Cảm nhận khổ thơ sau: Dưới vỏ một cành bàng... Thấy chỉ cội với cành

Mùa xuân đến mang lại cho muôn loài sự sống sinh sôi nảy nở. Cảm nhận khổ thơ dưới đây để thấy được sự chuyển biến của tiết trời từ cuối đông sang xuân.


Dàn ý Cảm nhận khổ thơ: Dưới vỏ một cành bàng... Thấy chỉ cội với cành

1. Mở bài: Giới thiệu đoạn thơ, khổ thơ được cảm nhận

2. Thân bài:

- Đoạn thơ được trích trong bài thơ Mầm non của nhà thơ Võ Quảng

- Sự chuyển biến từ cuối đông sang xuân

+ hình ảnh lá bàng

+ Hình ảnh mầm non

+ Rừng cây

- Nghệ thuật: thể thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, biện pháp nghệ thuật nhân hóa, sử dụng các tính từ, các từ láy…

3. Kết bài: Khái quát lại vấn đề

Cảm nhận khổ thơ sau: Dưới vỏ một cành bàng... Thấy chỉ cội với cành

Cảm nhận khổ thơ: Dưới vỏ một cành bàng... Thấy chỉ cội với cành

Puskin từng viết: “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Và nhà thơ Võ Quảng đã để tiếng lòng của mình cất lên, để linh hồn của tác phẩm "Mầm non” bay lên. Trong đó, đoạn thơ sau để lại ấn tượng sâu đậm cho người đọc:

“Dưới vỏ một cành bàng

….

Thấy chỉ cội với cành.”

Võ Quảng là nhà thơ chuyên viết về các đề tài dành cho thiếu nhi. Thơ ông nhẹ nhàng, hóm hỉnh như khúc đồng dao. Ngôn ngữ và cảm xúc trong sáng, ý tưởng tươi tắn, hồn nhiên, cách diễn đạt tinh tế, đó là phong cách nghệ thuật và hồn thơ đậm đà của Võ Quảng. Ông đã để lại nhiều tác phẩm, cả thơ và truyện được các bạn đọc nhỏ tuổi ưa thích. Một số tác phẩm chính của ông bao gồm: các tập thơ Gà mái hoa, Nắng sớm, Anh đom đóm, Măng tre, Quả đỗ; các tập truyện: Cái Thăng, Quê nội, Tảng sáng,…

Bài thơ "Mầm non" là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của nhà thơ Võ Quảng, thể hiện được phong cách nghệ thuật riêng của ông. Khổ thơ trên được trích trong bài thơ "Mầm non” là một khổ thơ thể hiện được giá trị nội dung và nghệ thuật của toàn bộ tác phẩm. Khổ thơ là cảm nhận tinh tế của nhà thơ về sư thay đổi của bức tranh thiên nhiên, khung cảnh thiên nhiên. Qua đó, tác phẩm đã thể hiện tài năng và tình cảm của thi sĩ, một tấm lòng yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên.
Trước hết, hai câu thơ đầu, nhà thơ mở ra khung cảnh bức tranh thiên nhiên khi vào cuối đông:

"Dưới một vỏ cành bàng.

Còn một vài lá đỏ”

Hình ảnh cây bàng còn một vài lá đỏ là dấu hiệu của thời tiết vào cuối đông. Trong gió đông buốt lạnh, những chiếc lá bàng đỏ rực trên nền trời. Trên nền đỏ của lá bàng, nhà thơ đã miêu tả màu xanh của những mầm non chồi biếc: “ Một mầm non nho nhỏ”. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nhân hóa để miêu tả những mầm non: “ nằm nép mình, con mắt lim dim”. Cái nằm nép mình ẩn nấp, e dè, sợ hãi. “ Lim dim” diễn tả đôi mắt chưa ngủ, còn hơi hé mở. Nhà thơ sử dụng một loạt các tính từ: “nho nhỏ, lim dim, lặng im”, đó là những từ diễn tả cảm giác nhẹ nhàng, yên ả, tĩnh lặng. Biện pháp nghệ thuật so sánh đã thể hiện tài năng sáng tạo độc đáo của nhà thơ, làm cho câu thơ trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Qua đó, nhà thơ thể hiện tình cảm yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên của mình.

Bằng sự quan sát tinh tế của mình, nhà thơ tiếp tục miêu tả vẻ đẹp của cơn mưa xuân:

“Thấy mây bay hối hả

Thấy lất phất mưa phùn

Rào rào trận lá tuôn

Rải vàng đầy mặt đất”.

Những cơn mưa phùn báo hiệu mùa xuân đã đến. Những hạt mưa xuân rơi lất phất, hạt mưa giống như những hạt bụi bay trong không khí. Mưa xuân đến mang đến cho mọi người sức sống mãnh liệt. Người ta yêu mưa xuân bởi sự nhẹ nhàng, êm ái của nó, không ồn ào, vội vã như những cơn mưa mùa hạ hay mang theo cái lạnh tê tái như cơn mưa của mùa đông. Mùa xuân đến, những chiếc lá còn trên những cành cây đã rụng rơi để nhường chỗ cho những mầm non hé mở. Từ láy "rào rào” diễn tả âm thanh chuyển động của những chiếc lá. Nền xanh non của những mầm non nay đã dần thay thế màu đỏ, màu vàng của trời thu.

Bài thơ Mầm non với 26 câu thơ ngũ ngôn đã hội tụ tất cả những phẩm chất tốt đẹp của phong cách nghệ thuật và hồn thơ đáng yêu ấy. "Mỗi một tác phẩm là một khám phá về nghệ thuật, một phát minh về nội dung”. Khổ thơ là một khám phá về nghệ thuật của nhà thơ. Khổ thơ chỉ với mười hai câu ngũ ngôn ngắn gọn, nhà thơ sử dụng nhiều hình ảnh thơ chân thực gần gũi với đời thường. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nhân hóa một cách tài tình kết hợp với việc sử dụng các tính từ, từ láy sinh động. Tất cả đã tạo nên đặc sắc nghệ thuật của khổ thơ.

“Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi”. Bức tranh thiên nhiên là nơi nhà thơ gửi gắm những cảm xúc rung động của mình vào trong tác phẩm thơ ca. Khổ thơ đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên của tiết trời thay đổi từ đông sang xuân, thể hiện tình cảm yêu mến gắn bó của nhà thơ với thiên nhiên đất trời. Khổ thơ kết thúc nhưng người đọc dường như vẫn cảm nhận được cái mưa lất phất, tiết trời mát mẻ của mùa xuân. Mưa mùa xuân mong manh, dịu dàng mà mang trong mình sức mạnh thật kì diệu. Ta yêu mưa xuân có lẽ cũng bởi những điều đó.

admin
3/1/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question