Đề bài: Hãy viết bài văn kể về sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử của xứ Nghệ mà em biết.

Bài làm

Dáo vàng ngựa sắt thấy mộ?
Danh vang cao ẩn nghìn thu vẫn còn.

Đó là câu thơ trong bài “Qua thành Lục Niên nhớ cao ẩn ở Lạp Phong” của thám hoa Phan Thúc Trực bày tỏ niềm ngưỡng phục đối với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, một nhân vật lịch sử đặc biệt của xứ Nghệ và đất nước thời trung đại.

Nguyễn Thiếp là cháu đời thứ mười một của một dòng họ 300 năm cự tộc ở Nghệ Tĩnh. Thủy tố quê ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân là Lưu Quận công lấy vợ thiếp họ Võ ở Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang lập nên chi họ Nguyễn ở đây. Bố của Nguyễn Thiếp là Nguyễn Quang Nhuận chỉ giữ một hư hàm nhỏ nhưng thân mẫu lại là con gái họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu và thúc phụ của Nguyễn Thiếp là Nguyễn Hành đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu đời Lê Thần Tông (1733). Nói như vậy có nghĩa là Nguyễn Thiếp xuất thân trong một gia tộc không hề tầm thường về học vấn và khoa cử lại ở một vùng đất có tiếng là “địa linh nhân kiệt” của nước Nam này.

La Sơn Phu Tử họ Nguyễn, tự Quang Thiếp. Đến đời chúa Trịnh Doanh, chữ Quang là húy, cho nên lúc đi thi, cụ phải bỏ chữ lót ấy và lấy tên là Nguyễn Thiếp. Cụ có nhiều tên hiệu như Lạp Phong cư sĩ, Hạnh Am tiên sinh, Lục Niên tiên sinh, La Giang Phu Tử, La Sơn Phu Tử, La Sơn tiên sinh… Nguyễn Huệ gọi Nguyễn Thiếp là La Sơn Phu Tử và ban cho ông tên là La Sơn tiên sinh.

Nguyễn Thiếp học rất giỏi. Năm 1743, lúc 21 tuổi, Nguyễn Thiếp ra thi Hương trường Nghệ trúng Hương giải khoa Quý Hợi đời Lê Cảnh Hưng. Tuy nhiên, ông lại muốn đi ở ẩn bởi một lí do:

Nghĩa còn, đỉnh hoặc thơm tho
Đạo suy, ẩn với giang hồ cũng thanh
Mặc ai cái bệnh đua ganh
Sông Nghi tắm mát, xuân quanh bốn mùa…

Tuy nhiên, không phải cứ muốn là được. Năm 1756, ông nhậm chức Huấn đạo ở huyện Anh Đô (Đô Lương và Anh Sơn ngày nay), vài năm sau, làm Tri huyện Thanh Giang (Thanh Chương ngày nay). Năm Đinh Sửu (1757), vừa làm huấn đạo một năm ông đã nói với Lí trưởng Nam Hoa tìm đất lập trại ở Bùi Phong, trên dãy Thiên Nhẫn. Đến năm 46 tuổi, sau 13 năm giữ các chức quan nhỏ, ông xin từ quan. Bùi Huy Bích gửi thư thăm ông:

Khác người chỉ có một ông
Ấn quan trao trả, non sông thỏa tình
Người ta trỏ Lục Niên thành
Nam Sơn cạnh núi náu mình am ông.

Nguyễn Huệ đã ba lần mới ông ra và ông đã hiến nhiều kế cho vua Quang Trung. Năm 1789, 29 vạn quân Thanh xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ – Quang Trung kéo đại binh ra Bắc. Khi dừng chân ở Nghệ An, Quang Trung mời Nguyễn Thiếp đến để hỏi kế sách chống giặc giữ nước, Nguyễn Thiếp khẳng định: “Chúa công đi chuyến này không quá mười ngày, giặc Thanh sẽ bị dẹp tan”. Ông cũng từng ra Thăng Long và vào Phú Xuân. Nhà vua đã giao cho ông tổ chức việc dịch quốc âm và chú thích sách tiểu học, tứ thư và các kinh thư, thư dịch. Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Thiếp trả hết bổng lộc, sống cảnh nghèo túng trên Bùi Phong, dạy học trò và đọc sách. Ông mất năm 81 tuổi.

Cuộc đời của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là cuộc đời của một danh sĩ, một nhà Nho xuất chúng, cả tài năng và nhân cách đều lớn lao, đẹp đẽ. Với sử học cao thâm, ông có khát vọng đem tài kinh bang tế thế của mình để ra giúp vua trị nước cứu đời nhưng thế sự thời Lê Trịnh xoay vần điên đảo, ông đã lựa chọn con đường ở ẩn để giữ phẩm tiết trong sạch. Khi thấy vận nước đi lên, Quang Trung là bậc mình quân có tài trị quốc, Nguyễn Thiếp đã dốc lòng phụng sự. Hành trang của Nguyễn Thiếp lưu lại hậu thế những câu chuyện cảm động. Ông xứng đáng với sự ngưỡng vọng, tôn kính của nhân dân xứ Nghệ – bậc Phu Tử đất La Sơn – La Sơn tiên sinh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *