Bài thơ “Chiều sông Thương” trích trong tập “Tiếng hát trong rừng” của nhà thơ Hữu Thỉnh đã thể hiện tình cảm của người con xa xứ đối với dòng sông Thương gắn liền cuộc sống của làng quan họ. Hãy cùng đến với bài văn biểu cảm về con người và cảnh sắc thiên nhiên Bắc Giang qua bài Chiều sông Thương của tác giả Vĩnh Mai để hiểu rõ hơn về tình cảm quê hương.

Dàn ý biểu cảm về cảnh sắc thiên nhiên qua bài Chiều sông Thương của tác giả Hữu Thỉnh

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh (vị trí văn học, phong cách sáng tác…)

– Giới thiệu bài thơ “Chiều sông Thương” (xuất xứ, khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật…)

2. Thân bài:

* Ba khổ thơ đầu: Hình ảnh sông Thương từ xa qua cảm nhận của người con xa quê

– “Suốt cả ngày thu”: chuyến hành trình dài của người con xa xứ để trở về quê…

– Từ láy “dùng dằng” gợi sự lưu luyến, nán lại của nhân vật trữ tình khi đi qua làng quan họ bên sông thương.

– Điệp cấu trúc “…vẫn…”: sự thanh bình của quê hương, cảnh dường như không thay đổi, vẫn như trước.

– Phép nhân hóa “sông – muốn nói”, “cánh buồm – đang hát lên”: sức sống của làng quê như con thuyền căng đầy tiếng hát quan họ.

=> Cánh buồm ấy như linh hồn của quê hương, hát lên những dòng tâm tình của người dân.

– “Đám mây, ruộng lúa, gió xanh” đều căng tràn sức sống, mang đậm màu sắc thu.

=> Cảnh vật từ xa hiện lên thật yên bình, thơ mộng, khiến người con xa xứ phải bồi hồi, xúc động, lưu luyến không muốn bước đi.

* Sáu khổ thơ còn lại: Cảnh vật hai bên sông Thương và tình cảm của người con xa quê đối với quê nhà.

– Nhân hóa “nước màu – chảy ngoan”: gợi dòng nước phù sa của sông Thương chảy hiền hòa, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây cỏ.

– Lúa cũng “thò” lá mới, nhú lên những mầm non tinh nghịch, lấp ló trên lớp bùn nặng phù sa sông Thương.

– Những hạt phù sa như trong cổ tích, mang đến phép màu khiến ruộng nương xanh tươi, màu mỡ.

– Vẻ đẹp của những người phụ nữ làng quan họ: lao động chăm chỉ, chịu thương chịu khó.

=> Mong ước một mùa màng bội thu, đất nước, quê hương thịnh vượng.

– Thán từ “ôi” gợi cảm xúc xao xuyến, biết ơn của tác giả đối với dòng sông. Sông Thương màu nâu hay xanh biếc đều cung cấp dinh dưỡng cho mùa màng trong suốt quá trình từ lúa lên hay mùa “phôi phai”.

– Nắng chiều thu dần ngả về phía hoàng hôn, trăng đã lên như múi bưởi treo trên trời nhưng người con xa quê vẫn “nghé đợi” thêm chút nữa, chờ cả ngày thu đi hết sông Thương

=> Bài thơ vừa là bức tranh sông Thương cùng làng quan họ yên bình, gần gũi, thơ mộng, vừa là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước của tác giả.

3. Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm.

 

Biểu cảm về con người và cảnh sắc thiên nhiên Bắc Giang qua bài Chiều sông Thương của tác giả Vĩnh Mai

Quê hương là nơi mỗi người dù đi xa đến đâu cũng muốn trở về, là nơi gắn liền với bao kí ức đẹp đẽ, đáng nhớ của tuổi thơ. Chính vì vậy, quê hương luôn là nỗi nhớ, hoài niệm của tất cả mọi người, đặc biệt là những người con xa quê. Với dọng thơ tha thiết, hình ảnh thơ giản dị, tinh tế, bài thơ “Chiều sông Thương” trích trong tập “Tiếng hát trong rừng” của nhà thơ Hữu Thỉnh đã thể hiện tình cảm của người con xa xứ đối với dòng sông Thương gắn liền cuộc sống của làng quan họ.

Mở đầu bài thơ là chuyến hành trình dài của người con xa quê bao năm trở về. Mặc dù chuyến đi mệt nhọc nhưng nhân vật trữ tình vẫn háo hức, không mệt mỏi, tiếp tục chuyến đi của mình:

Đi suốt cả ngày thu
vẫn chưa về tới ngõ
dùng dằng hoa quan họ
nở tím bên sông Thương

nước vẫn nước đôi dòng
chiều vẫn chiều lưỡi hái
những gì sông muốn nói
cánh buồm đang hát lên

Từ láy “dùng dằng” gợi sự lưu luyến, nán lại, không muốn bước đi của tác giả. Dường như sắc tím của hoa quan họ nở bên sông Thương khiến tác giả không muốn rời đi hay là vẻ đẹp của những cô gái quan họ khiến chàng say đắm không nỡ bước? Điệp cấu trúc câu “ nước vẫn nước đôi dòng/chiều vẫn chiều lưỡi hái” nhấn mạnh sự không thay đổi của dòng sông, dẫu thời gian trôi đi thì dòng sông kí ức vẫn như vậy, yên bình trôi. Phép nhân hóa “sông – muốn nói”, “cánh buồm – hát lên” gợi sức sống mãnh liệt, nhịp sống vui tươi của dòng sông hay chính người dân nơi đây. Chiếc thuyền nổi bật với cánh buồm căng tràn tiếng hát, làn quan họ cùng âm hưởng của cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Ở góc nhìn từ xa, nhân vật trữ tình còn thấy những đám mây và ruộng lúa trong gió. Đám mây rủ nhau kéo bóng về Bố Hạ còn những ruộng lúa e thẹn, cúi mình giấu đi những hạt lúa trước những cơn gió xanh. Cảnh vật hiện lên thật yên bình, thơ mộng, khiến người con xa xứ phải bồi hồi, xúc động, lưu luyến không muốn bước đi.

nước màu đang chảy ngoan

giữa lòng mương máng nổi

mạ đã thò lá mới

trên lớp bùn sếnh sang

Dòng sông Thương đã bồi đắp bao phủ sa cho mùa màng, cây cỏ. Cụm từ “chảy ngoan” gợi dòng nước yên bình, nhẹ nhàng trôi, mang chất dinh dưỡng đi khắp mọi nơi. Chính nhờ chất dinh dưỡng ấy mà những cây mạ đã lên lá mới, phép nhân hóa “thò” miêu tả sự nhú mầm của cây lúa non vừa rụt rè, vừa tinh nghịch, đáng yêu. Lớp bùn “sếnh sang” được bồi đắp bởi phù sa sông Thương là nơi nuôi dưỡng mùa màng, góp phần dựng xây quê hương thịnh vượng. Những hạt phù sa nhỏ bé ấy rất quen nhưng lại như cổ tích, có phép màu phủ xanh, tạo nên mùa vụ bội thu. Hình ảnh những cô gái làm mùa cũng được tác giả khắc họa một cách chân thực, sinh động “mấy cô coi máy nước/mắt dài như dao cau”. Không phải là những cô gái duyên dáng với những tà áo quan họ thướt tha, những cô gái ở đây hiện lên với công việc xem máy nước để cung cấp cho đồng ruộng. Chính sự cần cù, lao động chăm chỉ ấy tạo nên những cánh đồng lúa chín vàng, là nét đẹp truyền thống của nhân dân lao động Việt Nam.

ôi con sông màu nâu

ôi con sông màu biếc

dâng cho mùa sắp gặt

bồi cho mùa phôi phai

Trước vai trò của sông Thương đối với cuộc sống con người, nhân vật trữ tình phải thốt lên cảm xúc “ôi”. Thán từ vừa thể hiện sự xúc động, bồi hồi vừa thể hiện sự biết ơn của tác giả đối với dòng sông lịch sử. Dòng sông ấy dâng nguồn nước, phù sa cho mùa vụ từ lúc mạ mới lên non cho đến khi kết thúc mùa gặt. Người con xa quê cứ say sưa hòa mình vào đất trời mà quên đi sự trôi chảy của thời gian. Nắng chiều thu đã ngả dần về phía hoàng hôn, trăng đã lên như “múi bưởi” treo trên trời. Cảnh vật yên bình, mộc mạc, dân dã ấy khiến con “nghé đợi” thêm chút nữa để thấy cả chiều thu sang sông.

Như vậy với thể thơ năm chữ quen thuộc, hình ảnh thơ gần gũi, giàu sức gợi hình, gợi cảm, dọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết, sử dụng kết hợp các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa…bài thơ chỉ viết hoa chữ đầu tiên của bài thơ thể hiện dòng cảm xúc xuyên suốt, không đứt đoạn của tác giả. Bài thơ vừa là bức tranh sông Thương cùng làng quan họ yên bình, gần gũi, thơ mộng, vừa là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước của tác giả.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *