Tình yêu là đề tại muôn thuở của thơ ca. Đến với Huy Cận cùng bài thơ “áo trắng” ta như được trở về những năm tháng thần tiên tươi đẹp của tuổi học trò. Hãy cùng tôi “phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ Áo trắng” để có những cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm

Dàn ý Nghị luận phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ Áo trắng

Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận

– Trích thơ

Thân bài:

– Nêu khái quát về nhà thơ Huy Cận, hoàn cảnh ra đời, nội dung bài thơ “áo trắng”

Giá trị nội dung:

– Tình yêu trong bài thơ được Huy Cận cảm nhận là niềm hạnh phúc, là tình yêu của anh và em lãng mạn say đắm

– Bài thơ thể hiện nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỷ niệm tình cảm đẹp đẽ của tuổi thần tiên. Hình ảnh tà áo trắng được tác giả sử dụng xuyên suốt bài thơ

– Những tháng năm đẹp đẽ của tuổi học trò, những tháng ngày vô lo, vô nghĩ của tuổi thần tiên, là những kỷ niệm đẹp đẽ, một phần thanh xuân đáng nhớ
==> Nội dung đơn giản, ngôn ngữ giản dị trong sáng thế nhưng chính cái đơn giản ấy lại khơi dậy trong lòng người đọc những cảm xúc khó phai. Bài thơ thể hiện một cách sâu sắc nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thần tiên.

 

Giá trị nghệ thuật:

– Hình ảnh “áo trắng” xuất hiện xuyên suốt bài thơ, là hình ảnh trung tâm, góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp tinh khôi trong trẻo

– Xây dựng nhân vật trữ tình “anh” và “em” thể hiện quan điểm mới mẻ trong phong trào thơ mới

– Giọng điệu nhẹ nhàng cùng với các hình ảnh gần gũi, hồn nhiên tươi sáng

==> Xây dựng các giá trị nghệ thuật đơn giản, dễ hiểu nhưng không tầm thường, bài thơ “áo trắng” đã để lại những ấn tượng sâu sắc, thể hiện nỗi nhớ thương hoài niệm về tình cảm tươi đẹp tuổi học trò.

Kết bài:

Đánh giá giá trị nội dung và nghệ thuật

Nghị luận phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ Áo trắng

Mẫu số 1

Tình yêu là một đề tài làm rung động trái tim biết bao người vang ngân lên thành biết bao lời thơ. Tình yêu đã trở thành đề tài muôn thuở của thơ ca. Muôn đời tình yêu vẫn mới lạ và hấp dẫn mọi người như thuở ban đầu. Thế nhưng nhiều nhà thơ đã tốn biết bao nhiêu là giấy, mực thậm chí cả …máu để viết tình yêu. Đẹp và lãng mạn biết bao nhiêu khi tác giả Huy Cận dùng ngòi bút của mình sáng tác ra bài thơ “áo trắng” ca ngợi về tình yêu tuổi học trò thật lung linh, say đắm nhưng vẫn rất hồn nhiên và trong sáng. Bất kỳ tác phẩm văn học nào cũng đều có sự kết hợp giữa hai mặt cốt lõi là hình thức nghệ thuật và nội dung. Và “áo trắng” của Huy Cận cũng là một tác phẩm như thế.

“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.

Dịu dàng áo trắng trong như suối
Toả phất đôi hồn cánh mộng bay.”

Huy cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Nếu như trước cách mạng tháng tám, thơ Huy Cận thường mang nỗi buồn nhân thế, thì sau cách mạng thơ ông lại có những chuyển biến mới, thể hiện sự tươi mới, vui vẻ. “Huy Cận cũng là một người của đời, một người ở giữa loài người”. “Áo trắng” là một trong những tác phẩm hay nhất về tình yêu của Huy Cận nói riêng và của phong trào thơ mới nói chung. Tác phẩm được in trong tập lửa thiêng vào năm 1940. Đó là tâm trạng vui vẻ, ngỡ ngàng của nhà thơ khi đứng trước vẻ đẹp tinh khôi, trong sáng của tình yêu tuổi học trò. Tình yêu tuổi học trò là một chủ đề khá quen thuộc trong thơ ca hiện đại. Nó thể hiện cái nhìn phóng khoáng cùng những cảm nhận tinh tế thay đổi theo thời gian của các nhà thơ. Tình yêu tuổi học trò mang những nét trẻ trung, lãng mạn nhưng cũng rất hồn nhiên ngây thơ gây lên những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Tình yêu trong bài thơ được Huy Cận cảm nhận là niềm hạnh phúc, là tình yêu của anh và em lãng mạn say đắm. Huy Cận để nhân vật trữ tình anh và em bộc lộ cảm xúc, gợi nhắc chúng ta cần biết trân trọng tình yêu, biết yêu thương và trân quý những giây phút hạnh phúc trong cuộc đời. Huy Cận, một người đã trải qua biết bao gian khổ của cuộc đời, đã đi qua giây phút đẹp đẽ ấy của tuổi trẻ. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỷ niệm tình cảm đẹp đẽ của tuổi thần tiên. Những kỷ niệm ấy được gửi lên qua hình ảnh những cô gái trong tà áo trắng tinh khôi.

Hình ảnh tà áo trắng được tác giả sử dụng xuyên suốt bài thơ, gợi lên nhiều liên tưởng cảm xúc trong lòng chúng ta. Với nội dung đơn giản nhưng hết sức sâu sắc, cô gái ấy chỉ khoác lên mình chiếc áo trắng đơn sơ nhưng cũng làm lên bao ý nghĩa, khiến người đọc không khỏi luyến tiếc về những tháng năm đẹp đẽ của tuổi học trò. Đó là những tháng ngày vô lo, vô nghĩ của tuổi thần tiên, là những kỷ niệm đẹp đẽ, một phần thanh xuân đáng nhớ của tác giả. Huy Cận viết lên bài thơ “áo trắng” với nội dung đơn giản, ngôn ngữ giản dị trong sáng thế nhưng chính cái đơn giản ấy lại khơi dậy trong lòng người đọc những cảm xúc khó phai. Bài thơ thể hiện một cách sâu sắc nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thần tiên.

Bên cạnh đó, những giá trị nghệ thuật cũng góp phần đưa ta trở về tuổi học trò đáng nhớ. Hình ảnh “áo trắng” xuất hiện xuyên suốt bài thơ, là hình ảnh trung tâm của tâm hồn trong sáng của học trò. Bằng việc xây dựng lên hình ảnh trung tâm đó những cô gái mặc áo dài hiện lên qua cái nhìn của các chàng trai thật say đắm, góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp tinh khôi trong trẻo. Thông qua tác phẩm Huy Cận đã xây dựng nhân vật trữ tình “anh” và “em” thể hiện quan điểm mới mẻ trong phong trào thơ mới. Từ đó giúp bài thơ bộc lộ những cảm xúc chân thực nhất về tình yêu. Bài thơ sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng cùng với các hình ảnh gần gũi, hồn nhiên tươi sáng. Đó là “áo trắng đơn sơ”, “gót ngọc dồn hương”, “bàn tay ngón ngón thon”, “đôi má hồng”,…Cô gái trong bài thơ qua các hình ảnh được Huy Cận miêu tả hiện lên thật trong trẻo, một vẻ đẹp trong sáng, tinh khôi thể hiện tình yêu của tuổi học trò. Sẽ thật là thừa thãi khi nói về vẻ đẹp, sự huyền bí, niềm vui sướng tất cả những đớn đau do tình yêu đem lại. Bằng việc xây dựng các giá trị nghệ thuật đơn giản, dễ hiểu nhưng không tầm thường, bài thơ “áo trắng” đã để lại những ấn tượng sâu sắc, thể hiện nỗi nhớ thương hoài niệm về tình cảm tươi đẹp tuổi học trò.

Tình yêu là địa hạt của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu trong sáng của tuổi học trò luôn thể hiện những cung bậc cảm xúc lạ thường, để lại cho tác phẩm những giá trị tuyệt đẹp. Bài thơ thể hiện một cách sâu sắc nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỷ niệm thật đẹp tuổi thần tiên.

Mẫu số 2

Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và tác giả Huy Cận đã để tác phẩm “ Áo trắng” của mình là nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của văn học Việt Nam. Bài thơ là một sáng tạo độc đáo về nội dung và nghệ thuật.

Huy Cận là một trong những thành viên xuất sắc của phong trào Thơ Mới với hồn thơ ảo não. Trước Cách mạng tháng Tám, thơ ông mang một nỗi u buồn về kiếp người nhỏ bé, trôi nổi giữa dòng đời vô định. Đồng thời, ông cũng ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên, tạo vật. Sau Cách mạng tháng Tám, hồn thơ ông trở nên lạc quan, được khơi nguồn từ cuộc sống chiến đấu và xây dựng đất nước của nhân dân lao động. Thơ Huy Cận hàm súc và giàu triết lý suy tưởng. Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ đó là: Những năm sáu mươi”, “ Đoàn thuyền đánh cá”, “ Suy nghĩ về nghệ thuật”,… Năm 2005, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng.

“Áo trắng” là một trong những bài thơ hay nhất viết về tình yêu của Huy Cận nói riêng và của phong trào thơ Mới nói chung. Tác phẩm như một viên ngọc thơ xinh xắn được in trong tập “Lửa thiêng” vào năm 1940. Bài thơ đã ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu đặc biệt là tình yêu lứa đôi. Đó là tiếng lòng vui sướng, hạnh phúc của cậu học trò khi được sống trong tình yêu thơ mộng.

 

Tình yêu tuổi học trò từ lâu đã trở thành một nguồn cảm hứng thơ ca bất tận của nhiều thi sĩ. Văn chương phát hiện đời sống qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Đến với nhà thơ Đỗ Trung Quân, người đọc bắt gặp lời tỏ tình của không biết bao thế hệ nam sinh trong bài thơ “Chút tình đầu”. Bằng tình yêu của mình, nhà thơ Huy Cận với tác phẩm “ Áo trắng” đã khám phá ra những nét đẹp trẻ trung, lãng mạn nhưng cũng rất hồn nhiên ngây thơ của tình yêu tuổi học trò, nó đã gợi lên những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

Trước hết, hình ảnh cô gái hiện lên đẹp giản dị, thanh khiết, vô tư hồn nhiên trong đôi mắt và tâm hồn của cậu học trò. Hình ảnh “ áo trắng” mở đầu bài thơ đầy thi vị. Màu trắng là biểu tượng của sự tinh khiết, giản dị và tao nhã, màu của sự tinh khôi, trong sáng, là màu sắc đại diện cho lứa tuổi học trò hồn nhiên, vô tư. Cô gái hiện lên với tà áo trắng đơn sơ như tuyệt sắc giai nhân trong lòng chàng trai. Màu trắng ấy khi xuất hiện như làm cô gái tỏa ra ánh sáng rực rỡ mà “nở bừng ánh sáng”.

“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,

Hôm xưa em đến, mắt như lòng

Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,

Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng.”

Nhà thơ Xuân Diệu từng nói rằng: “ Làm sao sống được mà không thương không nhớ một người nào đó”. Tình yêu tượng trưng cho mùa xuân, nơi tất cả mọi thứ đều chớm nở và tràn đầy sự sống. Như ánh nắng ban mai mở ra một ngày mới, tình yêu cũng làm tỏa sáng tâm hồn và làm dịu đi mọi nỗi lo âu. Tuổi học trò là thời kỳ của những bông hoa non mới nở, và tình yêu tuổi học trò lại mang theo một vẻ đẹp trong sáng vô ngần. Vẻ đẹp người con gái luôn hút hồn ánh mắt của người con trai, khiển những chàng trai không thể rời mắt:

“Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;

Em duyên đôi má nắng hoe tròn.

Em lùa gió biếc vào trong tóc

Thổi lại phòng anh cả núi non.”

Hình ảnh “em” lặp lại ba lần trong khổ thơ, dường như tràn ngập trong tâm trí của người con trai. Tình yêu tuổi học trò là yêu cả những điều giản dị nhất của lứa đôi, là cái nắm tay, là lời hỏi, lời động viên. Trong khổ thơ, cậu học trò say đắm bởi vẻ đẹp ngoại hình của cô gái, đó là hình ảnh những ngón tay thon thon, đôi má hồng ửng hồng, làn tóc. Hình ảnh của em đẹp, tràn đầy sức sống hơn bao giờ hết “ thổi lại phòng anh cả núi non”. Em như mang hơi thở của núi non, của trời đất, chiếu rọi vào tâm hồn của anh.
Thêm vào đó, cô gái ấy hiện lên không chỉ có ngoại hình tuyệt sắc mà còn đẹp cả trong tâm hồn:

“Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời;

Hồn em anh thở ở trong hơi.

Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,

Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.”

Lời nói có sức mạnh kì diệu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Lời nói ngọt ngào của cô gái trong bài thơ như làm lay động trái tim của chàng trai, một trái tim đang yêu và khao khát được yêu. Câu thơ “ anh nghe tiếng lẫn lời”, “hồn em anh thở trong hơi” như đang khẳng định tình yêu của nhân vật “anh” dành cho nhân vật “em”- người anh yêu. Tình cảm anh dành cho em hòa quyện trong tiếng nói tâm hồn, trong hơi thở và ánh nắng. Lời của “em” làm cho cảnh vật thiên nhiên bừng sáng, tràn đầy sức sống “nàng thơ dệt sáng”, “lá nhỏ mừng vui”.

Khép lại bài thơ với hình ảnh “áo trắng”, nhà thơ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh:

“Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.

Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.

Dịu dàng áo trắng trong như suối

Toả phất đôi hồn cánh mộng bay”.

Nếu như ở khổ thơ đầu, hình ảnh “tà áo trắng” gắn liền với lứa tuổi học trò tinh khôi, trong sáng thì đến khổ thơ cuối, hình ảnh “áo trắng” giống như đôi cánh thần tiên nâng đỡ cho tình yêu lứa đôi. Lời thơ vang lên bay bổng, nhẹ nhàng, đưa người đọc đến với thế giới bồng lai cổ tích. Nhân vật “anh” và “em” mơ về tình yêu đôi lứa “Đôi lứa thần tiên suốt một ngày”. Anh và em khao khát một tình yêu mãnh liệt, một tình yêu cả trong cõi mộng.

Ai đó đã từng nói rằng:” Mỗi một tác phẩm là một phát minh về nghệ thuật, một khám phá về nội dung”. Bài thơ “Áo trắng” quả là một bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ mới của nhà thơ Huy Cận. Bằng con mắt quan sát tinh tế, nhà thơ đưa ta trở về tuổi học trò đáng nhớ. Có thể nói, giá trị nghệ thuật đã góp phần để làm nên thành công của bài thơ. Bài thơ được viết theo thể thơ 7 chữ gồm bốn khổ. Ngôn ngữ bài thơ rất dung dị, gần gũi với cuộc sống, mang giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng. Hình ảnh “áo trắng” xuất hiện xuyên suốt bài thơ, là hình ảnh trung tâm của tâm hồn trong sáng của học trò. Hình ảnh những cô gái trong tà áo dài hiện lên qua cái nhìn của các chàng trai thật say đắm biết bao, góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp tinh khôi trong trẻo của lứa tuổi học sinh. Thông qua tác phẩm, nhà thơ Huy Cận đã xây dựng thành công nhân vật trữ tình “anh” và “em”. Hình tượng trung tâm của bài thơ là cô gái, qua cái nhìn say đắm của chàng trai. Tất cả các hình ảnh trong bài thơ đều tập trung thể hiện vẻ đẹp lung linh tỏa sáng, tinh khôi thơ mộng của hình tượng trung tâm đó. Bài thơ đã thể hiện được tình cảm cảm xúc của nhà thơ, một trái tim khao khát yêu và được yêu.

Tình yêu là địa hạt của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu trong sáng của tuổi học trò thương mang những cung bậc cảm xúc lạ thường, để lại cho tác phẩm những giá trị tuyệt đẹp. Bài thơ “Áo trắng” xứng đáng được coi là bài thơ tình yêu tuổi học trò hay nhất của nhà thơ Huy Cận nói riêng và thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung. Bài thơ thể hiện một cách sâu sắc nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỷ niệm thật đẹp tuổi thần tiên. Gấp trang thơ lại, những vần thơ khiến ta thêm yêu những năm tháng học trò hơn. Đó là khoảng thời gian vô tư, hồn nhiên.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *