Kim Lân được mệnh danh là nhà văn của làng quê Việt Nam, những sáng tác của ông thường mang tính giáo dục cũng như giá trị nhân văn cao hướng tới độc giả. Cùng viết bài từ truyện ngắn con chó xấu xí bạn suy nghĩ gì về tác hại của thói vô cảm trong cuộc sống nhé!

Dàn ý Từ truyện ngắn con chó xấu xí bạn suy nghĩ gì về tác hại của thói vô cảm trong cuộc sống

a. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm, chủ đề cần bàn luận

b. Thân bài:

– Kim Lân được biết tới như là một cây bút chuyên viết truyện ngắn

– Ngôn ngữ văn giản dị, giàu sức gợi cảm, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đã giúp cho tác phẩm của ông được ưa thích cũng như đánh giá cao.

– Câu truyện mang đậm văn phong Kim Lân, kể về chú chó có ngoại hình xấu xí, bị chủ nhân đối xử tệ bạc, thế nhưng chú vẫn chưa bao giờ từ bỏ tình cảm của mình đối với chủ nhân.

– Là câu truyện kể về nhân vật là động vật, thế nhưng tác giả lại mượn bài học ý nghĩa rút ra từ câu truyện để nói về cuộc sống trong xã hội loài người.

– Không chỉ thể hiện bài học về tình nghĩa, sự trung thành, con chó cũng giúp chúng ta hiểu rằng: Không thể đánh giá một con người qua vẻ bề ngoài của họ.

– Tuy có thể không giết chết họ về mặt thể xác, nhưng về tâm hồn thì đó chỉ còn lại là một mảng đen xám xịt mà thôi.

– Sự vô cảm dường như khiến con người mất đi cảm xúc với những vấn đề xung quanh mình.

– Cái chết của chú chó cũng chính là lời cảnh tỉnh, làm thức tỉnh phần “người” đã bị ngủ quên trong lòng gia đình nhân vật chính cũng như là lời nhắn nhủ của tác giả Kim Lân tới độc giả của mình.

c. Kết bài: Nêu nhận xét, đánh giá và kết luận.

 

Từ truyện ngắn con chó xấu xí bạn suy nghĩ gì về tác hại của thói vô cảm trong cuộc sống

Được mệnh danh là nhà văn của nông thôn Việt Nam, Kim Lân đã mang đến cho làng văn chương nước nhà làn gió mới thật ấn tượng. Những sáng tác của ông có thể kể tới như Nên vợ nên chồng, Làng,… Nhưng sáng tác để lại nhiều ấn tượng với độc giả nhất có lẽ là “Con chó xấu xí”.

Kim Lân được biết tới như là một cây bút chuyên viết truyện ngắn. Với vốn kiến thức cũng như sự am hiểu về con người, về những phong tục tập quán, những giá trị văn hoá của làng quê Việt Nam, đã khiến cho những sáng tác của ông thường lấy chủ đề xoay quanh chủ đề này. Ngôn ngữ văn giản dị, giàu sức gợi cảm, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đã giúp cho tác phẩm của ông được ưa thích cũng như đánh giá cao. Ông là một nhà văn theo đuổi quan niệm “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nhà văn Nguyễn Khải khi nhận xét về Kim Lân cũng đã phải thốt lên rằng: “Đó là thần viết, thần mượn tay người để viết nên những trang sách bất hủ.”

Truyện ngắn “Con chó xấu xí” được trích từ tập truyện cùng tên ra mắt năm 1962. Câu truyện mang đậm văn phong Kim Lân, kể về chú chó có ngoại hình xấu xí, bị chủ nhân đối xử tệ bạc, thế nhưng chú vẫn chưa bao giờ từ bỏ tình cảm của mình đối với chủ nhân. Mặc dù bị bỏ rơi giữa chiến tranh bom rơi đạn lạc, chú chó tới tận lúc chết vẫn trung hậu, tình nghĩa và một lòng nhớ về gia đình nhân vật “tôi” – điều này đã khiến cho nhân vật “tôi” thức tỉnh.
Là câu truyện kể về nhân vật là động vật, thế nhưng tác giả lại mượn bài học ý nghĩa rút ra từ câu truyện để nói về cuộc sống trong xã hội loài người. Câu truyện là bài học về lối sống tình nghĩa, ngợi ca lòng yêu thương, nhân ái, đồng thời cũng lên án, phê phán lối sống vô cảm của con người. Đây cũng là một đề tài thường thấy trong văn học dân gian của nước ta.

Chỉ vì ngoại hình xấu xí, nên chẳng ai dám tới gần nó cả. Thế rồi, khi cả gia đình của nhân vật “tôi” đi lánh nạn, cũng chẳng có suy nghĩ sẽ mang theo nó. Khi trở về họ dường như cũng quên luôn sự tồn tại của con chó. Mặc dù bị đối xử như vậy, con chó vẫn trung thành với gia đình nhân vật tôi khi lẻn rời khỏi nhà cụ Móm để tìm về nhà chủ với hy vọng gặp lại chủ nhân của mình; mặc cho cái đói khát chầu chực vẫn quyết chờ đợi đến khi gặp lại được vợ nhân vật tôi mới ra đi. Tác giả Kim Lân đã rất tài tình khi chọn nhân vật một chú chó đại diện cho người có lối sống trung hậu, tình nghĩa trước sau như một và chọn nhân vật “tôi” để đại diện cho bộ phận những người sống hờ hững, lạnh nhạt, vô tình vô nghĩa. Không chỉ thể hiện bài học về tình nghĩa, sự trung thành, con chó cũng giúp chúng ta hiểu rằng: Không thể đánh giá một con người qua vẻ bề ngoài của họ.

Qua truyện ngắn trên, chúng ta có thể thấy rằng thói vô cảm sẽ giết chết đi một con người. Tuy có thể không giết chết họ về mặt thể xác, nhưng về tâm hồn thì đó chỉ còn lại là một mảng đen xám xịt mà thôi. Thói vô cảm dường như đã trở thành một điều phổ biến, nhưng chính con người lại không thể nhận ra được điều ấy. Sự vô cảm dường như khiến con người mất đi cảm xúc với những vấn đề xung quanh mình. Họ thờ ơ với mọi thứ, mọi vấn đề, cho rằng việc đó không phải việc của mình, rằng mình chẳng có nghĩa vụ phải hành động tốt đẹp như vậy cả. Hay giống như lời nói của anh Nhược Dự: “Đến người cũng chả chắc giữ được nữa là con chó!…” Họ quan tâm tới bản thân mình hơn tất thảy, đâu còn tâm trí lo lắng cho những người xung quanh nữa đây? Con người chúng ta chỉ có thể được gọi là “sống” thật sự khi chúng ta có cảm xúc, có được những cảm nhận với thế giới xung quanh. Nếu như chúng ta cứ mãi thờ ơ với những điều xung quanh mình, thì chúng ta chỉ là đang “tồn tại” trong một thế giới mà thôi.

Chúng ta không thể thờ ơ với một người vì họ có ngoại hình không được ưa nhìn. Hãy nhìn vào nội dung cuốn sách trước khi ta đánh giá nội dung của nó qua vẻ bề ngoài của cuốn sách. Giống như chú chó xấu xí trong câu truyện, tuy bị hắt hủi bởi vẻ ngoài của mình, nhưng chưa bao giờ nó mất đi lòng yêu thương, chung thành của mình. Cái chết của chú chó cũng chính là lời cảnh tỉnh, làm thức tỉnh phần “người” đã bị ngủ quên trong lòng gia đình nhân vật chính. Đó cũng như là bài học, là lời nhắn nhủ mà tác giả Kim Lân muốn gửi gắm tới độc giả: Hãy sống tình cảm, yêu thương mọi người, mọi vật trong cuộc sống. Đừng để sự vô tâm làm bạn đánh mất đi những điều tốt đẹp từ trong trái tim mình.

Truyện ngắn “Con chó xấu xí” đã mang lại cho chúng ta nhiều bài học, nhiều ý nghĩa trong cuộc sống. Câu truyện tuy đơn giản, nhưng lại khiến cho độc giả phải suy nghĩ nhiều hơn về thái độ sống của bản thân mình.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *