Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của nhân vật trữ tình được khắc hoạ trong bài thơ Tên làng (Y Phương)

Bài thơ Tên làng

Tên làng

(Y Phương)

Con là con trai của mẹ

Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ

Ba mươi tuổi từ mặt trận về

Vội vàng cưới vợ

Ba mốt tuổi tập tành nhà cửa

Rào miếng vườn trồng cây rau

Hạnh phúc xinh xinh nho nhỏ ban đầu

Như mặt trời mới nhô ra khỏi núi

 

Con là con trai của mẹ

Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ

Mang trong người cơn sốt cao nguyên

Mang trên mình vết thương

Ơn cây cỏ quê nhà

Chữa cho con lành lặn

 

Con là con trai của mẹ

Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ

Lần đầu tiên ôm tiếng khóc lên ba

Lần đầu tiên sông núi gọi ông bà

Lần đầu tiên nhóm lửa trên mặt nước

Lần đầu tiên sứ sành rạn nứt

Lần đầu tiên ý nghĩ khôn lên

Ý nghĩ khôn lên nỗi buồn thấm tháp
Bàn chân từng đạp bằng đá sắc

Trở về làng bập bẹ tiếng đầu tiên

Ơi cái làng của mẹ sinh con

Có ngôi nhà xây bằng đá hộc

Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt

Có niềm vui lúa chín tràn trề

Có tình yêu tan thành tiếng thác

Vang lên trời

Vọng xuống đất

Cái tên làng Hiếu Lễ của con.

Nội dung: Bài thơ Tên làng của Y Phương là bài thơ thể hiện lòng tự hào ) và sự biết ơn của tác giả dành cho ngôi làng Hiếu Lễ. Đó là tình cảm của một người con với làng quê – nơi anh sinh ra, lớn lên, trưởng thành và lập nghiệp – đó là tình cảm sâu sắc, được thể hiện thông qua những nét bản sắc của con người miền núi.

Nghệ thuật: Thể thơ tự do, các câu thơ dài ngắn linh hoạt; giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, thấm đẫm niềm yêu thương, tự hào về những năm tháng sinh ra, lớn lên, trải nghiệm những điều khác nhau tại ngôi làng quen thuộc; hình ảnh thơ giản dị, tự nhiên, gần gũi,…

Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật trữ tình được khắc hoạ trong bài thơ Tên làng  của Y Phương

– Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề cần nghị luận.

– Phân tích vẻ đẹp của hình ảnh nhân vật trữ tình được thể hiện trong bài thơ:

+ Nhân vật trữ tình là người con trai của ngôi làng Hiếu Lễ, anh người giàu tình cảm, cảm xúc khi kể về những điều đã trải qua: Sinh ra ở làng Hiếu Lễ, anh ra mặt trận đến năm ba mươi tuổi thì trở về, mang theo những di chứng của chiến tranh (Ba mươi tuổi từ mặt trận về/ Vội vàng cưới vợ […] Mang trong người cơn sốt cao nguyên/ Mang trên mình ba sáu vết thương). Từng câu thơ được viết theo lối kể giản dị, tái hiện chân thực những điều đã xảy ra trong cuộc đời của nhân vật.

+ Nhân vật trữ tình là người gắn bó, giàu lòng biết ơn với làng quê. Từ thẳm sâu lòng mình, anh luôn tri ân nơi mình đã sinh ra và lớn lên – là nơi đã che chở, nuôi dưỡng và cho anh những điều tốt đẹp nhất (Ơn cây cỏ quê nhà/ Chữa cho con lành lặn). Tình yêu làng xóm, quê hương hoà chung với tình yêu gia đình, trở thành những giá trị tinh thần nâng đỡ cho nhân vật trữ tình. Làng quê là nơi chứng kiến những thay đổi trong nhận thức, suy nghĩ của nhân vật trữ tình. Mỗi thay đổi, mỗi trưởng thành của con người đều gắn liền với quê hương, mang hơi thở của quê hương (Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ/ Lần đầu tiên ôm tiếng khóc lên ba/ Lần đầu tiên sông núi gọi ông bà/ Lần đầu tiên nhóm lửa trên mặt nước/ Lần đầu tiên sứ sành rạn nứt/ Lần đầu tiên ý nghĩ khôn lên/ Ý nghĩ khôn lên nỗi buồn thấm tháp). Bằng nghệ thuật điệp ngữ, mỗi câu thơ như tái hiện một thước phim quay chậm trong hồi ức của nhân vật. Điệp ngữ “lần đầu tiến” gợi ra những điều mới mẻ, thiêng liêng, cả những vụng về, sự xúc động, những nếm trải hạnh phúc muộn màng mà quê hương đã mang đến cho nhân vật trữ tình.

+ Nhân vật trữ tình luôn trân trọng những điều bình dị, thân thương của quê nhà (Có ngôi nhà xây bằng đá hộc/ Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt/ Có niềm vui lúa chín tràn trề/ Có tình yêu tan thành tiếng thác); trân quý những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của anh (Bàn chân từng đạp bằng đá sắc/ Trở về làng/ Bập bẹ tiếng đầu tiên). Phép điệp dòng thơ “Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ” tạo nên ấn tượng mạnh về tấm lòng yêu làng, yêu nước, biết ơn nơi đã sinh ra mình. Tình cảm này gắn bó và hoà điệu với tình cảm dành cho mẹ (bập bẹ tiếng đầu tiên, cái làng của mẹ sinh con, con là con trai của mẹ,…).

– Khái quát chủ đề và đặc sắc nghệ thuật, ý nghĩa của bài thơ:

+ Nội dung: Đoạn thơ tái hiện hình ảnh một người con giàu tình cảm với làng quê – nơi anh sinh ra, lớn lên, trưởng thành và lập nghiệp – đó là tình cảm sâu sắc, được thể hiện thông qua những nét bản sắc của con người miền núi.

+ Nghệ thuật: Thể thơ tự do, các câu thơ dài ngắn linh hoạt; giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, thấm đẫm niềm yêu thương, tự hào về những năm tháng sinh ra, lớn lên, trải nghiệm những điều khác nhau tại ngôi làng quen thuộc; hình ảnh thơ giản dị, tự nhiên, gần gũi,…

Phân tích bài thơ Tên làng của Y Phương

Bài thơ là lời tự sự của một người con – người lính lớn lên từ làng Hiếu Lễ (Trùng Khánh) để rồi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ra mặt trận chiến đấu; cho đến khi cuộc chiến tranh kết thúc người lính trở về thì đã:

…ba mươi tuổi từ mặt trận trở về
Vội vàng cưới vợ

Ở miền núi, con trai, con gái thường sớm được dựng vợ gả chồng. Thường thì ở cái tuổi ba mươi họ đã sòn sòn hai – ba con! Bởi vậy cũng dễ hiểu khi nhà thơ dùng cụm từ “vội vàng cưới vợ”, việc đầu tiên là cưới vợ đã nếu không sẽ muộn mất… Bằng lối biểu đạt thể thơ tự do nên cấu tứ bài thơ khá phóng khoáng, dễ biểu lộ cảm xúc:

Ba mốt tuổi tập tành nhà cửa
Rào miếng vườn trồng cây rau
Hạnh phúc xinh xinh nho nhỏ ban đầu
Như mặt trời mới nhô ra khỏi núi…

Đã ngoài ba mươi, chàng trai mới tập tành mọi chuyện, từ rào vườn trồng rau, sửa sang nhà cửa và cảm nhận hạnh phúc “xinh xinh nho nhỏ”, sự cảm nhận thật tinh tế, thật sinh động hữu hình! Vì chẳng ai có thể nhìn được hạnh phúc xinh xinh như thế nào; nhà thơ dùng điệp từ để khẳng định hạnh phúc xinh xinh nho nhỏ như thể nó là một vật thể nằm trong bàn tay và hạnh phúc ấy đầy hình ảnh: Như mặt trời mới nhô ra khỏi núi… Nếu một lần bạn nhìn thấy mặt trời đỏ rực, tròn trịa đậu trên ngọn núi bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên ấy rực rỡ và ngập tràn ước vọng, niềm vui của một ngày mới!

Anh tự hào mình là đứa con của mẹ; đứa con của làng Hiếu Lễ. Người mẹ đã sinh ra anh, hay cũng chính là Đất Mẹ Hiếu Lễ đã nuôi anh khôn lớn, chở che anh đến ngày trở về; chữa cho anh lành lặn vết thương ở chiến trường và những cơn sốt rét những ngày ở rừng. Anh biết ơn mẹ, ơn quê hương và cả những cây cỏ ở quê nhà – những cây thuốc nam quý hiếm chỉ có ở vùng núi đá:

Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Mang trong mình cơn sốt cao nguyên
Mang trên mình vết thương

Ơn cỏ cây quê nhà
Chữa cho con lành lặn…

Giờ đây, người con trai ấy cũng bắt đầu được làm cha, được rưng rưng nghe tiếng khóc thơ trẻ, được va chạm với cuộc sống khắc nghiệt của đời thường… để rồi cuộc sống đã dạy anh khôn hơn trong ý nghĩ, bên cạnh niềm hạnh phúc xinh xinh đã bắt đầu “sứ sành rạn vỡ” dẫn tới “nỗi buồn thấm tháp”:

…lần đầu tiên ốm tiếng khóc lên ba
Lần đầu tiên nhóm lửa trên mặt nước
Lần đầu tiên sứ sành rạn vỡ
Lần đầu tiên ý nghĩ khôn lên

Ý nghĩ khôn lên nỗi buồn thấm tháp…

Những câu thơ như bức tranh tả thực, dù bạn đọc khó tính đến mấy thì vẫn hình dung ra hình ảnh của người cha ngượng nghịu bế con trẻ, sung sướng nghe con khóc; lần đầu tiên gặp phải những khó khăn, thiếu thốn ban đầu, vất vả lo toan cho cuộc sống gia đình đã làm nảy sinh ra cái bất hòa, bắt đầu sứ sành rạn vỡ… Từ những nỗi lo không tưởng ấy, nhà thơ đã ví von cuộc sống ban đầu chẳng khác gì nhóm lửa trên mặt nước. Đây là lối ví von khá độc đáo và rất giàu hình ảnh đối lập: Lửa và nước. Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn; sự va chạm của vợ chồng đã làm cho ý nghĩ của anh khôn hơn, trưởng thành hơn. Vì hạnh phúc đâu phải dễ kiếm tìm, đâu phải thảm hoa trải sẵn cho những đôi lứa, dẫu người lính ấy đã từng: Bàn chân từng đạp bằng đá sắc… đến ngày trở về thì lại: trở về làng bập bẹ bước đầu tiên… Đời người, ai chẳng trải qua bước thăng trầm khốn khó, những trải nghiệm đầu tiên cho một hạnh phúc lâu bền chính là thử thách để con người ta “bập bẹ”, nghĩa là phải tập đi vào cuộc sống đầy cam go và cũng đầy hy vọng cho những người có bản lĩnh đặt niềm tin ở tương lai.

Ơi cái làng của mẹ sinh con
Có ngôi nhà xây bằng đá hộc

Có tình yêu tan thành tiếng thác

Vang lên trời
Vọng xuống đât
Cái tên làng Hiếu Lễ của con.  

Khổ thơ cuối nhà thơ đã thể hiện lòng biết ơn của mình đối với mảnh đất Hiếu Lễ: Nơi ấy có người mẹ đã nuôi anh lớn khôn, ngôi làng với nếp nhà xây bằng đá hộc, có con đường mòn khấp khểnh mỗi sớm chiều đàn bò vàng đen kìn kịt về chuồng, có những mảnh ruộng như bậc thang lên cổng trời mùa vàng trĩu bông, có tình yêu đích thực của đời người, tình yêu ấy hẳn rất mạnh mẽ mới có thể làm tan tành tiếng thác, vang đến trời, vọng xuống đất. Cái tên làng Hiếu Lễ thân thương ấy đã cho anh rất nhiều và thật nhiều… Bài thơ tạo cảm giác lắng sâu cho người đọc, nhất là những người con xa quê. Một niềm tự hào, một nỗi nhớ đến nao lòng, từ lối mòn về làng cho đến cỏ cây, hoa lá…, mọi thứ đều hướng thiện, đều toát lên vẻ đẹp của một làng quê biên ải. Bài thơ “Tên làng” của nhà thơ Y Phương chắc chắn đã nói hộ rất nhiều tấm lòng và hay ở chỗ: Chân thực, sinh động và vô cùng tinh tế.

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *