Mùa xuân là mùa của sự khởi đầu, mùa của tình yêu, của những gì đẹp đẽ và tươi mới nhất của cảnh vật cũng như lòng người. Và để miêu tả màu sắc tươi mới của mùa xuân, tác giả Thanh Hải đã viết nên bài Mùa xuân nho nhỏ với giọng điệu tự hào, thiết tha để vẽ lên một bức tranh thiên nhiên đầy nghệ thuật.
Dàn ý Phân tích Mùa xuân nho nhỏ ngắn gọn
1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm
2. Thân bài
– 4 câu thơ đầu: Ước nguyện hoà nhập vào mùa xuân của đất trời
+ Hình ảnh gắn liền với cuộc sống: con chim, bông hoa
+ Điệp từ “ ta làm”: sự tự nguyện
+ Hình ảnh ẩn dụ “ nốt trầm”
– 4 câu thơ tiếp theo: Ước nguyện hiến dâng hết mình
+ Giọng điệu: trầm lắng, sâu sắc hơn
+ 2 cụm từ đối lập chỉ sự khởi đầu và kết thúc: tuổi đôi mươi và khi tóc bạc
– Khái quát nội dung, nghệ thuật của bài thơ
3. Kết bài: Khẳng định lại những khát vọng cao cả của nhà thơ Thanh Hải
Phân tích Mùa xuân nho nhỏ ngắn gọn
Khát khao được sống, khát khao được cống hiến hết mình, được hoà quyện vào tinh hoa của đất trời, những ước nguyện giản dị nhưng cao cả ấy đã được nhà thơ Thanh Hải bày tỏ một cách đầy ý nghĩa trong tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ”. Miêu tả nàng thơ “ Xuân” của mình với giọng điệu tự hào, thiết tha, tác giả đã thành công vẽ lên một bức tranh thiên nhiên đầy nghệ thuật.
Mùa xuân- mùa của sự khởi đầu, mùa của tình yêu, của những gì đẹp đẽ và tươi mới nhất. Trong thi ca Việt Nam từ thời cổ chí kim đến nay, mùa xuân là đề tài được nhắc đến rất nhiều, đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã từng viết:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Những hình ảnh đặc trưng của mùa xuân, cỏ non xanh ngát, những bông hoa lê trắng tô điểm cho bức tranh xuân thêm đầy màu sắc, gần xa người người nhà nhà nô nức đi trẩy hội. Trong không khí vui mừng hứng khởi ấy, con người cũng cảm thấy tràn đầy năng lượng, có một chút gì đó nôn nao, náo nức, sẵn sàng cho một bước chuyển mình mới với nhiều hi vọng.
Thanh Hải cũng không ngoại lệ, ông ưu ái gọi mùa xuân của mình bằng cái tên đáng yêu” nho nhỏ”, dù đã đi đến những bước đi cuối của đời người nhưng nhà thơ vẫn khiến cho người đọc rung động trước khát vọng cống hiến thiêng liêng của chính mình.
Bốn câu thơ dưới đây là ước nguyện được hoà nhập vào với đời, với thiên nhiên cuộc sống:
Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến
Tác giả nguyện làm chim, làm hoa, làm những thứ bình dị nhỏ bé nhưng chính là thứ tô điểm cho bức tranh xuân, nguyện ý mang niềm vui tới cho cuộc đời. Như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa nhỏ mang lại sắc hương, nhà thơ cũng muốn được cống hiến phần sức nhỏ bé của mình, hoà nhập vào những cái riêng khác để cùng nhau tạo nên một cuộc đời ý nghĩa và đáng sống. Khát khao hoà nhập cũng được Thanh Hải thể hiện bằng mong muốn được đóng góp vào bản giao hưởng chung của cuộc sống, bản hoà ca dịu dàng của đất trời. Lặng lẽ, âm thầm, sẵn sàng làm một nốt trầm đã cho thấy thái độ khiêm nhường, ý nghĩa cao cả của ông, không ồn ào, không phô trương, chỉ lặng lặng cống hiến. Tuổi già, tóc bạc cũng không làm giảm đi sự nhiệt huyết và da diết hiến dâng của con người ấy. Bài thơ như một bài ca rộn ràng vui tươi trong muôn vàn bản hoà ca thiêng liêng của đất nước.
Tâm niệm của ông không chỉ là hoà tan với đời mà còn là ước nguyện được cống hiến cho đến phút giây cuối cùng.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi đôi mươi
Dù là khi tóc bạc
Tác giả dịu dàng nhắc đến mùa xuân bằng giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắm, như trầm xuống khi thốt lên” một mùa xuân nho nhỏ”. Phải chăng mùa xuân làm ta liên tưởng tới cuộc đời của mỗi người, mỗi mùa xuân qua đi, đời người ngắn thêm một chút, nhưng điều đó càng làm thúc đẩy ý chí cống hiến hết mình hơn nữa của mỗi người. “Lặng lẽ” hiến dâng là sứ mệnh, là ước muốn cao cả của một con người yêu quê hương, yêu cuộc sống. Tuổi đôi mươi, khi tóc bạc, sinh lão bệnh tử là quy luật của cuộc đời. Ở mỗi độ tuổi, mỗi giai đoạn, chúng ta đều có cách sống, cách cống hiến khác nhau. Khi tràn đầy xuân sắc, ta cống hiến bằng tất cả sức lực, hi sinh hết mình, khi ở độ tuổi mà mái tóc đã ngả màu, con người ta lại chọn cách dâng hiến thầm lặng hơn. “Dù là” chính là một lời hứa, lời cam kết của tác giả, ở bất kì nơi đâu, bất kể là ai, tuổi già và bệnh tật cũng không thể ngăn được ước muốn hiến dâng cao cả của mình.
Thể thơ truyền thống gần gũi, bài thơ giàu tính nhạc, giọng điệu nhẹ nhàng thiết tha, những hình ảnh thiên nhiên giản dị giàu tính biểu tượng đã thể hiện tài năng xuất sắc của Thanh Hải, một ngôi sao sáng, sẵn sàng cầm súng, cầm bút để đấu tranh cho hoà bình của dân tộc.
Một Thanh Hải tài hoa, dùng ngòi bút của mình để đấu tranh, cống hiện trọn đời cho thơ ca và cách mạng Việt Nam. Cho đến khi cận kề cái chết, thì khát vọng ấy không hề bị dập tắt mà càng bùng lên dữ dội hơn, đó là sự bản lĩnh, cốt cách thanh tao của một người nghệ sĩ hết lòng với đời, với người.