Suy nghĩ của em về bài học sâu sắc được rút ra từ Câu chuyện ốc sên
Câu chuyện Ốc sên
Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ:
– Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được!
– Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh – Ốc sên mẹ nói.
– Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?
– Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy.
– Nhưng em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hóa được, tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?
– Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy.
Ốc sên con bật khóc, nói:
– Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng không che chở chúng ta.
– Vì vậy chúng ta có cái bình – Ốc sên mẹ an ủi con. Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta dựa vào chính bản thân chúng ta.
(Theo: Quà tặng cuộc sống, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh)
Gợi ý
1. Yêu cầu kỹ năng:
– Biết cách viết bài văn nghị luận xã hội.
– Bài viết có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục.
– Văn viết mạch lạc, sáng tạo, lời văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
a. Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề…
– Nêu được vấn đề nghị luận: trân trọng những gì mình có, không than vãn số phận; tự lập, biết dựa vào chính mình để nỗ lực trong cuộc sống…
b. Thân bài
*. Tóm tắt và nêu ý nghĩa câu chuyện:
– Câu chuyện kể về cuộc trò chuyện của hai mẹ con Ốc sên. Ốc sên con luôn than vãn mình kém may mắn phải mang cái bình nặng, còn giun đất và sâu róm luôn được chở che, may mắn….
– Câu chuyện sâu sắc nhắn nhủ bài học: hãy trân trọng những gì mình có, không than vãn số phận; tự lập biết dựa vào chính mình để nỗ lực trong cuộc sống…
*. Bàn luận vấn đề
– LĐ1: Vì sao mỗi người cần biết trân trọng những gì mình có, không nên than vãn số phận?
+ Khi biết trân trọng giá trị bản thân sẽ giúp chúng ta nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, để có hướng khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh, hoàn thiện bản thân…
+ Biết trân trọng những gì mình có, không than vãn số phận giúp con người sống tự tin, lạc quan, yêu đời, biết sống hòa đồng với mọi người…
– LĐ2: Vì sao mỗi người cần sống tự lập, biết dựa chính mình
+ Vì khi biết dựa vào chính mình sẽ giúp ta tự tin vào năng lực của bản thân, vững vàng trước mọi tình huống của cuộc sống, đặc biệt giúp mỗi người bản lĩnh chinh phục thử thách đạt được thành công…
+ Dựa vào chính mình giúp bồi đắp thêm nhiều phẩm chất quý: dũng cảm, trách nhiệm, tự chủ,… -> giúp con người trưởng thành khẳng định giá trị bản thân….
+ Người biết sống tự lập, dựa vào chính mình sẽ luôn được mọi người quý trọng, gắn kết các mối quan hệ trở nên bền chặt. Từ đó góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển, vững mạnh…
– HS lấy dẫn chứng phù hợp làm sáng tỏ vấn đề nghị luận…
*. Phê phán mở rộng
– Phê phán những người sống dựa dẫm, phụ thuộc vào hoàn cảnh, không nỗ lực, phấn đấu, sống bi quan…
– Sống tự lập dựa vào sức mình, tuy nhiên trong cuộc sống cần biết hợp tác, đoàn kết tương trợ với mọi người…
*. Bài học nhận thức và hành động
– Dựa vào chính mình để sống tích cực vượt qua mọi khó khăn, để sáng tạo và phát triển…
– Không ngừng trau dồi kiến thức, kĩ năng để hoàn thiện bản thân…
– Đấu tranh với biểu hiện của lối sống dựa dẫm, phụ thuộc, thiếu tự tin…
c. Kết bài
– Khẳng định, khái quát lại vấn đề.
– Liên hệ bản thân.