Dưới cái nắng vàng rực rỡ của mùa hạ, Xuân Quỳnh đã dành hết tâm tư tình cảm của mình vào lời thơ để sáng tác ra bài “mùa hạ” mang đến cho ta những cảm nhận sâu sắc.
Dàn ý phân tích bài thơ mùa hạ của Xuân Quỳnh
Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Nêu vấn đề cần nghị luận
Thân bài:
– Khổ 1: những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của đất trời
– Khổ 2: cái nắng vài xua tan đi mọi điều tối tăm, ưu phiền
– Khổ 3: mùa của những ước mơ, hoài bão
– Khổ 4: mùa hạ đưa ta trở về tuổi thơ
– Khổ cuối: ưu tư, luyến tiếc, khát vọng, ước mơ
Kết bài:
– Đánh giá nội dung, nghệ thuật
– Nêu thông điệp
Phân tích bài thơ mùa hạ của Xuân Quỳnh ngắn gọn
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam. Bà có phong cách sáng tác độc đáo, đa dạng. Thơ Xuân Quỳnh thường sử dụng những hình ảnh tươi sáng, ngây thơ và lãng mạn. Bài thơ “mùa hạ” là tác phẩm khắc họa rõ nét một mùa hè trong suy nghĩ của Xuân Quỳnh, là bài thơ xuất sắc trong sự nghiệp sáng tác của bà. Mùa hạ trong cái cảm nhận của Xuân Quỳnh là một mùa của những âm thanh, những hương vị đặc trưng của mùa hè. Tác phẩm được nữ thi sĩ viết khi tuổi thanh xuân đã qua nhưng những cảm nhận, khát khao về những khoảnh khắc đẹp đẽ của đất trời vẫn được thể hiện rõ qua từng lời thơ:
“Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả
Bước chân người bỗng mở những đường đi”
Mở đầu bài thơ, Xuân Quỳnh đem đến cho người đọc những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên. Thiên nhiên mùa hè hiện lên rực rỡ, nên thơ qua những sự vật quen thuộc. Đó là “tiếng chim reo”, hay “bầu trời xanh biếc”, “đất thành cây”,…. Đó là mùa hạ quen thuộc, đẹp và tràn đầy sức sống. Những hình ảnh Xuân Quỳnh đưa vào lời thơ tự nhiên, gợi một cảm giác muốn đón chào mùa hè. Không gian trời xanh bao la rộng lớn kết hợp với tiếng chim, với những màu sắc rực rỡ của mùa hè. Là những hình ảnh và âm thanh náo nhiệt mang đặc trưng của làng quê. Nếu như mùa xuân mang đến cho ta những sự sống mới, là lúc cây cối đâm chồi này lộc thì đến với mùa hạ là mùa tích tụ cho mật trào tỏa hương. Mùa hạ mở ra cho con người những chân trời mới “bước chân người bỗng mở những đường đi”. Một mùa hè thật tuyệt, đong đầy và đẹp đẽ, để lại trong lòng người đọc những cảm xúc khó phai
“Đó là mua không thể giấu che
Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng
Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng
Từ những miền cay đắng hóa thành thơ”
Xuân đi hạ đến, đây là thời gian để tất cả sự vật được phơi bày, với những gì đẹp đẽ nhất dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Bằng ngồi bút độc đáo cùng con mắt tinh tường của một nữ thi sĩ, Xuân Quỳnh đã đưa ra những cảm nhận thú vị về mùa hè. Những điều đẹp đẽ, lung linh rạng ngời nhất dưới ánh nắng vàng rực rỡ sẽ tỏa hương, những điều tối tăm sẽ bị lu mờ thiêu đốt. Phải chăng đây là phép ẩn dụ đầy tinh tế, dưới cái nắng rực rỡ của mùa hè tâm hồn con người sẽ vứt bỏ đi những ưu phiền lo lắng, thay vào đó là một sự rạo rực, mới mẻ.
“Đó là mùa của những ước mơ
Những dục vọng muôn đời không xiết kể
Gió bão hòa, mưa thành sông thành bể
Một thoáng nhìn có thể hóa tình yêu”
Đến với mùa hạ của Xuân Quỳnh, là mùa của những ước mơ, những dục vọng nhiều không kể xiết. Người ta vẫn thường ví mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, mùa của sức sống căng tràn. Thế nhưng Xuân Quỳnh lại mang đến một khía cạnh khác, phải chăng mùa hạ mới thực sự là mùa rực rỡ nhất của con người. Thế nhưng con đường đạt được ước mơ, những hoài bão ấy không bao giờ bằng phẳng. Phải trải qua “gió bão hòa”, “mưa thành sông thành biển”, trải qua những thử thách ta mới có được trái ngọt. Tuổi trẻ là tuổi với nhiều ước mơ hoài bão nhưng cũng đầy chông gai khó khăn. Sự mãnh liệt của thiên nhiên đã thôi thúc, hòa nhịp của lòng người. Tuổi trẻ là tuổi có những cảm nhận tinh tế và dễ rung động trước cuộc đời chính vì thế chỉ “một thoáng nhìn có thể hóa thành tình yêu”.
“Đó là mùa của những buổi chiều
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa”
Mùa hạ năm ấy, ta đã cùng đám bạn với những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ. Là những “cánh diều nghiêng vòm”, là “tiếng dế”, “tiếng cuốc dồn”. Đây là những hình ảnh thân thuộc của mùa hạ, những âm thanh đó đã đưa ta về một miền ký ức. Những dòng thơ đó khiến ta bồi hồi nhớ lại những năm tháng ấy.
“Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ khát khao còn, hết?
Mà mặt đất màu xanh vẫn là biển
Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa”
Những câu thơ đầu là nói lên thiên nhiên mùa hạ tươi đẹp rực rỡ, thì kết thúc bài thơ là một sự luyến tiếc ưu tư của tác giả. Đó là cái ưu tư của một người đã đi qua những thăng trầm, vui buồn trong cuộc sống. Câu hỏi tu từ đã hiện ra trong ta bao suy nghĩ. Mùa hạ của tôi không phải chỉ khoảng thời gian ngắn ngủi mà là cả một một giai đoạn của tuổi trẻ, giai đoạn sống với những khát khao hoài bão. “Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa” dù tuổi trẻ đã qua đi, nhưng những kỷ niệm về năm tháng đó vẫn còn mãi, những khát khao dục vọng vẫn luôn còn ở trong ta.
Bằng việc sử dụng phép điệp ngữ “đó là”, cùng các từ ngữ và hình ảnh rất tinh tế để miêu tả những cung bậc cảm xúc khi mùa hạ đến. Xuân Quỳnh khiến cho bài thơ trở nên gần gũi, mang đến những cảm xúc rất thực về mùa hạ. Bài thơ mùa hạ còn mang đến cho người đọc một thông điệp sâu sắc. Đó là những suy nghĩ về cuộc sống và sự tồn tại của con người, sự kiên trì và niềm hy vọng. Bài thơ mùa hạ của Xuân Quỳnh đã làm tái hiện lên bức tranh mùa hè vô cùng rực rỡ đầy sống động và tràn đầy sức sống. Tuổi trẻ dù đã qua đi nhưng ta vẫn là ta, hãy làm những gì ta muốn.