“Mời trầu” là bài thơ tiêu biểu thể hiện phong cách sáng tác độc đáo của Hồ Xuân Hương. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn thi phẩm đã bộc lộ tấm lòng đồng cảm, thể hiện tâm tư của bà về tình duyên, về số phận những người phụ nữ.
Dàn ý Phân tích bài thơ Mời trầu ngắn gọn
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Trích thơ
2. Thân bài:
* Đánh giá nhan đề: giản dị, mộc mạc nhưng gợi cho ta nhiều liên tưởng thú vị
* Phân tích bài thơ
– “Nho nhỏ” gợi lên cái hình ảnh nhỏ bé của miếng trầu hay chính là thân phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa
– “Hôi” ở đây mang hàm nghĩa bình dị, chân chất
– “Này” đặt ở đầu câu gợi cảm giác đột ngột, mang đến cho người đọc sự ngỡ ngàng
=> Hai câu thơ gợi lên khát vọng về tình yêu đôi lứa mãnh liệt của thi sĩ Hồ Xuân Hương
– “Duyên” là sự rằng buộc nhau từ kiếp trước, là cái duyên trời định
– “Thắm” là màu đỏ tươi của trầu hòa quyền với cau, là tình cảm thắm thiết gợi sự gắn bó hòa quyện
– Thành ngữ “xanh như lá bạc như vôi”: sự chia cách, phai nhạt
– “có phải… thì…đừng…như…”: nỗi lòng đầy ưu tư, khắc khoải
* Nghệ thuật:
– Cấu trúc rõ ràng, quy tắc chặt chẽ, bố cục được viết theo đúng kiểu khai- thừa- chuyển-hợp
– Phương thức biểu đạt biểu cảm
– Tục ngữ dân gian “đừng xanh như lá đừng bạc như vôi”
3. Kết bài:
– Đánh giá nội dung, thông điệp của bài thơ
Phân tích bài thơ Mời trầu ngắn gọn
Hồ Xuân Hương là nữ nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học trung đại Việt Nam. Xuân Diệu đã từng nhận xét về thơ Hồ Xuân Hương: “thứ thơ ấy không chịu ở trong khuôn khổ thông thường mà là một thứ thơ muốn lặn sâu vào sự vật, vào những thứ đáy rất kín thẳm của tâm tư. Những thứ kiến thẳm ấy không phải lạc lõng, cô đơn, cá nhân chủ nghĩa mà trái lại được hàng vạn người đồng tình thông cảm”. Bài thơ “Mời trầu” là một trong những tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ phong cách sáng tác độc đáo của Hồ Xuân Hương. Qua bài thơ tác giả thể hiện cá tính mạnh mẽ của mình khi vượt qua các lễ giáo khắc nghiệt của phong kiến. Điều đó chứng tỏ sự quyết định và độc lập của người phụ nữ trong tình yêu.
“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.”
Bài thơ “Mời trầu” là một trong hơn năm mươi bài thơ nôm được truyền tụng của Hồ Xuân Hương. Bài thơ bộc lộ nhiều tính cách độc đáo, mạnh mẽ quyết đoán của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Trong tác phẩm Hồ Xuân Hương chủ động tìm đến với tình yêu, chủ động mời trầu bạn tình thể hiện khát khao tình yêu cháy bỏng nhưng đó cũng là lúc nữ thi sĩ nhận ra sự bạc bẻo của tình đời. “Mời trầu” là bài thơ được viết theo thể thơ tuyệt cú cổ điển. Đây là một thể thơ Đường luật thi, một thứ văn chương bác học. Hồ Xuân Hương đặt nhan đề “Mời trầu” giản dị, mộc mạc nhưng gợi cho ta nhiều liên tưởng thú vị. Hình ảnh miếng trầu từ lâu đã gắn liền với truyền thống của con người Việt Nam. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” là vật không thể thiếu trong những ngày đám cưới nó gắn liền với những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam. Thế nhưng ở đây bài thơ “mời trầu” lại thể hiện tấm lòng khao khát tình yêu đích thực.
“Quả cầu nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi”
Câu thơ đầu là tiếng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng của người thiếu nữ hiền thục. Đúng như phong tục của Việt Nam miếng trầu là đầu câu chuyện, Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh miếng trầu và quả cau như một hình thức giao tiếp đặc biệt. “Quả cau nho nhỏ” được đặt bên cạnh “miếng trầu hôi” thật độc đáo. “Nho nhỏ” gợi lên cái hình ảnh nhỏ bé của miếng trầu nhưng mang những vẻ đẹp ẩn lớp. Sự nhỏ bé ấy hay chính là thân phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa. “Hôi” ở đây mang hàm nghĩa bình dị, chân chất. Hồ Xuân Hương như bóc hết vẻ đẹp toàn mỹ, để trơ ra cái lõi của sự chân thật đến trần trụi cho thấy hết vẻ đẹp ẩn lấp. Ta đã từng bắt gặp hình ảnh miếng trầu trong ca dao tục ngữ của người Việt xưa:
“Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?”
Nếu như trong các câu ca dao xưa trầu thường gắn liền với vị cay, chát,… thì miếng trầu trong thơ Hồ Xuân Hương lại mang đến những điểm mới lạ. “Này của Xuân Hương mới quệt rồi” chữ “này” được nhà thơ Hồ Xuân Hương đặt ở đầu câu gợi cảm giác đột ngột, mang đến cho người đọc sự ngỡ ngàng. Miếng trầu ấy vừa mới quét xong, nó vẫn còn tươi xanh, chất chứa bao nỗi lòng tâm sự của người con gái. Hai câu thơ gợi lên khát vọng về tình yêu đôi lứa mãnh liệt của thi sĩ Hồ Xuân Hương.
“Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi”
Hai câu thơ trên là lời của thi sĩ nhắn gửi đến người bạn đời của mình. “Duyên” là sự rằng buộc nhau từ kiếp trước, là cái duyên trời định. “Thắm” là màu đỏ tươi của trầu hòa quyền với cau, là tình cảm thắm thiết gợi sự gắn bó hòa quyện. Đó là khao khát mãnh liệt trong tình yêu, tình yêu đến từ hai người sẽ trở nên thắm thiết, mang một sắc đỏ tươi như chính miếng trầu. Nhưng nếu tách riêng thì rời rã một màu xanh non nớt, bạc bẽo. Đó là cái màu xanh của lá trầu, bạc của vôi thể hiện cho sự chia lìa xa cách. Nhà thơ đã vận dụng thành công thành ngữ “xanh như lá bạc như vôi” mang ý nghĩa sâu sắc của bài thơ. Hồ Xuân Hương lo lắng về sự chia cách, phai nhạt hay đó chính là nỗi sợ tình yêu không còn nguyên vẹn tươi thắm như buổi ban đầu. Một loạt từ ngữ “có phải… thì…đừng…như…” xuất hiện cùng nhau như cứa vào trái tim chân thành, nhạy cảm của nữ thi sĩ. Câu thơ gợi ra nỗi lòng đầy ưu tư, khắc khoải của một tâm hồn nhạy cảm trước cuộc đời. Là một nhà văn đã nếm trải đủ vị chua chát cay đắng, sự giả dối của cái xã hội mà số phận người phụ nữ luôn phải lệ thuộc, chịu nhiều lễ giáo khắc nghiệt của phong kiến. Bài thơ giống như chính thân phận của nữ thi sĩ, một người con gái với số phận đầy éo le dang dở và trắc trở trong đường tình duyên.
Bài thơ có cấu trúc rõ ràng, quy tắc chặt chẽ, bố cục được viết theo đúng kiểu khai- thừa- chuyển-hợp cùng phương thức biểu đạt biểu cảm. Kết hợp với việc sử dụng tục ngữ dân gian “đừng xanh như lá đừng bạc như vôi” thể hiện nỗi khao khát, trăn trở của một tâm hồn nếm trải đủ vị cay đắng của cuộc đời. Những câu thơ thể hiện tính mạnh mẽ dũng cảm quyết tâm đòi lại quyền bình đẳng cho mình
Toàn bộ bài thơ là thông điệp về cảm xúc, khao khát cháy bỏng của người phụ nữ, mong muốn được sống trong xã hội công bằng, khao khát tình yêu mãnh liệt. Qua bài thơ, Hồ Xuân Hương thể hiện tấm lòng đồng cảm với số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, họ không dám lên đi tìm đứng lên tìm tình yêu. “Mời trầu” thể hiện tâm tư khát vọng trong tình yêu một cách chân thực. Từ đó khơi gợi nguồn cảm hứng cho những người phụ nữ khác, dũng cảm đấu tranh vì hạnh phúc của chính mình.