Nghị luận phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của bài Củi Lửa tác giả Dương Kiều Minh

Bài thơ “Củi lửa” in trong tập thơ cùng tên là bài thơ tiêu biểu thể hiện nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương da diết qua dòng hồi ức được khơi dậy từ củi lửa. Hãy cùng đến với bài phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật bài Củi Lửa để hiểu rõ hơn về bài thơ nhé!


Dàn ý Nghị luận phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của bài Củi Lửa tác giả Dương Kiều Minh

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, khái quát chung về nội dung và nghệ thuật...

2. Thân bài:

* Khổ thơ đầu: Mùi khói là khởi nguồn của dòng kí ức ngày xưa.

- Mùi khói lửa gắn liền với tuổi thơ con nhưng trưởng thành đi xa, con đã “ thưa dần” mùi khói quen thuộc.

- So sánh “Mẹ già nua như những buổi chiều”: gợi sự vất vả, gian truân của mẹ suốt một đời nuôi con khôn lớn...

- Từ láy “lăng lắc”: sự trôi chảy của thời gian mang tuổi xuân, thôn dã như đi vào dĩ vãng xa xăm, vô tận...

- “Bếp lửa ngày đông”: Bếp lửa của đoàn tụ, hơi ấm đoàn viên...

* Hai khổ thơ tiếp theo: Kí ức tuổi thơ hiện về trong tâm trí con.

- Giấc mơ được bé lại, quay trở về ngày xưa bên mẹ, bên ao cá, mảnh vườn, bậc thềm đầy trăng mỗi tối...

- Những hình ảnh “ao xưa, mảnh vườn nhỏ, bậc thềm dàn dụa trăng, hoàng hôn loanh lổ hò đồi....”à hình ảnh, hương vị tuổi thơ gần gũi thân thương, gắn liền với kí ức đẹp đẽ...

=> Con nhớ mẹ, nhớ cả làng quê, cảnh vật nơi con lớn lên, dẫu biết chỉ có thể mơ ước nhưng con vẫn muốn được bé lại, được một lần trở về như ngày xưa...

* Hai khổ thơ cuối: Quay về với thực tại, con chỉ ước được trở lại ngày xưa.

- “Một sớm vắng”: một buổi sớm của thực tại, vắng lặng, yên tĩnh, càng làm con nhớ về tuổi thơ.

- “ùa lên khói bếp/về đây củi lửa/ngày xưa…”: Chỉ cần thấp thoáng hình dáng khói bếp quen thuộc, tác giả lập tức quay về với củi lửa thời thơ ấu...

=> Hình ảnh củi lửa là khởi nguồn cũng là điểm lắng cho dòng kí ức của tác giả. Từ mùi khói bếp lửa, tác giả nhớ về những kỉ niệm, cảnh vật xa xưa và vì thế, tình yêu thương, lòng biết ơn đối với mẹ lại càng dạt dào, da diết hơn...

3. Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm.

Nghị luận phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của bài Củi Lửa tác giả Dương Kiều Minh

Nghị luận phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của bài Củi Lửa tác giả Dương Kiều Minh

Dương Kiều Minh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ cách tân thời kì đầu. Thơ ông là một hồn thơ khắc khoải, đượm buồn, hoài niệm về quá khứ, vừa phản chiếu cuộc sống từ một cõi xa nào đó, vừa phản chiếu đời sống cá nhân thực tại trong những khoảnh khắc cụ thể. Bài thơ “Củi lửa” in trong tập thơ cùng tên là bài thơ tiêu biểu thể hiện nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương da diết qua dòng hồi ức được khơi dậy từ củi lửa.

Con lớn lên cùng mùi khói bếp củi của mẹ, mùi khói cứ thế hiện diện bên con, theo con suốt những ngày thơ ấu. Nhưng khi con trưởng thành, đi tới những miền đất lạ thì con đã “thưa dần” với mùi khói quen thuộc ấy.

Đời con thưa dần mùi khói

Mẹ già nua như những buổi chiều

lăng lắc tuổi xuân, lăng lắc niềm thôn dã

bếp lửa ngày đông…

Càng xa mùi khói, con càng nhớ mẹ, dường như làn khói qua đi, hình ảnh mẹ mờ mờ ảo ảo xuất hiện trong tâm trí con. Vì nuôi con, mẹ ngày càng một già đi, tuổi xuân đẹp đẽ đã thay dần bằng những dấu hiệu già nua của tuổi chiều. Hai câu thơ như dồn nén cảm xúc, hình ảnh so sánh gợi lên sự vất vả, gia truân của mẹ suốt một đời nuôi con khôn lớn. “Tuổi xuân, niềm thôn dã” cứ xa dần, xa dần theo dòng thời gian, cứ “lăng lắc” trôi đi vào dĩ vãng tưởng chừng vô tận, để rồi ở cuối dòng suy tưởng ấy hình ảnh bếp lửa đông lập lòe hiện lên. Mùa đông là mùa lạnh lẽo, buốt giá nên bếp lửa mùa đông là bếp lửa để lại dấn ấn khó phai nhất trong lòng con. Trong tiết trời giá lạnh, những thành viên trong gia đình cùng nhau quây quần, vui vẻ, xóa tan cái buốt giá của mùa đông. Kỉ niệm ấy đối với con vô cùng quý giá, là trang nhật kí mà con không bao giờ quên.

Như chìm vào dòng kí ức, con mơ ước được quay về bên mẹ, quay về với những điều bình dị nhất của quê hương.

Mơ được về bên mẹ

ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa

bậc thềm dàn dụa trăng mỗi tối.

Đọc những câu thơ, người đọc tưởng chừng như quay về với chính tuổi thơ của mình. Ao xưa - mảnh vườn nhỏ ngày xưa sao mà thân thương đến thế! Phải chăng khi cách xa rồi, con mới nhận thấy hết giá trị của những thứ bình dị nhất xung quanh mình. Âm điệu nhẹ nhàng, tha thiết như kéo người đọc vào dòng kí ức của tác giả, ao xưa, mảnh vườn nhỏ như hiện ra trước mắt độc giả, vừa gần nhưng lại vừa xa xôi. Bậc thềm nhà tràn ngập ánh trăng cũng là hình ảnh in sâu vào tâm trí con, vừa yên bình, vừa thơ mộng đến lạ kì. Bậc thềm “dàn dụa” ánh trăng sáng hay chính trong lòng con tràn ngập cảm xúc không thể diễn tả? Cảm xúc ấy được dồn nén trong những câu chữ tưởng chừng như sẽ vỡ òa bất cứ lúc nào.

Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi

mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ

con về yêu mái rạ cuộc đời.

Hiện về trong tâm trí con còn là ánh nắng hoàng hôn loang lổ trên các gò đồi. Không chỉ là hình ảnh, mùi vị của quê hương cũng dạt dào trong tâm trí con. Giấc ngủ của con gắn liền với mùi lá bạch đàn, mặc dù tác giả chỉ miêu tả mùi lá tác động vào giác quan nhưng đọc câu thơ dường như ta thấy được mùi lá bạch đàn ấy còn tác động vào chính tâm hồn tác giả. Động từ “xộc” vừa gợi sự đột ngột, vị nồng của lá bạch đàn, vừa gợi sự quen thuộc, khắc sâu của mùi hương ấy trong tâm trí tác giả. Cuộc sống vất vả cùng ngôi nhà lợp bằng mái rạ càng khiến con yêu tuổi thơ gắn liền với quê hương hơn. Tất cả những hình ảnh, hương vị giản dị, thân thương ấy khiến con sống lại với những ngày xa xưa, mặc dù biết rằng chỉ có thể mơ nhưng con vẫn muốn một lần được bé lại như thời thơ ấu.
Quay về với thực tại, niềm hân hoan, vui vẻ của tuổi thơ dần được thay thế bởi tâm trạng đượm buồn, thiếu vắng. Những kí ức, giấc mơ đẹp đẽ tan dần như làn khói bếp, chỉ để lại một buổi sớm yên tĩnh, vắng lặng. Đâu đó con nhìn thấy khói bếp lửa ùa lên, lập tức con lại nhớ đến bếp củi ngày xưa.

Một sớm vắng

ùa lên khói bếp

về đây củi lửa

ngày xưa…

Các câu thơ đứt quãng, ngắt dòng như những mảnh vỡ kí ức được lắp ghép mơ hồ, chập chờn trong tâm trí tác giả. Nếu mở đầu bài thơ là hình ảnh khói thì cuối bài thơ là hình ảnh lửa. Như vậy mạch cảm xúc trong bài thơ có sự nối tiếp, tuần hoàn, khép kín theo mạch nguồn của bếp củi. Hình ảnh củi lửa vừa là khởi nguồn cũng vừa là điểm lắng cho dòng kí ức của tác giả. Từ mùi khói bếp lửa, tác giả nhớ về những kỉ niệm, cảnh vật xa xưa và vì thế, tình yêu thương, lòng biết ơn đối với mẹ lại càng dạt dào, da diết hơn.
Thể thơ tự do kết hợp với ngôn ngữ cô đọng, hàm súc; hình ảnh thơ gần gũi, giản dị, giọng thơ nhẹ nhàng, da diết, nhịp thơ ngắt quãng sáng tạo... đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của bài thơ. Bài thơ “Củi lửa” đã thể hiện sâu sắc thái độ trân trọng, hoài niệm của tác giả đối với quá khứ, từ đó để lại nhiều suy nghĩ, xúc động cho bạn đọc về tuổi thơ mỗi người.

admin
2/1/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question