Skip to content

Viết một bài văn nghị luận phân tích những đặc điểm về cách kể trong cách kể ở trích đoạn tác phẩm Nước mắt của Nam Cao

Post date:
Author:
Number of comments: no comments

Tác phẩm “Nước mắt” kể về sự gắt gỏng, bực dọc nhau của những con người khốn khổ, vì quá khổ mà cứ nghĩ vì người khác mình mới khổ. Hãy cùng đến với bài văn nghị luận phân tích những đặc điểm về cách kể trong cách kể ở trích đoạn tác phẩm Nước mắt của Nam Cao để hiểu thêm về cuộc cơ cực của người nông dân nghèo khổ, nhưng luôn mang trong mình sự lương thiện.

Dàn ý nghị luận phân tích những đặc điểm về cách kể trong cách kể ở trích đoạn tác phẩm Nước mắt của Nam Cao

1. Mở bài 

– Giới thiệu khái quát nhà văn Nam Cao

– Giới thiệu nội dung chính của tác phẩm Nước mắt

– Nêu vấn đề nghị luận: Đặc điểm về cách kể trong cách kể ở trích đoạn tác phẩm Nước mắt.

2. Thân bài

– Giới thiệu phong cách sáng tác của Nam Cao

– Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác tác phẩm Nước mắt

– Phân tích nhan đề “Nước mắt”

Khi con người ta quá đau khổ, họ không thể nghĩ đến ai khác hay bản chất tốt đẹp của họ, những điều ấy đều sẽ bị che giấu bởi những lo lắng và phiền muộn ích kỷ. Và giọt nước mắt chính là sự giải tỏa nỗi đau xót đến tột cùng của họ, giọt nước ấy đã cứu rỗi một phần phẩm chất tốt đẹp của một con người bị tha hóa. Bên cạnh đó khóc cũng chính là sự thức tỉnh trong nhận thức của họ.

– Tóm tắt tác phẩm

Tác phẩm “Nước mắt” xoay quanh nhân vật Điền – cái tên quen thuộc đối với độc giả yêu thích văn chương của Nam Cao. Câu chuyện kể về chuyến đi lên tỉnh nhận tiền lương của Điền, Điền đã phải nhịn ăn sáng, lếch thếch đi bộ độ hai mươi cây số để tiết kiệm tiền đi lên tỉnh. Nhưng sau cuộc đụng độ với người thư ký khiến tờ giấy bạc bay mất, lại còn cãi vã với vợ vì quên mua thuốc cho con đã khiến hắn suy sụp, “hắn thấy mình khổ quá, khổ như một con chó vậy”. Nhưng tiếng khóc thút thít của con đã thức tỉnh con người đang dần ích kỷ của hắn, hắn ngẫm lại vễ lẽ đời và thở dài ngao ngán. “Bây giờ trong lòng hắn chỉ còn lại sự xót thương. Hắn thương vợ, thương con, thương tất cả những người phải khổ đau”

– Phân tích đặc điểm về cách kể

+ Cách chọn chủ đề: Những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày, tưởng chừng như vặt vãnh, Nam Cao đã đặt ra những vấn đề xã hội có ý nghĩa to lớn

+ Đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật

+ Tài năng xây dựng đối thoại, độc thoại nội tâm chân thực, sinh động

+ Sự kết hợp khéo léo miêu tả tâm trạng cùng cảnh vật thiên nhiên đã góp phần khắc sâu tâm lí nhân vật

+ Ngôn ngữ, giọng điệu nhân vật biến hóa linh hoạt

-> Tác phẩm mang thông điệp ý nghĩa và khẳng định dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà văn Nam Cao luôn tin tưởng vào bản chất lương thiện của con người.

3. Kết bài

– Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm và tài năng của Nam Cao

– Nêu cảm nghĩ của bản thân

 

Viết một bài văn nghị luận phân tích những đặc điểm về cách kể trong cách kể ở trích đoạn tác phẩm Nước mắt của Nam Cao

Nhà văn Lê Định Kỵ đã từng nhận định về văn của Nam Cao rằng “Trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo, gân guốc, soi mói như của Nam Cao”. Nam Cao là một nhà văn lớn, cây bút xuất sắc của nền văn học hiện đại. Tác phẩm “Nước mắt” kể về sự gắt gỏng, bực dọc nhau của những con người khốn khổ, vì quá khổ mà cứ nghĩ vì người khác mình mới khổ. Qua đó, ta có thể nhìn thấy được tài năng và phong cách kể chuyện riêng biệt, độc đáo, hấp dẫn của nhà văn Nam Cao.

Nam Cao là cây bút hiện thực tài hoa của văn chương Việt Nam, viết về cái nghèo, mấy ai thấm thía bằng Nam Cao, bởi ông ở ngay trong nó mà viết. Truyện ngắn “Nước mắt” lấy cảm hứng từ câu nói của nhà văn, nhà thơ người Pháp Francisco Coppée “Người ta chỉ xấu xa hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ, và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ”.

Nước mắt là giọt nước sẽ tan đi, vơi đi sau khi đã làm chứng, biểu tượng của một nỗi đau. Giọt nước mắt là hình ảnh thường thấy trong các tác phẩm của Nam Cao như: Chí Phèo, Đời thừa, Trăng sáng,… những giọt nước mắt đắng cay, tủi nhục ấy đã góp phần làm nên bút pháp tài hoa của ngòi bút sắc sảo của văn học hiện thực phê phán. Từ biểu tượng đó nhà văn đã viết nên một tác phẩm mang tên “Nước mắt”. Với Nam Cao, giọt nước mắt mang hai tầng ý nghĩa sâu sắc: là hiện thân của nỗi thống khổ, bất hạnh của các tầng lớp nghèo khổ, bên cạnh đó, còn là hiện thân cho vẻ đẹp của nhân tính, hiện thân của tính người. Ở tác phẩm “Nước mắt”, khi con người ta quá đau khổ, họ không thể nghĩ đến ai khác hay bản chất tốt đẹp của họ, những điều ấy đều sẽ bị che giấu bởi những lo lắng và phiền muộn ích kỷ. Và giọt nước mắt chính là sự giải tỏa nỗi đau xót đến tột cùng của họ, giọt nước ấy đã cứu rỗi một phần phẩm chất tốt đẹp của một con người bị tha hóa. Bên cạnh đó khóc cũng chính là sự thức tỉnh trong nhận thức của họ. Nhà văn Nam Cao đã nhìn nhận nhân vật ở nhiều góc cạnh và tìm ra bản chất sâu thẳm con người.

Tác phẩm “Nước mắt” xoay quanh nhân vật Điền – cái tên quen thuộc đối với độc giả yêu thích văn chương của Nam Cao. Câu chuyện kể về chuyến đi lên tỉnh nhận tiền lương của Điền, Điền đã phải nhịn ăn sáng, lếch thếch đi bộ độ hai mươi cây số để tiết kiệm tiền đi lên tỉnh. Nhưng sau cuộc đụng độ với người thư ký khiến tờ giấy bạc bay mất, lại còn cãi vã với vợ vì quên mua thuốc cho con đã khiến hắn suy sụp, “hắn thấy mình khổ quá, khổ như một con chó vậy”. Nhưng tiếng khóc thút thít của con đã thức tỉnh con người đang dần ích kỷ của hắn, hắn ngẫm lại vễ lẽ đời và thở dài ngao ngán. “Bây giờ trong lòng hắn chỉ còn lại sự xót thương. Hắn thương vợ, thương con, thương tất cả những người phải khổ đau”. Câu chuyện mang đến một thông điệp vô cùng sâu sắc và ý nghĩa rằng đừng vì khổ quá mà cứ tưởng vì người kìa mà khổ, ai cũng khổ cả, tại không không an ủi nhau mà sống mà lại dày vò nhau. Hãy luôn yêu thương nhau, đừng vì khổ quá mà tàn nhẫn.

Qua câu chuyện kể về những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày, tưởng chừng như vặt vãnh, nhưng qua ngòi bút kể chuyện tinh tế, tài hoa của Nam Cao, ta có thể dễ dàng hình dung ý nghĩa đằng sau câu chuyện đời thường ấy. Nam Cao đã đặt ra những vấn đề xã hội có ý nghĩa to lớn, thể hiện triết lí sâu sắc về con người, cuộc sống và nghệ thuật.

Với Nam Cao, những hoạt động bên trong con người như là tiền đề của các hoạt động bên ngoài. Vì vậy ông có khuynh hướng đi sâu vào nội tâm, thế giới tinh thần của nhân vật. Tâm lí nhân vật là đối tượng chính của Nam Cao, ông luôn sắc sảo trong việc phân tích và diễn tả những trạng thái cảm xúc, tâm lí phức tạp của nhân vật. Trong tác phẩm nhà văn đã tinh tế miêu tả những sự thay đổi nhanh chóng trong cảm xúc của nhân vật như: trạng thái bực dọc, cáu kỉnh vì nghe lời càm ràm của vợ và phải tốn rất nhiều tiền để mua thuốc cho con. Hay sau khi nghĩ lại vì vợ thương con nên mới như vậy. Sau đấy, vì mất tiền và áp lực từ nhiều phía như thuốc của cái Hường, căn bệnh tim của mình, gia đình ngập đầu trong nợ nần,… mà hắn đã bực dọc, nổi điên lên và phẫn nộ với gia đình.

Do am hiểu sâu sắc về tâm lí nhân vật, nên Nam Cao đã xây dựng được những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm rất chân thật sinh động. Khi nổi giận với gia đình mình, ông cảm thấy “hả dạ” vì đã quát vợ con, nhưng tiếng khóc của cái Hường đã thức tỉnh nhận thức của hắn, dần xóa tan tâm lí ích kỷ đang trỗi dậy trong con người hắn. Hắn suy ngẫm và nhận thức về những việc đã qua, hắn nhớ lại hình ảnh bé nhỏ của con gái, với cái mặt đầy mụn sưng lên và cái miệng mếu của con, hay những lúc vợ vì quá áp lực và lo lắng cho con mà đã quát con. Vậy thì vợ hắn gắt lên lúc này cũng là chuyện thường thôi, vậy mà hắn lại gắt lại với vợ con… Hình ảnh và suy nghĩ ấy cho thấy được sự hối hận trong con người của Điền. Hắn nhận thức được vì tình yêu thương và áp lực mà mọi người mới dần cáu kỉnh với nhau như vậy.

Hắn còn nhớ lại và thấy thương cho ông ký nhà dây thép, bùi ngùi ông ký vì đã gây sự với hắn sáng hôm nay vì ngày nào ông cũng phải chịu buồn bực, áp lực từ nhiều phía. Hay ông phán láng giếng nhà, chiều nào cũng tận đến lúc lên đèn mới về được đến nhà. Tất cả “chỉ vì người nào cũng khổ cả, và người nọ cứ tưởng vì người kia mà khổ”. Ai cũng khổ cả nhưng lại không an ủi nhau mà sống mà lại dày vò nhau.

Sau tất cả, chỉ còn lại sự thương xót, hắn thương vợ, thương con, thương tất cả những người phải khổ đau. Qua tài năng, sự kết hợp khéo léo miêu tả tâm trạng cùng cảnh vật thiên nhiên đã góp phần khắc sâu tâm lí nhân vật Điền. Ngôn ngữ, giọng điệu nhân vật cũng góp phần tạo nên thành công của tác phẩm, mỗi phân đoạn trọng truyện lại biến hóa một giọng điệu khác nhau như giọng điệu khi tức giận, hay giọng điệu xót thương con và vợ,… đã tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn của tác phẩm. Bên cạnh đó, tài năng trong việc chọn chủ đề cũng là một điểm sáng trong tác phẩm, mang đến thông điệp ý nghĩa và sâu sắc. Từ những chuyện vụn vặt, lại thành những chuyện đáng suy ngẫm. Qua đó, có thể thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà văn Nam Cao luôn tin tưởng vào bản chất lương thiện của con người.

Tác phẩm “Nước mắt” của nhà văn Nam Cao là một tác phẩm hay và mang nhiều triết lí nhân sinh sâu sắc. Nam Cao mãi là ngôi sao lớn tỏa sáng trong nền văn học Việt Nam. Qua mỗi câu chuyện, tác phẩm của ông, người đọc càng hiểu thêm về cuộc sống đói khổ, cơ cực của những người nông dân nghèo khổ, nhưng họ vẫn luôn mang trong mình sự lương thiện dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Để từ đó, ta có thể cảm nhận những góc nhìn mới hơn, học cách đối nhân xử thế đối với mọi người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *