Phân tích bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán

“Lời mẹ dặn” là một bài thơ tự sự chứa đựng một tư tưởng nhân văn, thể hiện bản lĩnh, ý chí con người, đồng thời thể hiện sự quyết tâm với nghiệp cầm bút, dùng ngòi bút để đấu tranh với cái xấu, bảo vệ cái tốt, lý tưởng cao đẹp của nhà văn Phùng Quán. Sau đây, hãy cùng Hocmai360 Phân tích bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán nhé!

 

Phân tích bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán

Dàn ý Phân tích bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả Phùng Quán

- Giới thiệu nội dung chính của tác phẩm Lời mẹ dặn

- Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán

- Trích thơ

2. Thân bài

a. Giới thiệu phong cách sáng tác của tác giả Phùng Quán và hoàn cảnh sáng tác tác phẩm Lời mẹ dặn

b. Phân tích bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán

- Mở đầu bài thơ nhà văn tỉ tê, nhẹ nhàng kể lại tuổi thơ của mình

=> Người mẹ hiện lên vô cùng hiền hậu, thương con hết mực. Dù con học thói xấu nói dối mẹ, mẹ vẫn hiền hậu chỉ bảo, dạy dỗ con nên người.

- Mẹ giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu ý nghĩa của “Chân thật”

=> Mẹ luôn yêu thương, che chở con khỏi những cái xấu của cuộc đời

- Mẹ dặn con trở thành một chính nhân quân tử, không nên vì hư vinh mà đánh mất đi bản chất con người, sự chân thật của chính mình. 

=> Lời mẹ dặn như cây kim chỉ nam, định hướng cuộc đời chí nhân của con.

- Tài hoa, chí hướng, khao khát mãnh liệt của Phùng Quán: trở thành một nhà văn chân thật

=> Phùng Quán thể hiện sự quyết tâm với nghiệp cầm bút, làm một nhà văn chân thật, dùng ngòi bút của mình để đấu tranh với cái xấu, bảo vệ cái tốt, chân lý và lẽ phải.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

- Nêu cảm nghĩ của bản thân

Phân tích bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán

Phân tích bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán

Phùng Quán được biết đến là nhà văn chiến sĩ trọn đời trung thành với cách mạng, với lý tưởng, với tổ quốc thân yêu. Chính vì vậy những sáng tác của ông luôn xoay quanh chủ đề người lính Vệ quốc quân. “Lời mẹ dặn” là một thi phẩm mang đậm chất trữ tình, tác giả thông qua lời dặn của mẹ, nhắn nhủ đến độc giả hãy sống một cuộc sống chân thật và hạnh phúc.

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi

Mẹ tôi thương con không lấy chồng

Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải

Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Tôi muốn làm nhà văn chân thật

chân thật trọn đời

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Phùng Quán là nhà thơ đã dành trọn cuộc đời mình cho văn chương, bằng một nhân cách cao quý và trái tim nhân ái, một tâm hồn luôn nhạy cảm với số phận của những con người. Những năm tháng sống trong quân ngũ đã hình thành nên trong ông một tình yêu tha thiết, âm thầm sống và viết, kiên trì với ngòi bút luôn dành cho đất nước, nhân dân. Bằng cái tâm đầy nhân ái và ngòi bút tài hoa của mình, những vần thơ của ông đã cứu sống được bao tâm hồn tăm tối, mang đến cho bạn đọc nhiều thông điệp sâu sắc, đầy ý nghĩa.

“Lời mẹ dặn” là một bài thơ tự sự chứa đựng một tư tưởng nhân văn, thể hiện bản lĩnh, ý chí con người. Vì một biến cố liên quan đến chính trị trong sự nghiệp văn chương, bài thơ “Chống tham ô lãng phí” của Phùng Quán được đánh giá là một bài thơ “nói xấu chế độ”. Ông đã bị kỷ luật, bị tách khỏi môi trường quen thuộc, cách li với các đồng chí, anh em, bạn bè. Phùng Quán đã sáng tác nên bài thơ “Lời mẹ dặn”, khẳng định bản lĩnh mạnh mẽ của ông, đồng thời bài thơ cũng được xem như là một bản tuyên ngôn sống, tuyên ngôn cầm bút của trí thức văn nghệ sĩ.

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi

Mẹ tôi thương con không lấy chồng

Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải

Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Mở đầu bài thơ, nhà văn tỉ tê, nhẹ nhàng kể lại tuổi thơ của mình: Mồ côi cha năm hai tuổi, mẹ vì thương con không lấy chồng, quanh năm suốt tháng làm nhiều công việc để nuôi con khôn lớn. Dù con học thói xấu nói dối mẹ, mẹ vẫn hiền hậu chỉ bảo, dạy dỗ con nên người. Người mẹ hiện lên vô cùng hiền hậu, thương con hết mực

Phân tích bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán

– Con ơi trước khi nhắm mắt

Cha con dặn con suốt đời

Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi chân thật là gì?

“Mẹ ơi chân thật là gì”, chỉ với một câu hỏi ngây ngô của con trẻ đã khiến chúng ta phải đặt nhiều tâm tư. “Chân thật” có lẽ là phẩm chất mà chúng ta thường bảo phải có trong mỗi con người, nhưng có mấy ai thật sự “chân thật”. “Chân thật” là bản tính thật thà, ngay thẳng, không giả dối, nhưng nó đang dần bị quên lãng vì hư vinh, bon chen, nịnh hót để tồn tại. Nhà thơ Phùng Quán đã thuật lại những lời dạy của mẹ để lên án, phê phán những hành động, thái độ xấu xa, méo mó trong xã hội đầy biến động.

Mẹ tôi hôn lên đôi mắt

Con ơi một người chân thật

Thấy vui muốn cười cứ cười

Thấy buồn muốn khóc là khóc 

Bước đầu, mẹ giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu. “Chân thật” là muốn cười cứ cười, muốn khóc cứ khóc, cứ thoải mái thể hiện cảm xúc của mình, đó là bản tính tự nhiên trong mỗi con người không thể khác được. Mẹ vì thương con, muốn con có một cuộc đời trong sáng, an yên, ấm áp, che chở con khỏi những cái xấu của cuộc đời, không muốn để con biết rằng những điều giản đơn ấy đang dần bị biến chất, không muốn con trở thành một kẻ dối trá sống bằng cảm xúc của những người khác.

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét.

Dù ai cầm dao doạ giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

“Yêu ai cứ bảo là yêu  - Ghét ai cứ bảo là ghét” lời mẹ dặn thấm sâu vào tâm trí con. Mẹ dặn con hãy trở thành người quân tử, yêu ghét rạch ròi, dứt khoác, và cũng không ai có thể khiến con phải thay đổi, động lòng. Những vần thơ giàu nhịp điệu, giàu tính nhạc, như là lời khẳng định ý chí kiến cường, bất khuất của Phùng Quán, ở đời phải sống như một chí nhân quân tử, không nên vì chút lợi lộc, hư vinh mà đánh mất đi bản chất con người, sự chân thật của chính mình. 

Lời mẹ dặn như cây kim chỉ nam, định hướng cuộc đời chí nhân của con. 

Nhưng không! những lời dặn đó

In vào trí óc của tôi

Như trang giấy trắng tuyệt vời.

In lên vết son đỏ chói.

 

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi

Đứa bé mồ côi thành nhà văn

Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm

Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ

Người làm xiếc đi trên dây rất khó

Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn

Đi trọn đời trên con đường chân thật

Qua những vần thơ trên, chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được tài hoa, chí hướng, khao khát mãnh liệt của Phùng Quán: trở thành một nhà văn chân thật. Tuy nhiên, trước sự biến đổi của cuộc đời, đó lại là điều vô cùng khó khăn và không ít nhà văn đã “bẻ cong ngòi bút” đánh mất đi bản chất chân thật của mình.

Tuy nhiên, dù trải qua biết bao sóng gió cuộc đời, Phùng Quán vẫn luôn kiên định, mạnh mẽ, vững chắc bảo vệ lý tưởng cao cả của mình.

Tôi muốn làm nhà thơ chân thật

Chân thật trọn đời

Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Dù sét nổ trên đầu nhưng cũng không thể xô tôi ngã, bút giấy có bị cướp đi tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá, đường mật công danh không thể làm đánh mất bản chất của tôi, một nhân cách, một lý tưởng cao đẹp của riêng tôi. Phùng Quán thể hiện sự quyết tâm với nghiệp cầm bút, làm một nhà văn chân thật, dùng ngòi bút của mình để đấu tranh với cái xấu, bảo vệ cái tốt, chân lý và lẽ phải.

Bằng ngôn ngữ gần gũi, quen thuộc, vần thơ giàu nhịp điệu, sử dụng nhiều biện pháp đối lập: cười – khóc, yêu – ghét, ngon ngọt nuông chiều – cầm dao dọa giết, cùng biện pháp nghệ thuật điệp cấu trúc “Dù … cũng không …”. Bài thơ đã thành công khiến độc giả phải đặt nhiều tâm tư, suy nghĩ sâu sắc về lời dặn của mẹ: đó là triết lý nhân sinh cao cả, dạy chúng ta cách sống, nhân cách sống, đạo đức cao đẹp.

Đồng thời, nhà thơ Phùng Quán cũng gửi gắm đến bạn đọc thông điệp ý nghĩa về sự chân thật. Chúng ta hãy sống một cuộc đời ngay thẳng, thành thật với chính bản thân mình, hãy theo đuổi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

"Lòng ngay nói thật gian tà mặc ai"

Bích Ngọc
3/3/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question