Vịt và Ngỗng là một bài thơ ngộ nghĩnh và đáng yêu của nhà thơ Phạm Hổ. Qua đó nhà thơ muốn gửi gắm một bài học nhẹ nhàng, sâu sắc về sự chăm chỉ và khiêm tốn. Để các bạn có thể hiểu hơn về bài thơ, chúng tôi đã mang tới bài Phân tích bài thơ Vịt và Ngỗng của tác giả Phạm Hổ, mời các bạn cùng tham khảo.

Phân tích bài thơ Vịt và Ngỗng của tác giả Phạm Hổ – Mẫu số 1

Thế giới động vật thật đáng yêu và phong phú, chính vì vậy, rất nhiều nhà thơ, nhà văn đã lựa chọn động vật làm chủ đề sáng tác các tác phẩm văn học. Một trong số đó là nhà thơ Phạm Hổ, một nhà thơ không còn xa lạ với thiếu nhi. Với chủ đề về động vật, ông đã mang tới cho chúng ta bài thơ Vịt và Ngỗng, một bài thơ vô cùng đơn giản nhưng cũng đủ để gửi gắm những bài học sâu sắc trong cuộc sống.

“Ngỗng không chịu học

Khoe biết chữ rồi

Vịt đưa sách ngược

Ngỗng cứ tưởng xuôi

Cứ giả đọc nhẩm

Làm vịt phì cười

Vịt khuyên một hồi:

– Ngỗng ơi! Học! Học!”

Bài thơ xoay quanh hai nhân vật Vịt và Ngỗng, là hai người bạn thân của nhau. Ngỗng ta rất lười biếng, không chịu học hành nhưng lại thích khoe mẽ, giả dối nên nói mình “biết chữ rồi”. Thấy Ngỗng khoe vậy, Vịt liền đưa sách cho Ngỗng đọc, nhưng cuốn sách lại bị nằm ngược. Ngỗng chưa biết chữ nên cũng không hiểu, cứ ngỡ sách đang nằm xuôi rồi, vậy là lẩm nhẩm đọc. Hành động của Ngỗng đã làm lộ ra sự thật, khiến Vịt phải “phì cười”. Vịt liền ngay lập tức khuyên bạn mình học hành ngay đi. Qua đó chúng ta thấy được Vịt là một người bạn tốt, thấy được khuyết điểm của bạn đã khuyên nhủ bạn phải thay đổi bản thân, để trở nên tốt hơn. Tuy chỉ là một câu chuyện đơn giản được kể qua vài lời thơ, nhưng tác giả Phạm Hổ đã mang tới cho người đọc chúng ta một thông điệp thật ý nghĩa đó là phải luôn chăm chỉ học hỏi, phát triển bản thân, khiêm tốn và trung thực, không nên khoác lác, che giấu sự thật như Ngỗng. Trong cuộc sống này, có rất nhiều người như Ngỗng, không chịu học tập, cũng không tài giỏi nhưng lại vì bản tính sĩ diện mà tỏ ra mình giỏi giang, đeo một lớp mặt nạ đối diện với tất cả mọi người. Nhưng sự thật vẫn luôn chiến thắng, một ngày nào đó lớp mặt nạ của những người đó sẽ bị lộ ra. Vậy nên chúng ta đừng như Ngỗng mà hãy cố gắng khiêm nhường, phát triển bản thân, cũng như học hỏi ở Vịt bản tính tốt bụng, giúp đỡ mọi người xung quanh trở thành người tốt.

Bài thơ Vịt và Ngỗng của tác giả Phạm Hổ thật đơn giản, dễ hiểu đối với mọi lứa tuổi. Qua bài thơ, chúng ta đều nhận được bài học tuy đơn giản nhưng vô cùng cần thiết trong cuộc sống, đó là bài học về sự chăm chỉ, cũng như biết giúp đỡ mọi người xung quanh khi họ đi vào con đường sai trái. Có làm được như vậy, chúng ta mới trở thành một người có ích cho gia đình và xã hội.

 

Phân tích bài thơ Vịt và Ngỗng của tác giả Phạm Hổ – Mẫu số 2

Phạm Hổ chắc hẳn là cái tên không còn xa lạ đối với thiếu nhi, bởi ông là nhà văn nổi tiếng chuyên viết các tác phẩm dành cho trẻ em. Đến với những tác phẩm của Phạm Hổ, chúng ta thấy được sự trong sáng, đáng yêu cũng như ẩn chứa trong đó là những bài học ý nghĩa về cuộc sống. Một trong số những tác phẩm đó là bài thơ Vịt và Ngỗng, được xuất bản năm 1970, nằm trong tập Chú bò tìm bạn. Bài thơ đã mang tới hình ảnh thật ngộ nghĩnh, đáng yêu về đôi bạn Vịt và Ngỗng:

“Ngỗng không chịu học

Khoe biết chữ rồi

Vịt đưa sách ngược

Ngỗng cứ tưởng xuôi

Cứ giả đọc nhẩm

Làm vịt phì cười

Vịt khuyên một hồi:

– Ngỗng ơi! Học! Học!”

Ngỗng là một nhân vật có tính cách lười biếng lại còn thêm tật khoác lác, sĩ diện. Tuy chưa biết chữ vì lười học nhưng Ngỗng vẫn đi khoe khoang với Vịt là mình biết chữ rồi. Đúng như cha ông ta nói, cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, Vịt đưa sách để Ngỗng đọc thì Ngỗng ta lại cầm ngược, nhưng không biết điều đó nên vẫn làm bộ đọc nhẩm. Nhìn điệu bộ giả vờ của Ngỗng mà Vịt phải bật cười và khuyên nhủ bạn phải học tập chăm chỉ ngay thôi. Bài thơ Vịt và Ngỗng được Phạm Hổ sáng tác tuy là thơ nhưng lại giống như đang kể lại một câu chuyện vậy. Bằng cách sử dụng biện pháp nhân hóa hai nhân vật Ngỗng và Vịt, nhà thơ Phạm Hổ đã mang tới cho người đọc một bài học thật quý giá về sự chăm chỉ và khiêm tốn trong cuộc sống. Nếu chúng ta lười biếng, không chịu học học hành và khoác lác như Ngỗng, chúng ta sẽ không được mọi người công nhận và quý mến, cũng không thể thành công đạt được ước mơ. Vậy nên mỗi người phải luôn tích cực học tập, học hỏi những người tài giỏi xung quanh, biết khiêm nhường và không khoác lác, như vậy ta sẽ trở thành một người tốt, có ích cho gia đình và xã hội.

Bài thơ Vịt và Ngỗng là một bài thơ tuy đơn giản nhưng lại gây được dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả. Thông điệp mà nhà thơ Phạm Hổ muốn truyền tải đến người đọc thật ý nghĩa. Đó là thông điệp về sự chăm chỉ và khiêm tốn, đây là bài học mà bất kì ai cũng phải tiếp thu để có thể sống hạnh phúc và giúp xã hội phát triển hơn.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *