Phân tích điểm đặc sắc của sử thi Đẻ đất đẻ nước

Đẻ đất đẻ nước là áng sử thi thần thoại của người Mường – một dân tộc thiểu số hiện cư trú chủ yếu ở tỉnh Hoà Bình và Thanh Hoá. Dưới đây là bài văn Phân tích điểm đặc sắc của sử thi Đẻ đất đẻ nước


Dàn ý Phân tích điểm đặc sắc của sử thi Đẻ đất đẻ nước


Mẫu số 1

a. Mở bài: Giới thiệu khái quát về sử thi Đẻ đất đẻ nước

b.Thân bài:

* Giới thiệu chung về sử thi Đẻ đất đẻ nước

- Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường đã kể lại những sự việc ở trần gian từ khi khai thiên lập địa, khi vũ trụ còn là một khối hỗn mang, đến khi bản mường được ổn định. 

- Người Mường đã giải thích thế giới theo tư duy thần thoại, tư duy hồn nhiên của con người ở thời bình minh của lịch sử loài người. 

- Đẻ đất đẻ nước là sự hệ thống hoá các thần thoại và truyền thuyết của dân tộc Mường.

- Tác phẩm là niềm tự hào của người Mường, và pho sử thi thần thoại này vẫn được các thầy cúng đọc trong các nghi lễ cúng người chết.

- Tác phẩm thể hiện trí tưởng tượng vô cùng phong phú và sinh động của người Mường xưa.

* Điểm đặc sắc của sử thi Đẻ đất đẻ nước

- Sử thi Đẻ đất đẻ nước là một công trình văn hóa nguyên hợp.

+ Giá trị văn hóa, bản chất văn hóa của sử thi thần thoại này đã được khám phá nhiều mặt trong đó có cả văn học dân gian, văn hóa dân gian, cả triết học, sử học, dân tộc học. 

+ Trong sử thi Đẻ đất đẻ nước có thể nhận thấy những đặc trưng, sắc thái riêng của nghệ thuật dân gian. Cách cảm, cách nghĩ của người miền núi xưa đã tạo nên cách nói năng mang dấu ấn riêng biệt. Người Mường dùng lối đối lời, đối câu tạo nên những hình ảnh trùng điệp, chồng chất tầng tầng lớp lớp.

+ Nó được sáng tạo theo cảm hứng cội nguồn mang ý tưởng “ chim tìm tổ,người tìm tông” mà ý tưởng ấy còn tràn đầy âm hưởng sử thi, vừa có tính dân tộc cụ thể, vừa có tính nhân loại phổ quát.

- Giá trị ngữ văn dân gian của của Đẻ đất đẻ nước. 

+ Đó là kiểu mầu nhân vật anh hùng văn hóa Lang Cun Cần và phân thân của nhân vật này là Lang Cun Khương.  

+ Kiểu tư duy thẩm mĩ sử thi Mường còn được biểu hiện qua hệ thống các chi tiết trùng điệp vốn là thủ pháp đặc trưng trong nghệ thuật sử thi thế giới,là thành tố ưa dùng trong các cấu trúc đặc biệt hoành tráng.

+ Đó còn là cả một hệ thống từ ngữ đặc biệt giàu tính tượng hình tượng thanh với rất nhiều hình ảnh ví von so sánh đa chiều, vừa cụ thể theo tiêu chuẩn tôn trọng thực tiễn Mường một cách hồn nhiên, vừa gợi cảm.

+ Đó là thứ ngôn ngữ đã mang tính thiêng, phản ánh chức năng tộc người của văn hóa.
sử thi có nhan đề hết sức đặc biệt. 

c. Kết bài: Khẳng định lại giá trị của sử thi Đẻ đất đẻ nước.

 Phân tích điểm đặc sắc của sử thi Đẻ đất đẻ nước

Mẫu số 2

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm 

2. Thân bài

Tóm tắt và nguồn gốc sử thi

Cảnh tượng thế giới người Mường ở thời kì hỗn mang 

Thế giới. “Hỗn mang”, chưa hình thành: bát ngát, mênh mông

Con người

Phân tích các cụm từ “ muốn dậy nhưng chưa có” và “ muốn dậy nhưng chưa có chưa nên”

Giá trị văn hóa và Giá trị nghệ thuật.

3. Kết bài 

Đặc sắc của sử thi Đẻ đất đẻ nước.


Bài văn Phân tích điểm đặc sắc của sử thi Đẻ đất đẻ nước


Mẫu số 1

Dân tộc  Mường với bộ sử thi “Đẻ đất đẻ nước” đã kể cho con cháu nghe về cuộc sống cha ông từ thuở khai thiên lập địa. Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” được coi là một bộ bách khoa toàn thư về phong tục của người Mường, ở đó lịch sử của người Mường được tái hiện qua trí tưởng tượng trong trẻo, hồn nhiên, khoáng đạt đến kì lạ của con người.

Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường đã kể lại những sự việc ở trần gian từ khi khai thiên lập địa, khi vũ trụ còn là một khối hỗn mang, đến khi bản mường được ổn định. Người Mường đã giải thích thế giới theo tư duy thần thoại, tư duy hồn nhiên của con người ở thời bình minh của lịch sử loài người. Đẻ đất đẻ nước là sự hệ thống hoá các thần thoại và truyền thuyết của dân tộc Mường, vì thế tầm vóc của nó rất đồ sộ. Tác phẩm là niềm tự hào của người Mường, và pho sử thi thần thoại này vẫn được các thầy cúng đọc trong các nghi lễ cúng người chết. Tác phẩm thể hiện trí tưởng tượng vô cùng phong phú và sinh động của người Mường xưa.

Ngay từ thuở xa xưa, dân tộc Mường không ngừng nhận thức, khám phá và lý giải nguồn gốc muôn vật và loài người, không ngừng tìm hiểu những hiện tượng tự nhiên đầy bí ẩn tác động lên sự sống con người. Người Mường cho rằng không có thần linh hay thần thánh nào sinh ra đất, nước mà chính tự nhiên đã đẻ ra đất, trời, đẻ ra nước nên mới có sông, suối. Cuộc sinh nở này thật là vĩ đại song chưa có con người, chưa có muôn loài. Đất trời khi đó hoang vu, lạnh lẽo.

Có thể nói, sử thi Đẻ đất đẻ nước là một công trình văn hóa, nguyên hợp.Giá trị văn hóa, bản chất văn hóa của sử thi thần thoại này đã được khám phá nhiều mặt trong đó có cả văn học dân gian, văn hóa dân gian, cả triết học, sử học, dân tộc học. Trong sử thi Đẻ đất đẻ nước có thể nhận thấy những đặc trưng, sắc thái riêng của nghệ thuật dân gian. Cách cảm, cách nghĩ của người miền núi xưa đã tạo nên cách nói năng mang dấu ấn riêng biệt. Người Mường dùng lối đối lời, đối câu tạo nên những hình ảnh trùng điệp, chồng chất tầng tầng lớp lớp, phù hợp với cấu trúc có tính hoành tráng của sử thi. “Mưa dầm dề chín đêm mười ngày/ Mưa rào rào chín buổi sáng mười đêm” Điều này đã thể hiện được cả hai vẻ đẹp, vẻ đẹp trí tuệ và vẻ đẹp tâm hồn của người Mường trong trường ca Đẻ đất đẻ nước.

Nó được sáng tạo theo cảm hứng cội nguồn mang ý tưởng “ chim tìm tổ,người tìm tông” mà ý tưởng ấy còn tràn đầy âm hưởng sử thi, vừa có tính dân tộc cụ thể, vừa có tính nhân loại phổ quát.Ở đó hiện ra toàn bộ sức sống bền bỉ và sức mạnh hòa hợp của toàn bộ cộng đồng Mường cổ , được tạo dựng từ cuộc đối thoại đầu tiên giữa con người với vũ trụ chứa đầy bí ẩn , đến khi họ bắt đầu ý thức được khả năng vô hạn của mình trên con đường khai sáng.

Giá trị ngữ văn dân gian của của Đẻ đất đẻ nước có thể được xem như là những yếu tố hình thức mang tính quan niệm và nó đã thật sự là kết quả sáng tạo mang đặc trưng mĩ học sử thi thần thoại. Đó là kiểu mầu nhân vật anh hùng văn hóa Lang Cun Cần và phân thân của nhân vật này là Lang Cun Khương.  Kiểu tư duy thẩm mĩ sử thi Mường còn được biểu hiện qua hệ thống các chi tiết trùng điệp vốn là thủ pháp đặc trưng trong nghệ thuật sử thi thế giới,là thành tố ưa dùng trong các cấu trúc đặc biệt hoành tráng. Đó còn là cả một hệ thống từ ngữ đặc biệt giàu tính tượng hình tượng thanh với rất nhiều hình ảnh ví von so sánh đa chiều, vừa cụ thể theo tiêu chuẩn tôn trọng thực tiễn Mường một cách hồn nhiên, vừa gợi cảm theo những mối liên hệ kỳ thú giữa trí tưởng tượng sử thi vốn không bao giờ có giới hạn với cái nền hiện thực miền núi phóng khoáng đã nhuần thấm sắc thắm tâm hồn con người ở một thời còn nguyên sơ nơi thâm sơn cùng cốc. Đó là thứ ngôn ngữ đã mang tính thiêng, phản ánh chức năng tộc người của văn hóa. 

Hơn nữa, sử thi có nhan đề hết sức đặc biệt. Có lẽ tất cả các dân tộc anh em của cộng đồng Việt Nam đều có những cách nói mang bản sắc riêng nhưng không phải dân tộc nào cũng còn lưu giữ được dấu ấn cổ xưa trong các ngôn bản nghệ thuật.Vì thế,cái tên Đẻ đất đẻ nước của sử thi Mường là một trường hợp hết sức độc đáo và còn có tính độc đáo duy nhất ở chỗ nó là một kết quả sáng tạo tập thể. Trong cái lạ của nhan đề này đã bảo tồn được cả cái hay cái đẹp trong tính nguyên hợp của ý nghĩa tư tưởng thẩm mĩ. Khái niệm “đẻ” ghép với “đất” và “nước” chứa đựng một quan niệm đầy vẻ nguyên sơ thô dã, nhưng lại được trình bày dưới một thực tại khách quan có vẻ đoan trang trí tuệ. Thực ra, ở vào cái thuở cổ xưa xa xăm mù mịt, người Mường cổ cũng như nhân loại đều đã từng “ngây thơ hồn nhiên” cho rằng vạn vật cũng như con người đều do một lực lượng nào đó chửa đẻ mà thành!?Con người sinh con đẻ cái , còn những ông thần này, bà thần nọ thì đẻ ra cả vũ trụ mêng mông, cả mặt đất khổng lồ núi non đồng ruộng và cả vạn vật.

Trong dòng chảy thời gian, đã có biết bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật bị thất truyền. Nhưng sử thi “Đẻ đất đẻ nước” vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đó chính là nhờ tâm huyết và công sức của biết bao thế hệ đồng bào Mường.


Mẫu số 2

Văn hóa của đất nước ta vô cùng đa dạng và độc đáo với sự sinh sống của 54 anh em dân tộc. Trong đó nổi bật có dân tộc Mường, với sử thi Đẻ đất đẻ nước của mình, văn hóa dân tộc Mường đã đánh dấu mốc, tạo sự quan tâm trong mọi người về nét độc đáo riêng. 

Đoạn trích Đẻ đất đẻ nước mang khúc ngâm kể mở đầu, xuất phát điểm cho một tự sự trường thiên. Phần trọng tâm chỉ với 49 câu mà người nghệ sĩ dân gian đã dựng lại được cả một bức tranh hoành tráng về cảnh tượng một thế giới Mường cổ vào cái thời “hỗn mang”:

“Ngày xưa sinh đời trước

Dưới đất chưa có đất

Trên trời chưa có trời

Trên trời chưa có ngôi sao đo đỏ

Dưới đất chưa có ngọn cỏ xanh xanh…”

Thời kì này được gọi là “hỗn mang”, khác biệt hoàn toàn với hỗn loạn. Thế giới hỗn mang nghĩa là một thế giới mà ở đó chưa có sự sống, cuộc sống và bất kì hoạt động nào của con người. Cái thế giới trong tưởng tượng ấy là: “Khi đã có ngôi sao đo đỏ ngọn cỏ xanh xanh, khi đã có sông Quanh mó Vận, khi đã có sông Sàng mó Li, khi đã có đường đi lối lại, khi đã có đồi cái đồi con…khi đã có người vụng người tài”. Có thể bạn chưa biết trong tiếng Mường có hai từ sinh và đẻ đồng nghĩa nhưng khác nhau về nguồn gốc và hướng nghĩa. Đẻ là sự đẻ, là hành động đẻ rất cụ thể và có thể xác định được, là một từ gốc Mường cổ. “Sinh” lại là một từ mượn có gốc Hán Việt, có tính khái quát rộng hơn rất nhiều. Khi viết “ Chưa đẻ đồi cái đồi con” tác giả dân gian sử dụng từ đẻ diễn tả một chuyện trong nhiều chuyện của ngày xưa.. Thế mới biết cái “ bức tranh về thế giới Mường cổ vào cái thời hỗn mang”, sáng tạo từ ngôn từ dân gian. 

Trong 49 câu thơ, có sự trùng điệp và cũng có ý lặp lại từ vô cùng phù hợp với cấu tạo về một số quy tắc tự sự sử thi dân gian. Đó là quy tắc về sự mở đầu và kết thúc trong cái nhìn toàn cảnh. Có đủ phần tổng phân hợp.Thế giới trống không hiện lên đủ sự đối lập: cao/thấp, trên/dưới, ngày/đêm, núi/sông, đất/nước, chim/thú, cây/con, đực/cái…một kiểu cấu trúc rất thường gặp trong thần thoại đời sau. Kiểu tư duy này còn để lại dấu ấn trong cả đoạn trích. Đó còn là quy tắc về sự lặp lại, lặp lại đến 34 lần một từ ghép “chưa có” diễn tả trạng thái thế giới “ Thứ gì cũng chưa có, chưa nên”, một thế giới hết sức mông lung:

“Đất còn nên bạc lạc

Nước còn nên bời lời

Trên trời còn nên puổng luổng…”

Trong cái thế giới “hỗn mang” ấy, con người và mọi vật đang dần dần “muốn dậy”. Trong 40 câu sử thi kể về chuyện này, hai từ”muốn dậy” được lặp lại đến 38 lần. Một thế giới bát ngát mà mênh mông. Một thế giới tĩnh lặng, chưa có sự sống đã tạo nên khoảng lặng trong bài sử thi. Ta thấy được sự tuân thủ trong bút pháp sử thi, tuy đã xưa nhưng vẫn độc đáo và mang nét riêng.

Các cụm từ “ muốn dậy nhưng chưa có” và “ muốn dậy nhưng chưa có chưa nên” khiến người đọc không khỏi tò mò. Từ “ dậy”là từ dành được sự ưu tiên lớn trong sử thi Đẻ đất đẻ nước. Từ “dậy” trong tiếng Mường cổ có nghĩa là mọc lên, trồi lên. Thế có nghĩa là trong cõi hỗn mang kia đã chứa đầy vô số đủ các loại mầm sống, hạt sống đã được gieo vãi, đặc biệt trong đó có cả “mầm người” nhưng “chưa dậy” được vì chưa có đủ mặt mũi. Nguời Mường cổ đang tưởng tượng về cái thế giới hỗn mang kia vào một ngày nào đó khi những mầm sống trỗi dậy sẽ thay đổi mà trở nên náo nhiệt. Tất cả mọi thứ sẽ trồi lên và tạo sự sống. Một thế giới Mường sẽ được hoàn thiện từ không đến có, từ thiếu đến đủ, từ lẻ tẻ rời rạc đến độ kết hợp thành hệ thống. Từ cõi hỗn mang đã hình thành một thế giới có trật tự. Và một bức tranh về một cuộc sống thật sự phải là một bộ mặt thế giới có trật tự hài hòa. Từ đó nói lên khát vọng của người Mường cổ về một thế giới hòa hợp, sống dậy và hoàn thiện sau cái sự hỗn mang.. Sử thi Đẻ đất đẻ nước của tộc người Mường đã bắt đầu từ chỗ phải bắt đầu. Phương pháp tư duy để viết nên sử thi của người Mường cũng thật độc đáo.

Sử thi Đẻ đất đẻ nước đã góp phần đặc sắc độc đáo về văn hóa Việt. Nghiên cứu về sử thi đã đưa vào nền văn học nước nhà một làn gió mới. Từ đó hiểu được bản sắc, tư duy độc đáo trong suy nghĩ của dân tộc Mường. Đó là lịch sử sáng tạo các giá trị văn hóa Mường cổ đã được tái hiện lại một cách thẩm mĩ từ trong mạch nguồn của một thứ tưởng tượng còn trong trẻo như những giọt nắng đầu tiên vừa tỏa chiếu, những hạt lúa đầu tiên vừa căng sữa nhú mầm. Có thể gọi đó là những giọt tâm hồn, những hạt trí tuệ Mường cổ đã lắng kết đến độ có sức tập hợp gọi đàn. Đẻ đất đẻ nước có thể coi là niềm tự hào của dân tộc.

Sử thi Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường mang những nét độc đáo riêng, sáng tạo riêng. Từ đó góp phần làm đa dạng văn hóa cũng như là niềm tự hào của cả dân tộc.

Thanh Huyền
8/3/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question