Đọc hiểu Đôi tai của tâm hồn (Trắc nghiệm)

Hãy cùng Hocmai360 trả lời câu hỏi Đọc hiểu Đôi tai của tâm hồn (Trắc nghiệm) để rút ra được những bài học ý nghĩa dành cho bản thân nhé!


Nội dung văn bản: Đôi tai của tâm hồn

ĐÔI TAI CỦA TÂM HỒN

Một cô bé vừa gầy vừa thấp bị thầy giáo loại ra khỏi dàn đồng ca. Cũng chỉ tại cô bé ấy lúc nào cũng chỉ mặc mỗi một bộ quần áo vừa bẩn, vừa cũ, lại rộng nữa.

Cô bé buồn tủi khóc một mình trong công viên. Cô bé nghĩ: “Tại sao mình lại không được hát? Chẳng lẽ mình hát tồi đến thế sao?”. Cô bé nghĩ mãi rồi cô cất giọng hát khe khẽ. Cô bé cứ hát hết bài này đến bài khác cho đến khi mệt lả mới thôi.

“Cháu hát hay quá!” – Một giọng nói vang lên: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ, cháu đã cho ta cả một buổi chiều vui vẻ”. Cô bé ngẩn người. Người vừa khen cô bé là một ông cụ tóc bạc trắng. Ông cụ nói xong liền đứng dậy và chậm rãi bước đi. Hôm sau, khi cô bé đến công viên đã thấy cụ già ngồi ở chiếc ghế đá hôm trước, khuôn mặt hiền từ, mỉm cười chào cô bé. Cô bé lại hát, cụ già vẫn chăm chú lắng nghe. Cụ vỗ tay nói lớn: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ của ta, cháu hát hay quá!”. Nói xong cụ già lại chậm rãi một mình bước đi.

Cứ  như vậy nhiều năm trôi qua, cô bé giờ đây đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Cô gái vẫn không quên cụ già ngồi tựa lưng vào thành ghế đá trong công viên nghe cô hát. Một buổi chiều mùa đông, cô đến công viên tìm cụ nhưng ở đó chỉ còn lại chiếc ghế đá trống không.

“Cụ già ấy đã qua đời rồi. Cụ ấy điếc đã hơn hai mươi năm nay” – một người trong công viên nói với cô. Cô gái sững người, bật khóc. Hóa ra, bao nhiêu năm nay, tiếng hát của cô luôn được khích lệ bởi một đôi tai đặc biệt: Đôi tai của tâm hồn.

(Theo Hoàng Phương – Sống đẹp)


Đọc hiểu Đôi tai của tâm hồn (Trắc nghiệm)

Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể loại gì?

A. Truyện

B. Kí

C. Tuỳ bút

D. Tản văn 

Đáp án: A. Truyện

Giải thích: 

Dựa trên định nghĩa về Truyện

Truyện là thể loại văn học phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó qua con người, hành vi, sự kiện được miêu tả và kể lại bởi một người kể chuyện (trần thuật) nào đó.

Văn bản Đôi tai của tâm hồn phản ánh tấm lòng bao dung, giàu tình yêu thương của ông cụ bị điếc đã nghe giọng hát của cô gái không phải bằng đôi tai thông thường mà bằng trái tim ==> Văn bản trên được viết theo thể loại Truyện

Câu 2. Vì sao cô bé buồn tủi khóc một mình trong công viên?

A. Vì cô bé không có bạn chơi cùng.

B. Vì cô bé bị loại ra khỏi dàn đồng ca.

C. Vì cô không có quần áo đẹp.

D. Vì cô bé luôn mặc bộ quần áo rộng cũ và bẩn.

Đáp án: B. Vì cô bé bị loại ra khỏi dàn đồng ca.

Giải thích: Đọc đoạn thứ nhất

Một cô bé vừa gầy vừa thấp bị thầy giáo loại ra khỏi dàn đồng ca. Cũng chỉ tại cô bé ấy lúc nào cũng chỉ mặc mỗi một bộ quần áo vừa bẩn, vừa cũ, lại rộng nữa.

Câu 3. Chỉ ra biện pháp tu từ đặc sắc trong câu văn: Cô gái sững người, bật khóc. Hóa ra, bao nhiêu năm nay, tiếng hát của cô luôn được khích lệ bởi một đôi tai đặc biệt: đôi tai của tâm hồn.

A. Nhân hoá

B. So sánh

C. Hoán dụ

D. Ẩn dụ

Đáp án:

Giải thích: 

Dựa vào khái niệm Ẩn dụ

Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Câu văn trên có hình ảnh "đôi tai của tâm hồn" là ẩn dụ của sự nhân ái, lòng bao dung của ông lão điếc dành cho cô bé ==> Biện pháp tu từ: Ẩn 

Câu 4. Cụ già đã làm gì cho cô bé?

A. Cụ nói: "Cháu hát hay quá! Cháu đã cho ta cả một buổi chiều thật vui vẻ”.

B. Cụ khuyên cô bé cố gắng tập luyện để hát tốt hơn.

C. Cụ trở thành người người thân của cô bé, dạy cô bé hát.

D. Cụ khuyên cô bé rồi một ngày nào con sẽ trở thành ca sĩ.

Đáp án: A. Cụ nói: "Cháu hát hay quá! Cháu đã cho ta cả một buổi chiều thật vui vẻ”.

Giải thích: Đọc đoạn thứ 3 

“Cháu hát hay quá!” – Một giọng nói vang lên: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ, cháu đã cho ta cả một buổi chiều vui vẻ”. Cô bé ngẩn người. Người vừa khen cô bé là một ông cụ tóc bạc trắng. Ông cụ nói xong liền đứng dậy và chậm rãi bước đi. Hôm sau, khi cô bé đến công viên đã thấy cụ già ngồi ở chiếc ghế đá hôm trước, khuôn mặt hiền từ, mỉm cười chào cô bé. 

Câu 5. Tình tiết bất ngờ gây xúc động nhất trong câu chuyện là gì?

A. Cô bé không hề biết cụ già vẫn lắng nghe và động viên cô bé hát.

B. Cụ già tốt bụng.

C. Cô bé đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng.

D. Một người nói với cô “Cụ già đó qua đời rồi. Cụ ấy điếc đã hơn 20 năm nay”. 

Đáp án: D. Một người nói với cô “Cụ già đó qua đời rồi. Cụ ấy điếc đã hơn 20 năm nay”.

Giải thích: Đọc đoạn văn cuối 

“Cụ già ấy đã qua đời rồi. Cụ ấy điếc đã hơn hai mươi năm nay” – một người trong công viên nói với cô. Cô gái sững người, bật khóc. Hóa ra, bao nhiêu năm nay, tiếng hát của cô luôn được khích lệ bởi một đôi tai đặc biệt: Đôi tai của tâm hồn.

Câu 6. Cuối cùng, trong công viên, cô bé đã làm gì?

A. Suy nghĩ và khóc một mình.

B. Gặp gỡ và trò chuyện với một cụ già.

C. Cất giọng hát khe khẽ hết bài này đến bài khác cho đến khi mệt lả.

D. Một mình ngồi khóc xong rồi tiếp tục chơi. 

Đáp án: C. Cất giọng hát khe khẽ hết bài này đến bài khác cho đến khi mệt lả.

Câu 7. Nhận xét nào đúng nhất để nói về cụ già trong câu chuyện?

A. Là một người kiên nhẫn.

B. Là một con người hiền hậu.

C. Là một con người nhân hậu, luôn biết quan tâm, chia sẻ, động viên người khác.

D. Là một người biết lắng nghe.

Đáp án: C. Là một con người nhân hậu, luôn biết quan tâm, chia sẻ, động viên người khác

Câu 8. Nguyên nhân nào trong các nguyên nhân sau khiến cô bé trở thành một ca sĩ?

A. Vì cô bé bị loại ra khỏi dàn đồng ca.

B. Vì có lời khen, động viên của ông cụ tóc bạc trắng.

C. Vì cô bé cứ hát hết bài này đến bài khác cho đến khi mệt lả mới thôi.

D. Vì cô bé rất thích hát. 

Đáp án: B. Vì có lời khen, động viên của ông cụ tóc bạc trắng.  

Đọc hiểu Đôi tai của tâm hồn (Trắc nghiệm)

Đọc hiểu Đôi tai của tâm hồn (Tự luận)

Câu 9. Nêu ý nghĩa của tình huống bất ngờ trong văn bản trên? 

- Tình huống bất ngờ trong câu chuyện trên là: Cô gái ngạc nhiên khi nhận ra người bấy lâu nay luôn động viên, khích lệ cho giọng hát của cô lại là một ông cụ bị điếc.

- Ý nghĩa của tình huống: Ông cụ bị điếc đã nghe giọng hát của cô gái không phải bằng đôi tai thông thường mà bằng sự nhân ái, lòng bao dung lắng nghe của tâm hồn và trái tim giàu tình yêu thương của mình.

Câu 10: Bài học mà em tâm đắc nhất khi đọc xong văn bản? (Viết câu trả lời bằng 3 đến 5 dòng) 

Bài học mà em tâm đắc nhất khi đọc xong văn bản: Dù ở trong hoàn cảnh nào con người cũng phải nỗ lực hết mình, không ngại khó khăn, thử thách, cần có niềm tin nghị lực vượt lên hoàn cảnh để chiến thắng hoàn cảnh. Tình yêu thương là một trong những điều kì diệu đối với con người, nó tiếp thêm động lực, sức mạnh, niềm hy vọng trong cuộc sống. Vậy nên, mỗi chúng ta cần tin vào bản thân mình, trau dồi tri thức, tích lũy kinh nghiệm, luôn nỗ lực, rèn luyện chăm chỉ không ngừng. 

Diễm Quỳnh
12/3/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question