Đề bài: Phân tích góc nhìn về “Đất nước” trong hai đoạn thơ “Cảm ơn Đất nước”, từ đó hãy bàn luận về dấu ấn riêng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.

CẢM ƠN ĐẤT NƯỚC

(Huỳnh Thanh Hồng)

Tôi chưa từng đi qua chiến tranh

Chưa thấy hết sự hy sinh của bao người ngã xuống

Thuở quê hương còn gồng gánh nỗi đau.

 

Tôi lớn lên từ rẫy mía, bờ ao

Thả cánh diều bay

Lội đồng hái bông súng trắng

Mẹ nuôi tôi dãi dầu mưa nắng

Lặn lội thân cò quãng vắng đồng xa.

 

Tôi lớn lên từ những khúc dân ca

Khoan nhặt tiếng đờn kìm

Ngân nga sáo trúc

Đêm Trung thu say sưa nghe bà kể

Chú Cuội một mình ngồi gốc cây đa.

 

Thời gian qua

Xin cám ơn đất nước

Bom đạn mấy mươi năm vẫn lúa reo, sóng hát

Còn vọng vang với những câu Kiều

Trong từng ngần ấy những thương yêu

Tiếng mẹ ru hời

Điệu hò thánh thót

Mang hình bóng quê hương tôi lớn thành người….

(Trích Cảm ơn Đất nước, In trong Bến quê, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2006)

Dàn ý Phân tích góc nhìn về “Đất nước” trong hai đoạn thơ “Cảm ơn Đất nước”

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ Cám ơn đất nước – Huỳnh Thanh Hồng

=> Đó là những trải nghiệm và ký ức của nhân vật trữ tình về cuộc sống thường ngày của người dân Việt, từ đó nêu bật những giá trị văn hóa và truyền thống đáng quý của hai chữ “Đất Nước”.

2. Thân bài

– Góc nhìn đầu tiên: Gợi nhắc về một đất nước với những nỗi đau và mất mát và những sự hi sinh thầm lặng.

+ “Thuở quê hương còn gồng gánh”

– Góc nhìn tiếp theo: Mọot quê hương bình dị với những điều gần gũi xung quanh

+ “Rẫy mía”, “bờ ao”, “thả cánh diều”, “lội đồng hái súng “…

+ Câu Kiều, tiếng mẹ ru hời, điệu hò thánh thót

+ Tiếng “sáo trúc”, “khúc dân ca”, “nghe bà kể chuyện”, “Trung thu”…

=> Sử dụng lời thơ tự do, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng thơ mềm mại mà da diết.

=> Đất nước của Huỳnh Thanh Hồng thẫm đẫm sự tự hào, trân trọng và biết ơn khi được sống trong không gian bình dị, trong “cái nôi” văn hóa, trong tình yêu thương.

 

– Góc nhìn tự hào về một đất nước quật cường, anh dũng

+ Mưa bom bão đạn vẫn “reo”, vẫn “hát”.

+ “Từng ấy những yêu thương”, “tiếng mẹ ru hời”

=> Trong hình hài ấy vẻ đẹp, sự sống, những giá trị vật chất, tinh thần ấy, mỗi người đều đã và đang thừa hưởng, tiếp nối và phát triển.

=> Thông qua tác phẩm thấy rõ dấu ấn riêng của người nghệ sĩ trong cách sáng tạo. Đó là cách tiếp cận, phát hiện, khám phá đầy hiện thực về một đất nước với hình hài, cách sốngxuất phát từ chính những truyền thống văn hóa, đạo lý từ ngàn đời.

3. Kết bài

Bài thơ Cám ơn đất nước của Huỳnh Thanh Hồng là một bài thơ ý nghĩa, gửi gắm nhiều tình cảm, cảm xúc chân thành của người con lớn lên từ những điều bình dị mang hình hài đất nước.

Phân tích góc nhìn về “Đất nước” trong hai đoạn thơ “Cảm ơn Đất nước”

Ở góc nhìn đất nước của tác giả Huỳnh Thanh Hồng, đó là một tình yêu nước thẫm đẫm, sâu sắc đến từ lòng tự hào trước nỗi mất mát của chiến trành, là những điều giản dị đơn sơ nhưng lại mang giá trị tinh thần, văn hóa mà sẽ tồn tại và phát triển tới ngàn đời sau.

Thi ca xưa nay vẫn luôn tìm cảm hứng từ hình ảnh đất nước. Đây là nguồn cảm hứng bất tận, khơi gợi cảm xúc cho biết bao ngòi bút văn chương lỗi lạc. Ở mỗi thời đại, Đất nước lại được định nghĩa theo những quan niệm khác nhau. Đó là một Đất nước hào sảng, thiêng liêng, mang dáng vóc kỳ vĩ trong lời thơ Lý Thường Kiệt:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư”

Hay một Đất nước bình dị, gần gũi đến lạ thường trong thơ Nguyễn Khoa Điểm:

“Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất nước bắt đầu với miếng trầy bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng trẻ mà đánh giặc”

Còn “Cám ơn Đất nước” của Huỳnh Thanh Hồng lại là tình yêu vô bờ, lòng biết ơn Đất nước của tác giả. Ở đó có những trải nghiệm và ký ức của nhân vật trữ tình về cuộc sống thường ngày, từ đó nêu bật những giá trị văn hóa truyền thống đáng quý của hai từ “Đất Nước”.

Không giống như những nhà thơ khác, ngay từ những vần thơ đầu tiên, tác giả Huỳnh Thanh Hồng đã gợi nhắc về một đất nước với những nỗi đau và mất mát. Đó là cái “thuở quê hương còn gồng gánh” từ chiến tranh và những sự hi sinh thầm lặng. Họ có thể là các anh hùng kiệt xuất như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lý Nam Đế, Ngô Quyền… Nhưng cũng có thể là người dân bình dị, vô danh, khốn khó nhưng “đã đứng lên thành những anh hùng”. Tất cả họ đều đã hiến dâng cuộc đời mình vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải qua sự dai dẳng của thời gian, qua bao sóng gió, đất nước đã đoàn tụ, quây quần. Góc nhìn của nhân vật trữ tình lúc này ấm áp, dung dị khi mang đến một đất nước với những hình ảnh hết sức thân quen với “rẫy mía”, “bờ ao”, “thả cánh diều”, “lội đồng hái súng “… Ở đây, cái tình cảm yêu nước hết mực của nhân vật trữ tình được tái hiện thông qua những điều quen thuộc nhất với cảnh vật, cuộc sống, con người trên quê hương. Tình cảm đó được thể hiện một cách sâu sắc, xúc động thông qua lời thơ tự do, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng thơ mềm mại mà da diết.

Đất nước của Huỳnh Thanh Hồng còn gợi nhắc cả một trời văn hóa xứ sở, là miền trời ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ  mà cứ thế lặng lẽ theo chân chúng ta cho đến hết cuộc đời. Đó là câu Kiều, tiếng mẹ ru hời, điệu hò thánh thót. Biện pháp nghệ thuật liệt kê được sử dụng linh hoạt nhằm nhấn mạnh về một đất nước mang đậm bản sắc nguồn cội với “sáo trúc”, “khúc dân ca”, “nghe bà kể chuyện”, “Trung thu”… Đất nước ấy còn bình dị, gần gũi nhưng cũng cao cả, thiêng liêng với hình ảnh mẹ dãi nắng dầm sương nuôi con trưởng thành.

Loạt hình ảnh nuôi dưỡng tâm hồn ấy, ta cũng từng thấy đâu đó trong từng lơi thơ của Nguyễn Đình Thi:

“Ta đi ta nhớ núi rừng
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
Bát cơm rau muống quả cà giòn tan…”

Thế mới thấy, đất nước của Huỳnh Thanh Hồng sao mà thẫm đẫm sự tự hào, trân trọng và biết ơn đến vậy khi đã cho mình được sống trong những không gian của “cái nôi” văn hóa, trong tình yêu thương, chở che của gia đình. Đoạn thơ sử dụng cách diễn đạt phóng khoáng; ngôn từ giản dị nhưng đầy gợi cảm cùng với biện pháp nghệ thuật ẩn dụ “lặn lội thân cò” khi nhắc đến hình ảnh lam lũ của người mẹ… người đọc hình dung rõ nhất bức tranh đất nước màu sắc ở nhiều phương diện. Đó là một đất nước có chiều dài về lịch sử, chiều rộng không gian và chiều sâu của văn hóa.

 

Cái hay trong phong cách nghệ thuật của Huỳnh Thanh Hồng trong tác phẩm này còn khiến người ta thấy rõ một đất nước quật cường, anh dũng dù mưa bom bão đạn vẫn “reo”, vẫn “hát”. Trong hình hài “từng ấy những yêu thương”, “tiếng mẹ ru hời” … mọi vẻ đẹp, sự sống, các giá trị vật chất, tinh thần ấy đều đã và đang được thừa hưởng, tiếp nối và phát triển.

Cách sử dụng điệp ngữ cụm từ “Tôi lớn lên” càng khắc họa rõ lòng biết ơn của nhân vật trữ tình tới đất nước. Đó là nơi dù qua bao năm tháng chiến tranh, những mất mát và đau thương nhưng vẻ đẹp, sự sống, giá trị văn hóa cả về vật chất và tinh thần vẫn mãi được gìn giữ và trường tồn theo tháng năm.

Thông qua góc nhìn nghệ thuật của tác giả xuyên suốt bài thơ, người đọc càng thấy rõ dấu ấn riêng của người nghệ sĩ trong cách sáng tạo. Với nhà thơ Huỳnh Thanh Hồng, đó là cách tiếp cận, phát hiện, khám phá đầy hiện thực về một đất nước với hình hài, cách sống xuất phát từ chính những truyền thống văn hóa, đạo lý từ ngàn đời.

Cách nhìn đó không chỉ rất riêng mà còn độc đáo, thú vị. Đất nước ấy không phải là những gì xa lạ, lớn lao, bí ẩn mà rất đỗi gần gũi, quen thuộc với đời sống, tinh thần mỗi người. Trong cái quen mà mới lạ ấy, nhà thơ đã đánh thức được những “khoái cảm thẩm mĩ” nơi người đọc. Chẳng ngoa khi nhà văn Nam Cao từng nhận định: “Mỗi người nghệ sĩ phải luôn luôn tạo dựng được dấu ấn độc; phải biết ‘đào sâu, tìm tòi khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Và Huỳnh Thanh Hồng chính là một nhà thơ như thế!

Bài thơ “Cám ơn đất nước” của Huỳnh Thanh Hồng là một bài thơ ý nghĩa, gửi gắm những góc nhìn, tình cảm của người con lớn lên từ những điều bình dị mang hình hài đất nước. Với lời ca ngợi, sự trân trọng và tràn đầy niềm tự hào về những giá trị vật chất, tinh thần, “Cám ơn đất nước” trở thành tác phẩm khiến người đọc càng thêm trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống đã và đang được gìn giữ, phát huy đến ngày nay.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *