Đề bài: Nghị luận về một vấn đề xã hội gợi ra từ một tác phẩm văn học Lão Hạc (Vấn đề: sự đấu tranh giữa sự sống, cái đói cái nghèo với nhân cách con người)

Thông qua câu chuyện về cuộc đời của lão Hạc, ta đã thấy được sự đấu tranh giữa sự sống, cái đói cái nghèo với nhân cách con người. Cùng tham khảo bài viết của Hocmai360 dưới đây, để làm rõ vấn đề trên nhé.

Nghị luận về một vấn đề xã hội gợi ra từ một tác phẩm văn học Lão Hạc

Lão Hạc là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Nam Cao viết về số phận của những người nông dân trước cách mạng tháng tám. Nổi bật trong truyện là hình ảnh lão Hạc đã trở thành một trong những biểu tượng cho người nông dân Việt Nam. Thông qua câu chuyện về cuộc đời của lão Hạc, ta đã thấy được sự đấu tranh giữa sự sống, cái đói cái nghèo với nhân cách con người.

Cũng như bao người nông dân khác, mặc dù làm việc quanh năm suốt tháng nhưng cuộc sống của Lão Hạc cũng rất nghèo khổ. Lão sống một thân một mình cô đơn vất vả. Cuộc đời cơ cực, nghèo khổ dồn lão đến mức hết đường sinh sống. Lão phải bán con chó trong niềm đau khổ tột cùng bởi đây là kỷ vật duy nhất mà con trai để lại.

 

Nếu như nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên bị cái nghèo, cái khổ làm tha hóa đi cái bản chất lương thiện. Thì lão Hạc lại hoàn toàn trái ngược, đói nghèo đau khổ là thế nhưng không vì vậy mà tha hóa đi nhân phẩm của mình. Lão Hạc vẫn giữ được nguyên vẹn tâm hồn dạt dào yêu thương đáng quý, đáng trân trọng của người nông dân và cả sự tự trọng cao đẹp của mình. Dù nghèo khó nhưng ông vẫn luôn nghĩ đến bổn phận làm cha, luôn làm tròn bổn phận ấy dù phải chịu khổ thậm chí là chịu chết một cách bi thảm. Lão Hạc còn là một người sống đầy tự trọng trước những cám dỗ và tội lỗi. Đặt vào hoàn cảnh như lão người ta có thể ăn trộm ăn cắp nhưng lão thì không. Lòng tự trọng của lão rực sáng khi chọn cái chết để tâm hồn được trong sạch, được chọn vẹn tình nghĩa với mọi người kể cả con chó vàng tội nghiệp.

Dù cuộc sống có bần cùng khốn khổ thiếu thốn khó khăn đến đâu chăng nữa thì vẫn luôn phải giữ cho mình một tâm hồn trong sạch, lương thiện và nhân cách cao cả. Nhân vật lão Hạc là điển hình cho câu tục ngữ “đói cho sạch rách cho thơm” một chân lý một triết lý sống đầy nhân văn. Sống trong xã hội với sự phát triển không ngừng, vẫn luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Có người tự lực đi lên bằng hai bàn tay trắng lao động làm ăn lương thiện và cố gắng giữ gìn phẩm giá của mình bằng mọi cách. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những người có lối sống sai lệch, đánh mất đi nhân phẩm gây ra bao tệ nạn cho xã hội. Họ có thể vì cái đói, cái nghèo, vì lòng tham vô đáy mà bất chấp dùng mọi thủ đoạn để chuộc lợi về mình. Họ mất cả nhân tính để làm những điều xấu xa thất đức chỉ để thỏa mãn lòng tham của bản thân như ăn trộm, bỏ hóa chất vào đồ ăn,…Hành động này cần được lên án, loại bỏ khỏi xã hội.

Qua nhân vật lão Hạc ta thấy được cuộc đấu tranh tâm lý vô cùng khắc nghiệt giữa hoàn cảnh đói nghèo và nhân cách con người. Dù hoàn cảnh nghiệt ngã như thế nào đi chăng nữa mỗi người cần giữ cho mình một tâm hồn trong sáng, lối sống trong sạch, lương thiện và nhân ái để xây dựng nên một cuộc sống văn minh tốt đẹp hơn.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *