những dòng thơ về cảnh sắc ấy lại là những dòng thơ mới đang trong thời khuấy động thành phong trào. Riêng về Xuân về mà xét thì đó là một bài thơ hay trong những bài thơ ghi lại những hình ảnh đặc trưng của quê Việt vào những năm đầu của thế kỉ XX.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *