Những định nghĩa thường xuất hiện trong dạng bài Lý luận văn học
Hướng dẫn tìm hiểu những định nghĩa thường xuất hiện trong dạng bài Lí luận văn học và những ví dụ thực tế trong các tác phẩm văn học. Lý luận văn học là một dạng bài nâng cao, khám phá bản chất của các tác phẩm văn học. Có nhiều dạng bài văn yêu cầu học sinh phân tích những định nghĩa thường xuất hiện trong dạng bài Lý luận văn học. Để tìm hiểu về những khái niệm này, mời các em theo dõi trong bài viết dưới đây.
Tình huống truyện
Tình huống truyện chứa đựng những mâu thuẫn, những điều “bất thường” éo le, nghịch lý trong cuộc sống thường ngày của nhân vật. Trong truyện ngắn hiện đại, tình huống truyện là cái hồn, các nhân vật và sự việc được triển khai sau đó sẽ xoay quanh tình huống truyện ban đầu.
Nếu coi cấu tứ là lõi của một bài thơ thì tình huống truyện chính là hạt nhân của một truyện ngắn. Vậy nên, việc quan trọng nhất của một tác giả khi viết chính là xây dựng được một tình huống thu hút, có cao trào khơi dậy được cảm xúc, suy nghĩ của người đọc. Tình huống truyện thường thấy chính là xung đột, tức là khai thác mâu thuẫn giữa các nhân vật hoặc với xã hội, cuộc sống xung quanh. Ngoài ra, một loại tình huống truyện đặc biệt khác là khai thác những nghịch lý trái với quy luật tự nhiên.
Ví dụ: Tình huống truyện Đói của Thạch Lam là khi anh bị mất việc, trong nhà không có cái ăn, may mắn thay vợ lại tìm được việc và mang được thức ăn về. Nhưng ai ngờ, người vợ lại quay lại con đường cũ, trở thành “gái” khiến Sinh chán nản, về người vợ, và cũng về chính bản thân mình.
Ước lệ tượng trưng
Ước lệ tượng trưng là một thủ pháp nghệ thuật trong văn học, sử dụng những hình ảnh, chi tiết, ngôn ngữ có tính ước lệ, tượng trưng để diễn đạt một ý nghĩa nào đó. Những nhà thơ sẽ sử dụng hình ảnh được quy ước, khuôn mẫu có sẵn để khiến cho câu thơ trở nên trang nhã, nhẹ nhàng hơn.
Tác giả có thể sử dụng hình ảnh thiên nhiên để miêu tả vẻ đẹp con người, những quy luật hoặc hình ảnh tự nhiên để ám chỉ một hành động, hoạt động nào đó. Từ đây, câu thơ trở nên “hoa mỹ” hơn, hợp với đại đa số tính “thẩm mỹ” của thơ cổ hiện tại.
Ví dụ: Trong các tác phẩm thơ cổ thường rất hay sử dụng ước lệ tượng trưng. Ví dụ như Kiều của Nguyễn Du, hình ảnh ước lệ tiêu biểu chính là đoạn thơ miêu tả lại vẻ đẹp của hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều. Ngoài ra, các tác phẩm thơ khác như Chinh Phụ Ngâm khúc cũng sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ.
Chất thơ trong văn xuôi (trữ tình)
Trước tiên, chất thơ được xem là cái đẹp, không nhất thiết là vẻ đẹp hình thức mà còn được khai thác từ vẻ đẹp cảm xúc và tâm hồn. Cái đẹp trong văn, truyện ngắn chính là hành động bất chợt của một nhân vật, lối hành văn trong sáng bay bổng và truyền cảm của tác giả. Tóm lại, khi nói đến chất thơ của “những tác phẩm không phải thơ”, người ta sẽ chú ý đến nội dung, chủ đề, cách hành văn, hình thức truyện.
Chất thơ không nhất thiết phải xuất hiện trong các tác phẩm văn xuôi, nhưng đó lại là điểm nhấn đặc biệt trong văn xuôi. Cái đẹp là thứ không chỉ người đọc mà đến tác giả cũng theo đuổi, nhưng để đưa nó vào văn chương lại không hề dễ dàng.
Ví dụ: Hai đứa trẻ của Thạch Lam chính là một tác phẩm được nhuộm bởi “chất thơ” từ hình ảnh, nội dung cho tới chủ đề của truyện. Chất thơ được nhắc tới đơn giản lắm, đó chính là cảnh chợ huyện vừa thân thuộc, vừa mơ mộng chất chứa cảm xúc của tác giả. Đó là cảnh đoàn tàu mang đến ánh sáng, như khát khao thay đổi cuộc đời, thoát ra khỏi phố thị nghèo khổ của hai chị em.
Ngôn ngữ đối thoại
Ngôn ngữ đối thoại là yếu tố mà hầu hết các truyện ngắn, tiểu thuyết,… hiện nay đều sử dụng. Đây là những lời nói trực tiếp của hai nhân vật, những lời được bộc lộ ra bên ngoài. Nhưng để đưa yếu tố này vào lí luận văn học, những tác phẩm phải cho người đọc thấy được con người, tính cách,… của người nói thông qua ngôn ngữ đối thoại.
Ví dụ: Trong truyện ngắn Sống chết mặc bay, tên quan huyện đã thể hiện được sự vô tâm của mình trước sống chết của dân đen. Người đọc thấy được rõ ràng tính cách của tên quan “phụ mẫu”: xấu xa, bỉ ổi, ăn bổng lộc của triều đình nhưng không quan tâm đến sống chết của con dân.
Ngôn ngữ độc thoại nội tâm
Ngôn ngữ độc thoại nội tâm là lời nói mà nhân vật suy nghĩ bên trong đầu, không nói trực tiếp ra ngoài. Độc thoại nội tâm cũng là cách nhân vật thể hiện tính cách của mình cho người đọc thấy, như là một vùng đất bí mật có thể khai thác nhiều nhất được tính cách của nhân vật.
Ví dụ: Trong truyện Chí Phèo của Nam Cao, Chí có một đoạn độc thoại nội tâm như thế này: “Muốn đập đầu thì vào ngay giữa nhà nó mà đập đầu còn hơn ở ngoài.” Qua đây, tính cách Chí sau khi tha hóa được biểu hiện rõ, sẵn sàng rạch mặt, đập đầu để đòi được tiền từ Bá Kiến.
Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật
Nội tâm nhân vật là những gì mà nhân vật muốn che giấu trong tác phẩm, nhưng lại được “vạch trần” qua lời kể của tác giả. Nếu tác giả làm tốt khi miêu tả nội tâm của nhân vật, truyện ngắn đã thành công một nửa vì nhân vật đã trở thành một “con người” thực thụ.
Ví dụ: Trong Vợ nhặt, cả ba nhân vật đều được tác giả xây dựng nội tâm độc đáo và rõ ràng. Trong ví dụ này, chúng ta chỉ nói đến nhân vật người vợ nhặt được Tràng đưa về. Thông qua hành động, suy nghĩ của thị khi mới về nhà, trong buổi tối và sáng hôm sau đã cho thấy thị là người ý tứ, nghèo khổ, ít học nhưng biết điều, mong muốn một gia đình và một cuộc sống bình an.
Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình
Tả cảnh ngụ tình là cách tác giả sử dụng cảnh sắc thiên nhiên để miêu tả tâm trạng của nhân vật, hoặc sự thay đổi của thiên nhiên khi tâm trạng con người đổi thay. Thông qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, người đọc có thể hiểu được tâm trạng, cảm xúc của nhân vật một cách sâu sắc và tinh tế hơn dù không cần tác giả nói trực tiếp.
Ví dụ: Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình tinh tế. Từ đoạn “Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc”, dù không cần thể hiện trực tiếp nhưng người đọc vẫn cảm nhận được sự hoang vắng của thiên nhiên và sự cô đơn, day dứt của người viết.
Giá trị nhân văn
Giá trị nhân văn là những giá trị tốt đẹp của con người, thể hiện ở phẩm chất, tình cảm hoặc chính những suy nghĩ của nhân vật. Con người luôn hướng thiện, đi tìm cái đẹp và đây được coi là một bản năng. Giá trị này ở những tác phẩm khác nhau sẽ được tác giả thể hiện một cách khác nhau.
Ví dụ: Trong hồn Trương Ba, da hàng thịt, tác giả đã thể hiện được giá trị nhân văn bằng cách để nhân vật Trương Ba “rời khỏi xác” của hàng thịt. Trương Ba lấy lại được sơ tâm ban đầu, không nhuốm linh hồn mình và vấy bẩn nó khi ở trong thân xác hàng thịt.
Giá trị nhân đạo
Giá trị nhân đạo là những giá trị tốt đẹp của con người được thể hiện trong tác phẩm văn học. Giá trị nhân đạo thể hiện sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia của nhà văn đối với những số phận bất hạnh trong xã hội. Tính nhân đạo còn là một bài học cho người đọc, đưa con người đến cuộc sống chân – thiện – mỹ.
Ví dụ: Trong Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã tạo nên một Vũ Nương xinh đẹp, hiền huệ nhưng lại chịu phải kết thúc đau lòng. Qua đó, ông thể hiện giá trị nhân đạo của mình bằng cách lên án những thế lực muốn chà đạp lên khát vọng sống của con người. Đó chính là bọn giặc biên cương, là cái tính hay ghen vô cớ của người chồng Trương Sinh. Vậy nên cuối truyện, Vũ Nương không trở về mà đến một thế giới đẹp hơn.
Giá trị hiện thực
Giá trị hiện thực thể hiện sự phản ánh chân thực, khách quan, toàn diện của hiện thực khách quan vào tác phẩm văn học. Tác giả không che dấu, mà dùng chính những tư liệu hiện thực để tái hiện lại một xã hội, một thời đại.
Ví dụ: Trong Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã tái hiện lại xã hội Việt Nam qua hoàn cảnh của gia đình chị Dậu: nghèo khổ, bị áp bức bởi nhiều tầng lớp khác nhau,… Đây chính là hiện thực thời ấy, được tác giả đưa vào bài chứ không phải một thế giới trong tưởng tượng của ông.