Tình yêu quê hương, yêu chốn vùng quê yên bình được Nguyễn Khoa Điềm đưa vào lời bài thơ “miền quê” đầy sâu sắc. Hãy cùng Hocmai360 “phân tích bài thơ miền quê” để cảm nhận những giá trị sâu sắc mà tác giả muốn nhắn gửi nhé!
Dàn ý Phân tích bài thơ miền quê
Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả
– Giới thiệu chung về tác phẩm
Thân bài:
1. Giới thiệu chung về tác phẩm:
– Thể loại: thơ 6 chữ
– Mạch cảm xúc: thể hiện tình yêu, sự khao khát trở về miền quê yên bình
2. Phân tích bài thơ:
* Khổ 1:
– “mảnh trăng đầu tháng”, “mặt đồng bóng chiều”, “tiếng ếch”, “lúa mềm”=> gắn liền với miền quê yên bình
– “tiếng ếch vùi trong cỏ ấm” tượng trưng cho sự thanh bình và hòa thuận trong cuộc sống
* Khổ 2:
– “Thả chim, cỏ nội hương đồng/ Đàn trâu bụng tròn qua ngõ/ Gõ sừng lên mảnh trăng cong”=> tượng trưng cho sự lao động cần cù của những người nông dân
– “Gõ sừng lên mảnh trăng cong”: sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên
* Khổ 3:
– “đàn em tóc dài mười tám”, “người ra lính”: sự tươi trẻ, khát vọng ra đi bảo vệ Tổ Quốc
* Khổ 4:
– “Giếng làng”, “bến sông” là hai hình ảnh quen thuộc gắn liền với miền quê yên bình
– “Có tiếng hát như con gái/ Cao cao như vầng trăng trong”=> sự thăng hoa của tinh thần lạc quan qua tiếng hát của người con gái
* Nghệ thuật:
– Thể thơ sáu chữ nhẹ nhàng
– Cách gieo vần độc đáo
– Hình ảnh gần gũi thân thuộc
Kết bài:
Tình cảm, thông điệp của tác giả
Phân tích bài thơ Miền quê ngắn gọn
Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học vì vậy những áng thơ của ông đều toát lên tình yêu quê hương, đất nước. Bài thơ “miền quê” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm là một tác phẩm suất sắc trong nền văn học Việt Nam. Bài thơ thấm đẫm tình cảm của ông đối với miền quê, với những cảm nhận sâu lắng về cuộc sống bình dị thanh bình.
“Lại về mảnh trăng đầu tháng
Mông lung mặt đồng bóng chiều
…
Có tiếng hát như con gái
Cao cao như vầng trăng trong…”
Mở đầu bài thơ Nguyễn Khoa Điềm giới thiệu về miền quê của mình nơi mà tác giả gắn bó với biết bao tình cảm yêu quý, nhớ nhung.
Lại về mảnh trăng đầu tháng
Mông lung mặt đồng bóng chiều
Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm
Lúa mềm như vai thân yêu
Đó là những hình ảnh gắn liền với miền quê yên bình của tác giả với “mảnh trăng đầu tháng”, “mặt đồng bóng chiều”, “tiếng ếch”, “lúa mềm”. Bức tranh miền quê hiện lên thật đẹp và thanh bình, tạo nên bầu không khí yên tĩnh và tươi mát. Những hình ảnh đó không chỉ gợi lên sự thanh bình yên tĩnh của bầu không khí mà nó còn là sự yên bình, nhẹ nhàng và hạnh phúc trong lòng người đọc. Đó là âm thanh của “tiếng ếch vùi trong cỏ ấm” tượng trưng cho sự thanh bình và hòa thuận trong cuộc sống. Sự thanh bình của chốn miền quê tác giả còn hiện lên qua mùa xuân, mùa khởi đầu của những hy vọng mới:
Mùa xuân, là mùa xuân đấy
Thả chim, cỏ nội hương đồng
Đàn trâu bụng tròn qua ngõ
Gõ sừng lên mảnh trăng cong
