Hướng dẫn Lập dàn ý và phân tích hình ảnh “vé đi tuổi thơ” chứa đựng nhiều tầng nghĩa trong Ở một nơi nào đấy xa xôi để thấy được giá trị của tuổi thơ như thế nào qua tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ.

Dàn ý phân tích hình ảnh “vé đi tuổi thơ” chứa đựng nhiều tầng nghĩa trong Ở một nơi nào đấy xa xôi

Mở bài: Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, hình ảnh “vé đi tuổi thơ”

Thân bài:
-Sơ lược về tác giả tác phẩm
-8 câu thơ đầu: hồi tưởng về nơi chứa đựng tuổi thơ của tác giả
+Những từ ngữ gợi về miền ký ức: xa xôi, ngày xưa, rất lâu, trôi qua
+Lặp câu “có thành phố”: sự trân trọng, thân thương khi nhắc đến quê hương
+Dấu ba chấm cuối đoạn: sự day dứt, lưu luyến
-11 câu thơ còn lại: trở về thực tại “vé đi tuổi thơ” trở thành niềm khát khao với tác giả
+ Sự cấp thiết, mong ngóng được trở về tuổi thơ: “bước vội”, “lần đầu tiên trong nghìn năm”
+2 trạng thái cảm xúc đối lập trong 2 nhân vật: một bên mong chờ một bên “hững hờ”
-Khái quát nội dung, nghệ thuật, những tầng nghĩa của “vé đi tuổi thơ”

Kết bài:
-Khái quát lại hình ảnh “vé đi tuổi thơ” cùng những cảm xúc của tác giả
-Liên hệ bản thân rút ra bài học qua tác phẩm

 

Phân tích hình ảnh “vé đi tuổi thơ” chứa đựng nhiều tầng nghĩa trong Ở một nơi nào đấy xa xôi

Văn học nghệ thuật luôn gắn liền với đời sống hiện thực đem lại những bài học, trải nghiệm quý giá cho độc giả. Đồng thời những tác phẩm ấy còn đem lại những cảm xúc, hồi ức thú vị có sức lay động đến trái tim của người yêu văn học. Tác phẩm “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh là một ví dụ điển hình. Tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu sắc cùng những hoài niệm trở về tuổi thơ tinh nghịch, trong sáng cùng với một chút tiếc nuối lưu luyến về một thời đã qua, cảm xúc ấy được thể hiện đặc biệt qua đoạn thơ: “Ở một nơi nào đấy xa xôi…hôm nay vé hết!”. Đoạn thơ do nhà thơ, nhà văn người Nga Robert Rojdesvensky sáng tác được Nguyễn Nhật Ánh đưa vào tác phẩm đã tạo nên một dấu ấn nổi trội.

Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn người Việt Nam, là một trong những nhà văn hiện đại xuất hiện nay, ông được biết đến thông qua nhiều tác phẩm về đề tài tuổi trẻ. Tác phẩm của ông được độc giả và giới chuyên môn khen ngợi và đánh giá cao, có nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim. Trong số tác phẩm ấy “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông. Nhân vật trong tác phẩm là hình ảnh 4 đứa trẻ qua lời kể của Mùi. Bên cạnh những trò nghịch ngợm, cái tuổi thơ hồn nhiên lại là những bài học quý giá, đáng suy ngẫm về cuộc sống.

Tuổi thơ là một giai đoạn đáng nhớ trong cuộc đời mỗi con người và với tác giả điều đó cũng không ngoại lệ. Ở nơi Mùi lớn lên, nơi ấy Mùi sinh ra, vui vẻ có, buồn bã có, hi vọng có, thất vọng có đó là một nơi rất ấm. Một nơi tuy xa xôi tuy đã “rất lâu”, tuy đã “trôi qua” nhưng khi nhớ về cảm xúc vẫn dâng trào. Có lẽ với Mùi tuổi thơ như một ánh sáng trong tim, một miền ký ức chẳng thể xóa nhòa dù đã qua bao năm tháng. Sự bồi hồi khi nhắc “có thành phố” đến  hai lần cho thấy nhà thơ là một người giàu cảm xúc, luôn trân trọng quê hương mình, nơi mình sinh ra, lớn lên. Tuy trân trọng, thân thương là thế nhưng dòng chảy thời gian chẳng ai cản bước nổi, tuổi thơ đáng nhớ ấy đã “trôi qua” đầy nuối tiếc cùng ba dấu chấm lưu luyến.

Cảm xúc day dứt lưu luyến khi nhớ về tuổi thơ đã kéo tác giả về thực tại, một thực tại chẳng còn ngây thơ, hồn nhiên vui tươi như thời ấy nữa. Có lẽ vì thế mà “vé đi tuổi thơ” đã trở thành một niềm khát khao với tác giả, một vé cho chuyến đi trở thành Mùi cùng những trò nghịch ngợm. Chiếc vé đi tuổi thơ là một cách nói hình ảnh thể hiện mong muốn được trở về sống với một tâm hồn vô tư, thoải mái như hồi nhỏ. Quay về tuổi thơ khiến chúng ta biết trân trọng những ký ức, suy nghĩ, tâm hồn ước mơ thời còn bé, giúp ta nhận ra những điều đã lỡ bỏ sót trên hành trình lớn lên. Chiếc vé tuổi thơ giúp con người ta cân bằng lại cảm xúc, tìm lại được nơi bình yên trong tâm hồn. Phải chăng tác giả đã quá khao khát và mong chờ đến nỗi “bước vội” ngay trong đêm đến ga xếp hàng. “Cho tôi một vé đi Tuổi Thơ”-một câu nói khiến người bán vé hững hờ. Chiếc vé ấy liệu có đoàn tàu phép màu nào chạy không?. Tuy có hai trạng thái cảm xúc xuất hiện nhưng đều để lại một cảm xúc chung khó tả: day dứt, bồi hồi và nhớ nhung.

Thể thơ tự do cùng với giọng điệu nhẹ nhàng, cách nói hồn nhiên mang đậm chất trẻ thơ khiến từng lời thơ len lỏi vào miền cảm xúc của độc giả. Tác phẩm sử dụng từ ngữ bình dị, gần gũi gắn liền với suy nghĩ và tính cách nhân vật là trẻ em nhưng vẫn mang lại rung động và khiến người đọc phải suy ngẫm sâu sắc đây quả thực là một nhà văn tài năng. Tài năng ấy còn thể hiện hình ảnh “vé đi tuổi thơ” theo nhiều tầng nghĩa, nhiều tầng cảm xúc được biểu hiện, chiêm nghiệm qua mỗi trải nghiệm của mỗi người. Đây là một chi tiết để lại dấu ấn sâu đậm nhất.

Thời gian là một chuỗi trải dài không hồi kết và một khi nó đã trôi thì không thể quay trở lại. Chính vì thế Nguyễn Nhật Ánh đã viết “tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai đã từng là trẻ em”.Khi đọc tác phẩm có lẽ chẳng ai không nhớ về tuổi thơ của mình- một thời huy hoàng đã qua. Hãy trân trọng những điều đã từng dù nó tròn vo hay méo mó nó đều mang lại cho ta nhiều bài học quý giá.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *