Phân tích hình ảnh cánh chim trong thơ ca cổ

Dưới mặt đất, khi những con người vẫn đang cói gắng lượm nhặt từng con chữ để ghép nên hai từ “hạnh phúc” thì Cánh chim trời đã chiêm nghiệm hết thảy những “buồn tủi ”, “đau khổ”, “ly biệt” và “sung sướng”. Để rồi những cánh chim ấy mang bao suy tư mà đi vào văn chương, đặc biệt phải kể đến cánh chim trong thơ cổ.

Phân tích hình ảnh cánh chim trong thơ ca cổ

Cánh chim - một hình ảnh quen thuộc mà không mấy xa lạ đối với mọi người nhưng khi qua lăng kính của những người nghệ sĩ, cánh chim ấy như có hồn, như đại diện cho những ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Đặc biệt, cánh chim trong thơ ca cổ còn mang trong mình bao chiêm nghiệm của thi sĩ về nhân sinh.

Trải dài suốt dòng chảy văn học Việt Nam, có biết bao nghệ sĩ đã mượn cánh chim để bộc lộ nỗi lòng của chính mình. Ta không còn quá xa lạ với hình ảnh cánh chim bay trên bầu trời cả trong thi ca cổ đến hiện đại. Mỗi loài chim lại đại diện cho một ý nghĩa khác nhau, ấy là chim én báo hiệu một khởi đầu thuận lợi, viên mãn còn cánh cò hay nhạn lại biểu tượng cho nỗi buồn cùng sự chia ly. Tuy nhiên, cũng tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, tuỳ thuộc vào tâm trạng và chiêm nghiệm của thi sĩ mà những cánh chim ấy sẽ mang những tầng ý nghĩa khác nhau. Để rồi, những cánh chim kia đi từ miền không gian qua lăng kính của thi nhân vào tứ thơ rồi lạc vào suy tư của độc giả.

Phân tích hình ảnh cánh chim trong thơ ca cổ

Trước hết, ta nhớ đến hình ảnh cánh chim trong những áng Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du:

“Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.”

Hiện lên trước mắt người đọc là những cánh én chao lượn trên bầu trời. Hơn nữa, chim én là loài chim của mùa xuân, thường hay ríu rít từng đàn. Vì thế nên hình ảnh “con én đưa thoi” là tín hiệu một mùa xuân mới đã tới trong sự chào đón của bao người. Hay còn có cách hiểu khác, cánh chim én “đưa thoi” như ám chỉ thời gian trôi qua mà không bao giờ trở lại. Tiếp đến, cánh chim bay trong thơ ca của nhà thơ Vương Bột thì kì đầu nhà Đường qua hai câu “thần cú”:

“Lạc hà dữ cô lộ tề phi

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

Cánh cò của Vương Bột như lặng lẽ bay tới ráng chiều, cánh cò đơn độc giữa bầu trời rộng lớn. Thử nghĩ mà xem, trên nền trời rộng lớn kia, cánh chim hòa mình trong nó sẽ bé nhỏ đến mức nào! Đọc câu thơ, độc giả như cảm nhận được sự cô đơn trong cánh cò!
Ta lại bắt gặp cánh chim trong thi phẩm Chiều tối (Mộ) trích Nhật kí trong tù củ Hồ Chí Minh. Ấy là lúc nhà thơ bị giải đi từ nhà lao này đến nhà lao khác theo đường núi rừng ở Quảng Tây của Trung Quốc:”Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ”. Đó là cánh chim bay về nơi tổ ấm, về với núi rừng sau ngày dài kiếm ăn. Hình ảnh như tượng trưng cho buổi chiều ta êm ả, gọi ra một khoảng không gian và thời gian. Cánh chim ấy cũng giống với con người, sau một ngày dài kiếm ăn, cánh chim đã mỏi chỉ nhanh bay về tổ ấm để nghỉ ngơi. Cánh chim “mỏi” giống như đang nói đến người cũng “mỏi”, người tù cách mạng ấy cũng đã mỏi mệt sau một ngày đường dài, chỉ mong tìm thấy một nơi dừng chân để nghỉ tạm. Cánh chim trong thơ Hồ Chí Minh phải chăng là cánh chim tìm về nơi tổ ấm sau một ngày kiếm ăn mệt nhoài, nhưng liệu cánh chim ấy có cô đơn không? Liệu có bạn đồng hành hành hay không? Đó tuỳ thuộc vào cảm nhận của độc giả sẽ đem đến câu trả lời!

Cánh chim bay khắp nẻo đường trời, cánh chim là đại diện cho tình yêu, đại diện cho sự tự do hay cánh chim còn là hiện thân của sự ly biệt qua hình ảnh cánh chim nhạn. Dường như, thi sĩ Quách Tấn đã từng nghe thấy tiếng kêu thê thiết mỗi dịp thu về của chim nhạn mà viết nên những áng thơ hay động lòng người đến thế:

“Dìu dặt tiếng ve còn vẳng đấy.

Vội vàng cánh nhạn rủ về đâu?”

Tiếng nhạn kêu báo hiệu mùa thu tới, ta tưởng như không gian mùa hè với những tiếng ve gắng gượng hát lên đoạn kết của bài ca mùa hè. Mùa thu đến, cánh nhạn tha thiết bay về phương Nam ấm áp để trú ngụ, để kiếm ăn. Có phải sự đặc biệt ấy mà Cánh nhạn vẫn được nhắc đến trong văn chương như thay cho lời ly biệt!

Có thể khẳng định, hình ảnh cánh chim trong thơ ca đến nay đã trở thành biểu tượng nghệ thuật lớn trên văn đàn văn học. Khám phá và hiểu rõ những tầng nghĩa biểu tượng của cánh chim chắc hẳn độc giả sẽ phần nào hiểu rõ hơn ẩn ý của tác giả gửi gắm trong đứa con tinh thần của chính mình. Cảm nhận của tôi khi đọc những vần thơ nhắc tới cánh chim ắt hẳn ý nghĩa của nó sẽ có mối quan hệ sâu sắc với đặc tính của từng loài. Từ đó ta sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn về dụng ý nghệ thuật của thi sĩ!

Những cánh chim đã bay lượn mòn mỏi khắp khung trời rộng lớn. Để rồi khi đôi cánh ấy đã mỏi, chúng chọn dừng chân lại trước lăng kính của người nghệ sĩ yêu văn chương, yêu cái đẹp, yêu sự mơ mộng! Những cánh chim ấy đã được đắm mình vào tình yêu ngọt ngào, bay lượn qua khung trời nơi cảm xúc mãnh liệt và có những cánh chim bay đi cùng lời từ biệt… Những cánh chim ấy vẫn như vậy, vẫn tự do tự tại bay lượn trên vùng trời của riêng chúng. Và cuối cùng, chúng hoà thành một nốt trầm hòa tấu trong bản nhạc văn chương!

Vũ Hồng Nhung
27/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question