Trong bốn mùa của năm, mùa xuân có lẽ vẫn là mùa được nhiều thi sĩ lựa chọn để viết lên những vần thơ tuyệt diệu của mình. Mùa xuân gắn liền với sự lạc quan, niềm hy vọng vào một tương lai tươi đẹp. Người ta thường nói mùa xuân là mùa của tuổi trẻ và tình yêu, mùa xuân vẫn mang mùi vị đắm say khiến cho người ta ngỡ ngàng, mong ước mỗi dịp xuân đến. Mùa xuân trong “miền quê” của Nguyễn Khoa Điềm gắn liền với hình ảnh “Thả chim, cỏ nội hương đồng/ Đàn trâu bụng tròn qua ngõ/ Gõ sừng lên mảnh trăng cong”. Từ xa xưa đến nay, trâu vốn là loài vật tượng trưng cho sự lao động cần cù của những người nông dân. Nói đến trâu là nói đến sản xuất nông nghiệp và văn hóa lúa nước của làng quê. Người lao động vẫn ngày đêm miệt mài chăm chỉ, gắn bó với miền quê thể hiện sự gắn kết tình yêu thương trong cộng đồng. “Gõ sừng lên mảnh trăng cong” là một câu thơ thể hiện nét chấm phá của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Không biết tự bao giờ ánh trăng đã trở thành nguồn cảm hứng muôn đời của thi sĩ văn nhân. Có thể gọi đây là mối lương duyên suốt đời mà ông tơ bà nguyệt đã dành cho họ. Ánh trăng mở ra một không gian thật lãng mạn, lên thơ cùng với “gõ sừng lên mảnh trăng” cho thấy sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên. Bức tranh trời xuân chốn miền quê của tác giả hiện lên thật đẹp, thật yên mình. Ánh trăng là sự sáng tạo độc đáo, thơ mộng hay đây chính là sự yên bình trong chính tâm hồn nhà thơ.
Có gì xôn xao đằm thắm
Bao nhiêu trông đợi chóng chầy
Đàn em tóc dài mười tám
Thương người ra lính hôm mai
Bài thơ mang đến một cảm giác xôn xao đằm thắm và tràn đầy hy vọng. Hình ảnh “đàn em tóc dài mười tám”, “người ra lính” họ là thế hệ trẻ của đất nước, là tương lai của Tổ Quốc. Hình ảnh hiện lên sự tươi trẻ, khát vọng ra đi bảo vệ Tổ Quốc luôn cuộn chảy trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam.
Để rồi bao nhiêu gió thổi
Bên giếng làng, ngoài bến sông
Có tiếng hát như con gái
Cao cao như vầng trăng trong…
Tác giả khát khao được trở về miền quê, được sống trong sự yên bình hạnh phúc. “Giếng làng”, “bến sông” là hai hình ảnh quen thuộc gắn liền với miền quê yên bình. Bài thơ mang đến sự thăng hoa của tinh thần lạc quan qua tiếng hát của người con gái. “Có tiếng hát như con gái/ Cao cao như vầng trăng trong” tượng trưng cho tinh thần lạc quan nơi những người dân miền quê. Những hình ảnh đó thể hiện cho tình yêu quê hương và lòng trung thành tuyệt đối đối với Tổ Quốc. Chính tình yêu quê hương, cùng những sự vật chốn miền quê rất thích vị tạo lên cảm giác khó quên trong lòng người đọc. Qua bài thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện tấm lòng biết ơn dành cho miền quê thân yêu của mình. Những hình ảnh đó gợi lên trong lòng người đọc một sự nhớ nhung và mong muốn trở về nơi chốn ấy.
Bài thơ sử dụng thể thơ sáu chữ nhẹ nhàng, cách gieo vần độc đáo gợi lên những cảm xúc khó quên trong mỗi chúng ta. Hình ảnh gần gũi thân thuộc với miền quê mang đến cảm giác sống động trong lòng người đọc.
Bài thơ “miền quê” của Nguyễn Khoa Điềm mang đến cho ta những cảm xúc sâu lắng về vẻ đẹp của chốn miền quê. Miền quê hương ấy hiện lên với một bức tranh sống động, cùng các hình ảnh đẹp đẽ mang đến những cảm nhận tinh tế cho người đọc. Bài thơ được Nguyễn Khoa Điềm viết ra một với một thông điệp về tình yêu quê hương và lòng trung thành đối với Đất Nước.