Bài thơ “Sống” là môt trong những bài thơ thể hiện quan niệm của tác giả về cách sống của con người. Để thấy rõ những giá trị trên, sau đây mời các bạn tham khảo bài mẫu Phân tích bài thơ Sống của Nguyễn Khoa Điềm.

Dàn ý Phân tích bài thơ Sống của Nguyễn Khoa Điềm

Mở bài:

• Giới thiệu tác giả Nguyễn Khoa Điềm

• Giới thiệu tác phẩm “Sống” và cảm nhận khái quát về nội dung và nghệ thuật bài thơ.

Thân bài:

• Sáu câu thơ đầu: Không chấp nhận lối sống thực dụng, bị đồng tiền chi phối.

– Hình ảnh “hoa trước cửa, chim véo von trên cánh đồng”: Cuộc sống dư dả, không lo thiếu thốn về vật chất.

– Phép đối “Thắp hương dưới mộ – thiệp hồng như chim bay”: sự méo mó nhân tính của con người, những tình cảm giả dối, lệch lạc.

Đồng tiền chi phối nhân cách con người, thực dụng, đề cao vật chất.

• Tám câu thơ tiếp theo: Không chấp nhận lối sống yếu đuối, nhu nhược, chỉ biết cầu xin khi bị doạ nạt.

– “Lời cầu xin – doạ nạt”: Lối sống nhu nhược, không dám lên tiếng trước những sai trái, áp bức.

– Phê phán những người chỉ biết nhịn nhục để đổi lại khoảnh thời gian yên bình để sống, yên lặng cúi đầu, chấp nhận số phận mà không làm gì.

• Bốn câu thơ cuối tiếp theo: Không chấp nhận lối sống vô nghĩa, không có chính kiến riêng.

– Phủ định lối sống “không biết mình về đâu, làm được gì”, sống mà không có mục tiêu trước mắt, không có chính kiến mà chỉ biết theo số đông.

• Sáu câu thơ tiếp theo: Không chấp nhận lối sống giả tạo, không là chính mình.

– Phê phán lối sống không nhận ra giá trị của bản thân, không sống là chính mình với những ưu và nhược điểm riêng, luôn dùng những lừa lọc, sợ hãi để bao che, chùn bước trước thử thách.

• Năm câu thơ cuối: Lời nhắn nhủ hãy sống là chính mình với những giá trị bất diệt.

– Khẳng định mỗi con người đều có những giá trị quý giá riêng như “viên kim cương bất bại”

– Mình được gọi là đang sống, cuộc đời mình sẽ trọn vẹn từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc chỉ khi sống là chính mình.

• Nghệ thuật: Phép điệp ngữ, thể thơ tự do, ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh và sức biểu đạt,….

Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật bài thơ.
 

Bài mẫu Phân tích bài thơ Sống của Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ của quê hương, con người, tinh thần chiến đấu của chiến sĩ cách mạng yêu nước. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người Việt Nam. Bên cạnh chủ đề lớn này, thơ ông còn là những suy nghĩ, trăn trở về những vấn đề trong đời sống xã hội. Bài thơ “Sống” là môt trong những bài thơ thể hiện quan niệm của tác giả về cách sống của con người.

Mở đầu bài thơ là thái độ không chấp nhận của tác giả trước một lối sống thực dụng, bị đồng tiền chi phối. Dùng cách nói phủ định, tác giả đã khẳng định với một thái độ kiên quyết rằng dù “được đặt hoa trước cửa” hay “hát véo von trên cánh đồng” thì vẫn không thể sống mà không có giá trị đạo đức căn bản của con người, chạy theo giá trị đồng tiền. Đó là cách sống thực dụng, dùng sức mạnh tiền bạc để chi phối tất cả sự việc.

Tác giả sử dụng phép điệp ngữ “Không thể nào chấp nhận sống” để nhấn mạnh thái độ phê phán đối với lối sống yếu đuối, nhu nhược, chỉ biết cầu xin khi bị doạ nạt:

Không thể nào chấp nhận sống:
Với lời cầu xin, lời doạ nạt
Con người luôn đi sau thời gian
Để thời gian chỉ còn báo mộng
Không thể nào bưng hai tay
Một bình an đặng sống
Không thể nào cúi đầu
Nhìn ngón chân bất lực.

Thật sai lầm khi nghĩ rằng chỉ cần “bưng hai tay”, nhẫn nhịn thì sẽ đổi lại được một ít bình an để sống. Bình an lâu bề thật sự chỉ được tạo ra khi con người biết lên tiếng, đấu tranh cho mơ ước ấy. Sự nhẫn nhịn lâu dài cũng chỉ là cái cớ để che đậy sự nhu nhược, yếu đuối. Vì vậy con người không được “cúi đầu, nhìn ngón chân bất lực” mà phải dám lên tiếng và có hành động tự giải phóng chính mình.

Lối sống thứ ba mà tác giả muốn phê phán là lối sống vô nghĩa, không biết giá trị của mình để rồi không có chính kiến, lập trường của bản thân. Sống mà không xác định mục tiêu, đích đến, không nhận thức điểm mạnh, điểm yếu bản thân thì cũng sẽ dẫn tới việc đánh mất giá trị của mình. Ngộ nhận mục tiêu của người khác là của mình sẽ khiến con người trở thành phiên bản của người khác, chỉ biết vui buồn theo cảm xúc của người đó mà không phải của mình.

Lối sống cuối cùng mà tác giả muốn đề cập tới là lối sống lừa lọc, giả tạo, đánh mất bản thân. Nếu mình sống mà “Chẳng nhớ tim mình còn đập” thì chẳng khác nào sự sống đã kết thúc. Mình sống cuộc đời của người khác, cố gắng chạy theo các quy tắc, chuẩn mực của mọi người mà không có điểm dừng thì cuối cùng cũng sẽ tới vực thẳm. Đánh mất bản thân tức là đánh mất tất cả, những giá trị còn lại mà mình đạt được cũng chỉ như vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài mà không có tâm hồn.

Chính vì vậy, tác giả đã đưa ra lời nhắn nhủ, bài học ở năm câu thơ cuối cùng:

Ngày ta sống
Khi mình là sự sống
Từ ra đi đến trở về
Từ hư vô đến bụi đời
Kim cương bất hoại.

Mỗi con người đều có những giá trị quý giá riêng như “viên kim cương bất bại”, vì vậy bất kì ai cũng sẽ là một màu sắc không lặp lại trong bảng màu đa dạng của cuộc sống. Mình chỉ thực sự đang sống và cuộc đời mình sẽ trọn vẹn từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc chỉ khi sống là chính mình.

Như vậy, bằng thể thơ tự do, ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh và sức biểu đạt kết hợp với các biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ…tác giả đã thể hiện thái độ của bản thân trước những lối sống tiêu cực, đồng thời đó cũng là bài học quý giá cho bạn đọc về giá trị của bản thân

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *