Nghị luận phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa

Cuộc sống không chỉ là những gam màu tươi sáng mà đằng sau đó còn là những khoảng mây đen xám xịt, có chăng màu sắc của đám mây đó mang tên “Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa” của Lưu Quang Vũ. Hãy cùng khám phá nét đặc sắc trong tâm trang nhân vật trữ tình qua bài thơ trên.


Dàn ý phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả: tên tuổi, vị trí văn học,…

- Nêu vấn đề cần nghị luận (Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa của Lưu Quang Vũ.)

Thân bài:

- Khái quát tâm trạng nhân vật trữ tình: Nỗi khắc khoải, ám ảnh khôn nguôi về đời sống và thân phận con người.

- Cơn mưa gần như trải dài suốt bài thơ. Nhà thơ mượn hình ảnh “mưa” cho thấy sự đổi thay của lòng người

- “Anh chỉ sợ trời mưa’’ sự lo lắng, lo mưa sẽ xóa nhòa tất cả

- “Xoá nhoà hết những điều em hứa”, “Xoá cả dấu chân em về buổi ấy”, “Gối phai nhạt mùi hương…” mượn “mưa” cho thấy những bấp bênh của lòng người. Nỗi lo ngày càng tăng dần, sợ mưa sẽ xóa nhòa tất cả.

- “Cơn mưa rào nối trận mưa ngâu” sự bất thường của thời tiết hay chính những đổi thay của cuộc đời. Nỗi lo âu về cuộc sống, tình yêu…

- “Mây đen”, “trời không xanh”, “nắng không trong”, “lá khô tan tác bay”, “mưa cướp đi ánh sáng của ngày”,….Sự phấp phỏng, lo âu ngày càng tăng tiến, khôn nguôi trong lòng tác giả.

- “Hạnh phúc con người mong manh mưa sa” lo lắng cho hạnh phúc của con người

- Nhà thơ khẳng định chỉ có lòng người đổi thay, còn về phần mình không bao giờ quên “Riêng lòng anh, anh không quên đâu”

-Lặp lại câu “Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa” ở khổ cuối: nỗi sợ cang được nhấn mạnh thêm, nhà thơ lo lắng, sợ hãi

-“ Áo em ướt để anh buồn khóc mãi” giọt nước mắt, nỗi buồn trĩu nặng cùng sự bất lực khi không thể che chở cho người mình yêu

- Câu hỏi không có câu trả lời “Ngày mai chúng mình ra sao em ơi”: xoáy saau vào nỗi buồn khôn nguôi, đây dường như là nỗi sợ của nhân vật trữ tình

Nội dung:

Bài thơ là nỗi khắc khoải, lo âu về đời sống, về hạnh phúc, về thân phận con người
Nghệ thuật: Với lời thơ giản dị, giàu cảm xúc, ngôn từ gần gũi, cách hình ảnh thiên nhiên chân thực, cùng với các biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt

Kết bài:

Khẳng định lại tâm trạng nhân vật chữ tình

Nghị luận phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa

Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa

Nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận thấy Lưu Quang Vũ thực sự là “một cây bút trẻ nhiều triển vọng”. Lưu Quang Vũ không chỉ là nhà viết kịch nổi tiếng mà còn là nhà thơ tài hoa xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Thơ Lưu Quang Vũ thường chất chứa nhiều cảm xúc và đầy trăn trở, ưu tư….Bài thơ “anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa” rút trong tập “Bầy ong trong đêm sâu” năm 1993 là một trong những bài thơ xuất sắc của ông. Bài thơ là nỗi lo lắng, ám ảnh về thân phận con người và vì cuộc đời. Bài thơ là tiếng lòng của nhân vật trữ tình, là nỗi khắc khoải, buồn lo về những dự cảm của một tương lai đầy bất trắc, trước những thử thách của cuộc đời:

“Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Xoá nhoà hết những điều em hứa
Mây đen tới trời chẳng còn xanh nữa
Nắng không trong như nắng buổi ban đầu.

Cơn mưa rào nối trận mưa ngâu
Xoá cả dấu chân em về buổi ấy
Gối phai nhạt mùi hương bối rối
Lá trên cành khô tan tác bay

Mưa cướp đi ánh sáng của ngày
Đường chập choạng trăm mối lo khó gỡ
Thức chẳng yên dở dang giấc ngủ
Hạnh phúc con người mong manh mưa sa

Bản nhạc ngày xưa, khúc hát ngày xưa
Tuổi thơ ta là nơi hiền hậu nhất
Dẫu đường đời lắm đổi thay mệt nhọc
Tựa đầu ta nghe tiếng hát ru nhau

Riêng lòng anh, anh không quên đâu
Chỉ sợ trời mưa đổi mùa theo gió
Cây lá với người kia thay đổi cả
Em không còn màu mắt xưa

Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Thương vườn cũ gẫy cành và rụng trái
Áo em ướt để anh buồn khóc mãi
Ngày mai chúng mình ra sao em ơi.”

“Mưa… hạt mưa rơi cuốn trôi bao kỉ niệm dĩ vãng”. Có thể nói hình ảnh “mưa” là một biểu tượng gần như xuyên suốt cả bài thơ. Cơn mưa là sự thử thách của lòng người trước những tác động của ngoại cảnh. Mưa là hiện tượng thông thường của thời tiết, là điều hiển nhiên luôn xảy ra trong cuộc sống, vậy mưa có gì mà nhà thơ phải lo lắng, phải sợ hãi? Mưa là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của các nhà thơ nhà văn. Nhắc đến mưa là nhắc tới những nỗi buồn không tên, nhắc tới sự trống trải, lạc lõng trong lòng. Phải chăng ở đây Lưu Quang Vũ mượn hình ảnh “mưa” để cho thấy sự đổi thay của lòng người. “Anh chỉ sợ trời mưa” mưa chưa tới, nhưng tác giả đã lo lắng, lo mưa sẽ xóa nhòa đi tất cả, xoá đi bao kỉ niệm gắn bó. “Xoá nhoà hết những điều em hứa”, “Xoá cả dấu chân em về buổi ấy”, “Gối phai nhạt mùi hương…” Nỗi lo trong lòng nhân vật trữ tình ngày một tăng lên ấy là khi nhà thơ sợ mưa sẽ xóa đi tất cả sợ nhất là “em không còn màu mắt xưa”. Sợ lòng người mình thương sẽ quên đi bao kỉ niệm đẹp, sẽ xóa nhòa những ký ức ấy theo thời gian. Phải chăng nhà thơ lo quá xa không? Đứng trước những đổi thay của cuộc đời. Một người giàu ưu tư, nhạy cảm trước những đổi thay thì nỗi lo trên là điều dễ hiểu, dễ cảm thông. Chưa hết “cơn mưa rào nối trận mưa ngâu” Hết mưa to rồi lại đến mưa kéo dài, đây là những thay đổi thất thường của thời tiết hay đây chính là những đổi thay của năm tháng cuộc đời, đã gieo vào trong lòng tác giả một nỗi lo về cuộc sống về hạnh phúc và cả về tình yêu. Đối với một nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế như Lưu Quang Vũ mới có thể mường tượng được những trớ trêu đến từ cơn mưa “Mây đen”, “trời không xanh”, “nắng không trong”, “lá khô tan tác bay”, “mưa cướp đi ánh sáng của ngày”,…Những hình ảnh trên dự báo một điều chẳng lành hay một cơn bão sắp ập tới. Đó cũng chính là những phấp phỏng, lo âu không bao giờ dứt trong lòng nhà thơ. Nhất là khi nhân vật trữ tình đã nhận thấy hạnh phúc con người mong manh mưa sa.

Tính từ “mong manh” như gợi tả sự yếu ớt, dễ vỡ của hạnh phúc con người. Bao nhiêu nỗi lo âu trăn trở mà cơn mưa ấy chỉ là lý do để nhà thơ gửi gắm nỗi lòng mình, nỗi lo lắng trước những đổi thay. Nhà thơ đã liên tưởng đến những tác động của ngoại cảnh phải chăng tác giả muốn gửi gắm tâm trạng bất an trước những đổi thay của cuộc sống và điều lo sợ nhất là lòng người liệu có đổi thay sau những cơn mưa gió của cuộc đời? Dù mưa có trôi đi tất cả kỷ niệm, dù lòng người có đổi thay thì tác giả vẫn giữ mãi một tấm lòng không đổi thay “Riêng lòng anh, anh không quên đâu”. Nhà thơ không quên từng bản nhạc, khúc hát ngày xưa, không quên cả những kỷ niệm tuổi thơ. “Dẫu đường đời lắm đổi thay mệt nhọc/Tựa đầu ta nghe tiếng hát ru nhau” Dù cuộc đời có vất vả, mệt nhọc thì những kỷ niệm khó quên ấy sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí nhà thơ. Câu thơ “anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa” được lặp lại một lần nữa ở khổ thơ cuối. Tiếng lòng nhân vật trữ tình như càng được nhấn mạnh thêm, càng lo lắng, càng sợ hãi trước những cơn mưa, trước những thay đổi. Trời thì chưa mưa, cơn mưa chưa tới, nhưng nhà thơ đã cảm nhận được những hậu quả của cơn mưa đối với con người và cuộc đời. Nhà thơ biết sợ, biết chủ động trước những bất trắc có thể xảy ra. “Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa” là một ẩn dụ về nỗi khắc khoải khuôn nguôi, về đời sống, về thân phận của con người và về hạnh phúc trong lòng tác giả. Mưa thường mang đến cho người đọc những cảm nhận về nỗi buồn cũng giống bài thơ “buồn đêm mưa” của Huy Cận:

“Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…”

“Buồn đêm mưa” là nỗi sầu của Huy Cận. Đó là nỗi buồn vô cớ, xuyên suốt không gian như một sự thẩm thấu ngấm ngầm theo nước mưa thấm vào lòng người. “Áo em ướt để anh buồn khóc mãi” giọt nước mắt cùng nỗi buồn trĩu nặng, sự bất lực khi không thể che chở cho người mình yêu. Lưu Quang Vũ đã kết thúc bài thơ bằng một câu hỏi không có câu trả lời “ngày mai chúng mình ra sao em ơi” Em, anh và cả chúng ta đều không thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra trước những cơn mưa gió của cuộc đời. Không ai có thể trả lời cho câu hỏi “ngày mai”, nhất là khi con người luôn phải đối diện trước những thử thách, những đổi thay. Câu hỏi trên như xoáy vào lòng người đọc một nỗi buồn khôn tả, đây không chỉ là nỗi sợ của Lưu Quang Vũ mà có thể là nỗi sợ của chúng ta chăng? Mưa như đại diện của giọt nước mắt, là sự hiện diện của nỗi buồn. Qua bài thơ trên nhân vật trữ tình muốn gửi lòng mình vào bài thương để cho thấy nỗi khắc khoải, lo âu về đời sống, về hạnh phúc và về thân phận của con người. Bằng việc sử dụng lời thơ giản dị giầu cảm xúc các hình ảnh về thiên nhiên rất chân thực cùng với các biện pháp tu từ được sử dụng một cách linh hoạt bài thơ đã chạm đến tim độc giả. Lưu Quang Vũ đã mang nỗi lòng mình gửi chọn vào trong bài thơ, khiến cho bài thơ mang một nỗi buồn man mác, khiến cho người đọc cũng cảm thấy lo lắng trước những đổi thay của cuộc đời.

“Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa” Là bài thứ hai được nhiều người yêu thích bởi nó chứa đựng nỗi ám ảnh về thân phận con người và cuộc đời. Mang đến cho đọc giả một nỗi buồn, sự lo lắng về tương lai.

Vũ Hồng Nhung
29/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question