Phân tích Nhớ Mẹ năm lụt của Huy Cận

Những năm tháng chạy lụt trên căn nhà nhỏ tồi tàn luôn là những kỷ niệm khó phai với nhà thơ Huy Cận. Hãy cùng Phân tích Nhớ Mẹ năm lụt của Huy Cận để cảm nhận được cuộc sống khốn khó mà nhà thơ đã trải qua nhé.


Dàn ý phân tích Nhớ Mẹ năm lụt của Huy Cận

1, Mở bài.

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác.

- Khái quát giá trị nghệ thuật và nội dung của bài thơ.

2, Thân bài.

- Phân tích chủ đề, nội dung của bài thơ: những năm tháng chạy lụt khốn khó luôn có mẹ bên cạnh.

- Căn nhà tuềnh toàng, rách bươm vì nghèo lại phải oằn lưng lên vì mưa bão.

- Hai mẹ con chạy lụt trong tình thế cấp bách: nước dâng lên tận cổ, mẹ lo lắng cho tính mạng của con.

- Mẹ sẵn sàng hy sinh để con được sống.

- Tình yêu thương bao la của mẹ.

- Thể thơ 7 chữ, hình ảnh chân thật, đặc tả, ngắt nhịp phù hợp với mạch tâm trạng, thủ pháp đối lập, tương phản.

3, Kết bài.

- Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Liên hệ, mở rộng.


Phân tích Nhớ Mẹ năm lụt của Huy Cận

Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo. Bén duyên với văn học nghệ thuật từ sớm, ông nhanh chóng trở thành một trong những cây bút chủ lực của thơ ca Việt Nam giai đoạn trước và sau cách mạng. Nhắc đến thơ Huy Cận ngoài những bài thơ nổi tiếng như Tràng Giang, Đoàn thuyền đánh cá thì Nhớ mẹ năm lụt cũng là một thi phẩm xuất sắc.

Bài thơ lấy cảm hứng từ những năm lụt. Đó là những ký ức khó phai trong tâm hồn nhà thơ. Theo dòng hồi tưởng, nhà thơ kể về những năm tháng chạy lụt không thể nào quên. Trên căn nhà nhỏ chênh vênh, rách bươm vì đói nghèo, hai mẹ con đã chống đỡ với lũ lụt, vượt qua cái chết trong gang tấc. Lúc ấy mới thấy tình mẹ cao cả và thiêng liêng đến thế nào. Mẹ đã kiên cường giữ nhà, giữ tính mạng cho con, mẹ sẵn sàng hy sinh để con được sống. Người mẹ hiện lên trong ký ức giống như một điểm sáng, đầy tự hào và kiêu hãnh trong tâm hồn của tác giả.

Phân tích Nhớ Mẹ năm lụt của Huy Cận

Năm ấy lụt to tận mái nhà

Mẹ con lên chạn - Bố đi xa

Bốn bề nước réo, nghe ghê lạnh

Tay mẹ trùm con, tựa mẹ gà.

Bốn câu thơ đầu tiên đã mở ra hoàn cảnh éo le của hai mẹ con. Bố đi công tác xa không có nhà, lại đúng năm nước lũ dâng cao đến tận mái nhà. Chỉ có hai mẹ con trong tình thế hiểm nghèo ấy. Hai mẹ con tạm lánh trên chạn cao, để phòng nước lũ ngập. Mà ôi thôi bốn bề là nước, nước réo điên cuồng nghe ghê lạnh cả người. Mẹ ôm trùm lấy con để sưởi ấm khiến tác giả cảm nhận giống như gà mái đang bao bọc lấy đàn gà con. Dẫu tay ôm lấy con nhưng bốn bề là nước lũ, hơi lạnh toả ra đến ghê người lòng mẹ như lửa đốt. Mẹ hoảng sợ nghĩ đến cảnh:

Mẹ cắn bầm môi cho khỏi khóc

Thương con lúc ấy biết gì hơn ?

Nước mà cao nữa không bè thúng

Nếu chết trời ơi! Ôm lấy con.

Lũ lụt dâng nhanh, làm sao có thể biết trước được có điều gì bất trắc xảy đến hay không? Nước mắt mẹ trào ra nhưng không dám khóc thành tiếng, chỉ sợ con nghe được sẽ thêm hoảng loạn. Những lúc này mẹ tự thấy phải kiên cường hơn nữa để làm chỗ dựa cho con. Mẹ thương con nhưng không biết làm thế nào, đời mẹ đã cơ cực, đến đời con vẫn chưa hết khổ. Nhìn bốn bề là nước lũ ngày càng dâng cao mẹ lo sợ đến tột độ “Nếu chết trời ơi! Ôm lấy con”. Những câu thơ giống như tiếng kêu thảm thiết của mẹ vì thương con, vì lo cho con. Nhà thơ như đang sống lại với những ký ức đau thương ấy, người đọc cũng đồng cảm, xót xa với hoàn cảnh của hai mẹ con.

Gọi với láng giềng, lời mẹ dặn

"Xẩy chi cứu giúp lấy con tôi!"

Tiếng dờn giữa nước mênh mông trắng

Đáp lại từ xa một tiếng "ời”

Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc ấy, thứ mẹ lo lắng nhất và luôn ưu tiên hàng đầu ấy là con. Vì thế mẹ gọi hàng xóm, dặn họ cứu lấy con, dẫu mẹ có chìm xuống, chết đi thì mẹ vẫn cố gắng bảo vệ con, vì sự an toàn của con. Sự hy sinh của mẹ thật đáng quý, điều đó chứng tỏ mẹ luôn yêu thương con hơn cả mạng sống của mình.

Nước, nước... lạnh tê như số phận

Lắt lay còn ngọn mấy hàng cau

Nhưng mà mẹ thức ngồi canh chạn

Mắt mẹ trừng sâu hơn nước sâu.

Có thể nói đây là khổ thơ hay nhất trong bài thơ này, khổ thơ đã sử dụng phép tương phản, đối lập. Một bên là nước lũ dâng cao, nước lạnh đến ghê người với một bên là hình ảnh người mẹ thức suốt đêm để trông nước lũ. Phòng khi có bất trắc, sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu lấy con. Hình ảnh “Mắt mẹ trừng sâu hơn nước sâu” đã khắc hoạ hình ảnh người mẹ tuyệt đẹp trong ký ức của con.

Ký ức về người mẹ năm lụt đã hiện lên thật xúc động khiến bao người rưng rưng nước mắt. Bằng cách sử dụng thể thơ 7 chữ, hình ảnh chân thật, phép đối, bài thơ đã tái hiện những năm tháng vất vả chạy lụt của nhà thơ. Qua đó giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương vô hạn của mẹ dành cho các con. Mẹ có thể hy sinh tất cả, tình mẹ thật bao la, vì thế chúng ta hãy luôn trân trọng, biết ơn mẹ.

Vũ Hồng Nhung
27/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question