Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến sau: “Có một gương mặt đẹp soi vào gương quả là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc càng trọn vẹn hơn nếu có tâm hồn đẹp để mỗi khi soi vào gương lương tâm sâu thẳm mà lòng không hổ thẹn.”

(Băng Sơn, U tôi – Theo sách Ngữ văn 7, Tập I, NXB Giáo dục 2012, tr.85)

Gợi ý

1. Nêu vấn đề cần nghị luận

2. Giải thích

– Hạnh phúc: Cảm giác vui vẻ, sung sướng, thỏa mãn về mặt tinh thần khi con người đạt được một nhu cầu nào đó trong cuộc sống.

– Gương mặt đẹp: Vẻ đẹp của hình thức bên ngoài.

– Tâm hồn đẹp: Vẻ đẹp ở bên trong con người, được tạo nên bởi sự hiểu biết và tình cảm. Người được coi là có tâm hồn đẹp khi người ấy có hiểu biết sâu sắc, phong phú, có đời sống tình cảm đậm đà, có lòng nhân ái, có khả năng rung động trước mọi vấn đề của đời sống và cách sống đầy đặn…

– Gương lương tâm: Khả năng tự đánh giá, điều chỉnh hành vi xuất phát từ sự hiểu biết và ý thức đạo đức ở con người.

Khái quát chung: Niềm vui khi có một gương mặt đẹp không bền vững, sâu sắc như khi có một tâm hồn đẹp. Hay việc sở hữu một tâm hồn đẹp luôn đem lại cho con người sự thanh thản và tự tin trong cuộc sống.

3. Lý giải

3.1. Có gương mặt đẹp là niềm hạnh phúc vì:

+ Gương mặt đẹp là sự ưu ái của tạo hóa, nó cũng là một giá trị mà một người may mắn được sở hữu.

+ Có gương mặt đẹp, người ta dễ nhận được cảm tình từ phía người khác, bước đầu giành ưu thế so với những người kém đẹp hơn.

+ Có gương mặt đẹp, con người có được sự tự tin khi đối diện với người khác, cũng có được niềm vui từ thái độ ngưỡng mộ mà mọi người dành cho mình.

3.2. Có tâm hồn đẹp thì sẽ không phải hổ thẹn với lương tâm của mình vì:

+ Có tâm hồn đẹp, con người mới cảm nhận trọn vẹn cái đẹp của cuộc sống, con người, đất trời xung quanh mình – những vẻ đẹp mà khi cảm nhận được, ta sẽ có được niềm vui, niềm hạnh phúc, sẽ là sự nâng đỡ cho tâm hồn ta lúc yếu đuối, mệt mỏi, để ta kiên định hơn khi sống giữa đời còn nhiều bề bộn, nhọc nhằn.

+ Có tâm hồn đẹp, con người mới có thể lựa chọn và ứng xử hợp lẽ, phải đạo, biết hướng tới những giá trị đích thực trong cuộc sống, biết tránh xa những thứ hào nhoáng, phù hoa để không mắc phải những sai lầm đáng tiếc.

+ Có tâm hồn đẹp, ta mới có khả năng, có ý thức tạo ra những giá trị sống đích thực, tốt đẹp. Cuộc sống của ta vì thế không bị lãng phí. Bản thân ta cũng có niềm tự hào chính đáng và bền vững từ những giá trị mà ta vun đắp trong quá trình sống của bản thân.

3.3. Để có một tâm hồn đẹp, con người cần:

+ Được giáo dục để trở nên có hiểu biết, có nguyên tắc sống, nguyên tắc ứng xử hợp chuẩn mực của xã hội; để biết phân biệt tốt – xấu, đúng – sai, phải – trái, hay – dở…

+ Luôn có ý thức về bản thân để tự vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn. Sống chậm, thưởng thức, hưởng thụ các giá trị tinh thần, giao cảm với người, với đời… cũng là cách làm đầy tâm hồn mình.

4. Bàn luận, mở rộng vấn đề:

– Gương mặt đẹp là một ưu thế. Trong xã hội hiện đại, nếu chưa có vẻ đẹp thiên phú thì vẫn có nhiều cách để khiến gương mặt mình trở nên hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, không nên chạy theo cái đẹp hình thức để rồi lãng quên việc bồi đắp tâm hồn.

– Không nhiều người may mắn có được vẻ đẹp của cả gương mặt và tâm hồn, song cần nhớ rằng vẻ đẹp của gương mặt có thể được tạo nên từ sự can thiệp thẩm mĩ, nhưng cũng còn được tạo nên từ sự tỏa sáng của nội tâm. Một tâm hồn đẹp sẽ ánh lên trên gương mặt thứ ánh sáng mà không mĩ phẩm nào có thể sánh được.

5. Kết thúc vấn đề:

Cần có ý thức về giá trị của vẻ đẹp ngoại hình và nội tâm.

Hướng tới sự phát triển hài hòa và hoàn thiện.

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *