Tình yêu quê hương là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của các nhà văn, nhà thơ. Mời các bạn tham khảo bài phân tích bài thơ “thiên trường vãn vọng”- Trần Nhân Tông để cảm nhận rõ hơn tình yêu quê hương đất nước của vị vua hiền minh.
Dàn ý Phân tích bài thơ Thiên Trường vãn vọng ngắn gọn
Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả Trần Nhân Tông
– Giới thiệu chung về bài thơ
Thân bài:
1. Giới thiệu chung về bài thơ:
– Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt.
– Tiêu đề: “Thiên Trường vãn vọng”: Từ phủ Thiên Trường trông ra.
– Hoàn cảnh sáng tác: Ra đời sau chiến thắng quân Mông – Nguyên, cuộc sống của người dân được khôi phục, yên bình trở lại.
– Mạch cảm xúc: Bài thơ gợi tả cảnh thôn xóm, đồng quê.
2. Phân tích bài thơ:
* Bức tranh thiên nhiên:
– Hai câu thơ đầu miêu tả cảnh thiên nhiên vùng quê lúc chạng vạng tối
– cảnh vật mờ ảo “tựa khói lồng
– “xóm trước thôn sau” tạo lên một cảnh đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh
– Điệp từ “bán” được lặp lại hai lần tỏ rõ sự băn khoăn
– khung cảnh nửa thật nửa hư “ bán vô bán hữu”
=> Cảnh vật trong hai câu thơ đầu hiện lên thật yên bình
* Bức tranh cuộc sống:
– hình ảnh cánh cò và lũ trẻ đang chăn trâu=> hình ảnh đặc trưng của chốn làng quê
– tiếng “sáo vẳng”, “cò trắng từng đôi liệng” một bức tranh làng quê thật đẹp, thật có hồn
– Cánh cò không xuất hiện đơn lẻ mà bay theo từng đôi, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc
=> Cuộc sống yên bình, con người và thiên nhiên hòa hợp với nhau.
* Nghệ thuật
– Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt
– Nhịp thơ êm ái, hài hòa
– Ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa
Kết bài:
– Khái quát giá trị bài thơ, tình cảm của tác giả
Phân tích bài thơ Thiên Trường vãn vọng ngắn gọn
Trần Nhân Tông là một nhà thơ tiêu biểu của thời Trần. Ông là một vị vua yêu nước, một người anh hùng nổi tiếng với tấm lòng nhân ái. Tác phẩm “thiên trường vãn vọng” thể hiện tinh thần yêu nước sâu đậm của tác giả Trần Nhân Tông. Bài thơ thể hiện tấm lòng nặng tình nặng nghĩa đối với mảnh đất quê hương. Bài thơ được viết nhân dịp Trần Nhân ông về thăm quê cũ ở huyện Thiên Trường.
“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lí ngưu quy tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền”.
Nhà văn Ngô Tất Tố dịch là:
“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”.
Mở đầu bài thơ là nỗi nhớ tràn ngập, da diết của tác giả về quê hương. Hai câu thơ đầu mô tả cảnh chiều hôm chốn thôn quê:
“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.”
Sau khi lãnh đạo đánh thắng được quân Mông- Nguyên, đất nước được độc lập, trở về trạng thái yên bình. Nhân dịp thăm quê hương vua Trần Nhân Tông ngẫu nhiên sáng tác ra bài thơ này. Hai câu thơ đầu miêu tả cảnh thiên nhiên vùng quê lúc chạng vạng tối. Cảnh vật hiện lên mờ mờ ảo ảo. Những xóm làng, mái nhà san sát nhau, mờ ảo “tựa khói lồng”. Đó chính là những làn sương hòa quyện với mái nhà tranh, tạo nên một khung cảnh mờ ảo, nên thơ. Hay đó chính là khói từ bếp lửa của những ngôi nhà trong xóm, mang lại cho ta cảm giác ấm áp, yên bình. Đất nước đã được yên bình, hình ảnh những ngôi nhà liền với bếp lửa cho thấy nhân dân có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Sương khói đan quyện vào “xóm trước thôn sau” tạo lên một cảnh đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Điệp từ “bán” được lặp lại hai lần tỏ rõ sự băn khoăn trước sự mờ ảo của cảnh đẹp. Cảnh vật trong hai câu thơ đầu hiện lên thật yên bình, là cảnh tĩnh với bóng chiều cùng khói bếp, đem đến khung cảnh nửa thật nửa hư “ bán vô bán hữu” gời những cảm xúc khó tả trong lòng người đọc. Chính tình yêu quê hương đất nước, cùng sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc Trần Nhân Tông đã đưa ngòi bút của mình viết lên những lời thơ thật đẹp, thật nên thơ. Hai câu thơ sau cho thấy sự hòa quyện, đan xen giữa con người và thiên nhiên:
“Mục đồng địch lí ngưu quy tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền”
Ngoại cảnh và tâm cảnh phải chăng đang hòa hợp, tạo nên sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người. Bức tranh làng quê đã đẹp này càng thêm đẹp hơn khi có sự xuất hiện của bóng dáng con người. Nhà thơ đã khéo léo khi đưa hình ảnh cánh cò và lũ trẻ đang chăn trâu vào trong tác phẩm, là hình ảnh đặc trưng của chốn làng quê. Trong bóng chiều chập chờn hư ảo là hình ảnh mấy đứa trẻ chăn trâu đang thong thả trên con đường làng. Cùng với đó là tiếng “sáo vẳng”, “cò trắng từng đôi liệng” một bức tranh làng quê thật đẹp, thật có hồn đậm đà phong vị quê hương đất nước. Cánh cò không xuất hiện đơn lẻ mà bay theo từng đôi, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Thi nhân đang phơi phới niềm vui khi được đứng trên mảnh đất thân thương, nơi nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ từ những ngày còn bé. Qua đó cho ta thấy được sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem lại những cảm giác gần gũi, thân thuộc. Con người xuất hiện làm cho không khí bài thơ trở nên sinh động. Cảnh đã đẹp nay có hồn người lại càng đẹp hơn. Hình ảnh con người là nét chấm phá làm cho bức tranh trở nên có hồn. Ta đã từng bắt gặp khung cảnh đẹp đẽ, cùng tình người ấy trong những câu trinh phụ ngâm:
“Nhà thôn mấy xóm chông chênh
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm”
Chỉ bằng một vài nét chấm phá tài hoa, Trần Nhân Tông đã tạo lên một bức tranh làng quê đẹp đẽ, mờ ảo bởi những cánh cò trắng. Một bức tranh thật đẹp và có hồn đậm đà phong vị quê hương, thấm đậm tình người. Với việc sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, hàm súc cùng nhịp thơ êm ái hài hòa, ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa, bức tranh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt hiện lên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
Qua bài thơ “thiên trường vãn vọng”, tác giả như đắm chìm vào cảnh vật, vào non sông đất nước. Ẩn sâu trong đó là tình yêu quê hương, yêu vẻ đẹp thanh bình, bức chân dung của một vị vua hiền minh.