Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, tồn tại trong tất cả chúng ta. Hãy cùng Học mãi 360 trả lời Đọc hiểu Con nhớ ngày xưa mẹ hát để thấy được lời tâm sự của tác giả dành cho mẹ của mình !
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
MẸ
Con nhớ ngày xưa mẹ hát:
“Hoa sen lặng lẽ dưới đầm
Hương bay dịu dàng bát ngát
Thơm tho không gian thời gian…”.
Mẹ nghèo như đóa hoa sen
Năm tháng âm thầm lặng lẽ
Giọt máu hòa theo dòng lệ
Hương đời mẹ ướp cho con.
Khi con thành đóa hoa thơm
Đời mẹ lắt lay chiếc bóng,
Con đi… chân trời gió lộng
Mẹ về… nắng quải chiều hôm.
Sen đã tàn sau mùa hạ,
Mẹ đã lìa xa cõi đời.
Sen tàn rồi sen lại nở
Mẹ thành ngôi sao lên trời .
(Dẫn theo Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường, Viễn Phương, Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, NXB Giáo dục Việt Nam, 1999, trang 17)
Đọc hiểu Con nhớ ngày xưa mẹ hát
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2: Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 3: Tìm từ tượng hình trong hai câu thơ sau và phân tích tác dụng của nó.
“Khi con thành đóa hoa thơm
Đời mẹ lắt lay chiếc bóng”.
Câu 4: Em hiểu nghĩa của cụm từ “lìa xa cõi đời” trong câu thơ “Mẹ cũng lìa xa cõi đời” như thế nào?
Câu 5: Cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong khổ cuối bài thơ ? (đoạn văn: 5 đến 6 dòng)
Trả lời Đọc hiểu
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Biểu cảm
Câu 2:
Bài thơ được viết theo thể thơ: Lục bát
Câu 3:
– Từ tượng hình trong hai câu thơ: “lắt lay”.
– Tác dụng: Khắc họa hình ảnh người mẹ cả một đời hi sinh vì con cái mà phải đối diện với sóng gió cuộc đời chênh vênh. Gây sự liên tưởng, cảm xúc nghẹn ngào cho người đọc khi viết về người mẹ.
Câu 4:
Cụm từ “lìa xa cõi đời” trong câu thơ “Mẹ cũng lìa xa cõi đời” muốn nói đến người mẹ đã không còn trên cõi trần gian mà về với miền cực lạc. Tác giả sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh để giảm bớt sự mất mát, đau đớn trong lòng. Đồng thời thể hiện tài tình của tác giả trong việc vận dụng các biện pháp tu từ vào văn chương của mình.
Câu 5:
“Sen đã tàn sau mùa hạ,
Mẹ đã lìa xa cõi đời.
Sen tàn rồi sen lại nở
Mẹ thành ngôi sao lên trời” .
Khổ thơ cuối hiện lên với sự mất mát, tang thương, buồn đau khi người mẹ đã ra đi mãi mãi. Tác giả so sánh hình ảnh người mẹ và bông sen để làm nổi bật lên sự ra đi vĩnh hằng của người mẹ. Bông sen tàn thì có thể nở lại bông khác, nhưng người mẹ mất đi sẽ chẳng có điều gì có thể thay thế khoảng trống trong lòng người con. Không một từ ngữ nào có thể diễn tả được những ngày cô đơn khi không có mẹ ở bên cạnh. Tác giả muốn nhắn nhủ tới mỗi chúng ta hãy yêu thương, hiếu thảo và quan tâm đến mẹ khi còn có thể, bởi khi mẹ mất đi ta sẽ chẳng còn cơ hội làm việc đó nữa ! “Khi còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn trên mắt mẹ nghe không?”