Những hiện tượng thiên nhiên xung quanh chúng ta vô cùng đẹp đẽ, và chúng luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca và văn chương, bài thơ Giọt sương của tác giả Phạm Thị Út Tươi cũng là một bài thơ tràn đầy cảm xúc như thế. Sau đây, mời các em tìm hiểu bài viết cảm xúc về bài thơ Giọt sương của Phạm Thị Út Tươi.
Dàn ý phân tích bài thơ Giọt sương của tác giả Phạm Thị Út Tươi
1. Mở bài:
– Giới thiệu chung về nội dung chính của bài thơ Giọt sương
– Giới thiệu khái quát về tác giả Phạm Thị Út Tươi
2. Thân bài:
– Giới thiệu về nguồn gốc, xuất sứ của bài thơ Giọt sương
– Phân tích 4 câu thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ, căng tràn sức sống, đầy màu sắc
– Phân tích 4 câu thơ tiếp: Bức tranh đêm trăng, sương trò chuyện cùng với chị gió, vô cùng vui vẻ, đáng yêu
– Phân tích 4 câu thơ tiếp theo: Cuộc trò chuyện thân mật vui vẻ giữa sương và trăng
– Phân tích 4 câu thơ cuối cùng: Khi bình minh ló dạng, sương dần tan đi nhưng không hề biến mất một cách vô nghĩa mà sương đã khơi gợi sự sống khắp muôn nơi
3. Kết bài:
– Khẳng định lại tình yêu thiên nhiên da diết của tác giả đồng thời vẻ đẹp cuốn hút của giọt sương
– Nêu cảm xúc của em sau khi đọc xong tác phẩm, em rút ra cho mình bài học phải luôn yêu thiên nhiên, vạn vật.
Bài thơ Giọt sương của tác giả Phạm Thị Út Tươi
Giọt sương đêm long lanh
Nằm nghiêng trên phiến lá
Lắng tai nghe tiếng đêm
Của làng quê êm ả
Sương nghe lời chị gió
Thì thào trong vườn trăng
Sương nghe tiếng mầm xanh
Gọi nhau trong lòng đất
Trăng chuyện trò thân mật
Với những vì sao đêm
Sương ghi trên lá mềm
Biết bao điều thương mến
Rồi bình minh chợt đến
Sương tan theo ánh trời
Hòa mình vào lòng đất
Gọi sự sống muôn nơi.
Cảm xúc về bài thơ Giọt sương của tác giả Phạm Thị Út Tươi
Thiên nhiên tươi đẹp luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca, viết về đề tài thiên nhiên, các nhà cầm bút có thể viết về gió, về mây, về ánh nắng thế nhưng tác giả Phạm Thị Út Tươi đã chọn cho mình một hướng đi khác, tác giả viết về giọt sương. Và bài thơ Giọt sương ra đời, chất chứa niềm cảm xúc của tác giả và gây ấn tượng đặc biệt cho bạn đọc.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã dùng từ láy “long lanh” để miêu tả hình ảnh giọt sương đang nhẹ nhàng “nằm nghiêng” trên phiến lá xanh buổi sớm mai. Ở đây, tác giả đã vô cùng khéo léo khi vận dụng biện pháp nhân hoá, giọt sương thế mà lại biết nằm nghiêng, lặng lẽ ngắm nhìn mọi vật, mọi việc. Không những vậy, giọt sương còn biết “lắng tai nghe”, giọt sương cảm nhận được những âm thanh êm ả của làng quê, của đồng ruộng, hiện lên bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ.
Sương như một đứa trẻ tinh nghịch, hiếu động nhưng cũng vô cùng nghe lời, sương nghe lời của chị gió đang nói chuyện ở trong vườn trăng, chị gió nhẹ nhàng lay động những tán cây như đang “thì thào”, chị gió nói rất khẽ, rất nhỏ nhẹ. Sau đó sương cũng hiếu kì khi lắng nghe tiếng mầm xanh đang gọi tên nhau trong lòng đất, những mầm xanh trò chuyện, tán gẫu với nhau.
Sau đó giọt sương nhận ra chị trăng đang trò chuyện cùng với những vì sao tinh tú, sáng ngời và đẹp đẽ trên bầu trời. Sương ghi lại những cảm xúc, tâm tư tình cảm của mình trên phiến lá mềm. Giọt sương nắn nót, viết từng chữ thật đẹp, bộc lộ nên bao nỗi niềm thầm kín thương mến.
Thế rồi cuộc vui nào cũng sẽ đến lúc tàn, khi bình minh chợt đến, những tia nắng Mặt trời dần dần xuất hiện và chiếu rọi khắp nẻo đường, những đám mây tối cũng phải nhường đường cho những tầng mây xanh, khung cảnh dường như bừng sáng lên khi bình mình đến, nhưng đó cũng là lúc mà những giọt sương phải tan theo ánh mặt trời. Những tia nắng chiếu đến các phiến lá làm cho các giọt sương dần dần bốc hơi, hay cũng có những giọt sương lặng lẽ rơi xuống đất, thấm vào trong đất mà cung cấp nước, chất dinh dưỡng, “gọi sự sống muôn nơi” có nghĩa là gọi những sự sống mơi, những điều tốt đẹp. Những giọt sương đã đem công sức nhỏ bé của mình để góp phần điểm tô thêm cho cuộc sống ngày càng đẹp đẽ.
Đọc xong bài thơ Giọt sương của Phạm Thị Út Tươi, ta cảm nhận được những tình cảm trân trọng của tác giả dành cho thiên nhiên, những từ láy kết hợp với các biện pháp nhân hoá đã bộc lộ vẻ đẹp của giọt sương, giúp người đọc càng yêu thêm những vẻ đẹp ấy, trân trọng và cố gắng giữ gìn.