Ông cha ta vẫn nhắc nhở rằng: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Tức là dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn phải gìn giữ nhân phẩm của mình sao cho trong sạch, ngay thẳng. Thế mới nói, sự cần thiết phải giữ gìn nhân phẩm con người quan trọng tới mức nào.
Dàn ý Nghị luận Sự cần thiết phải giữ gìn nhân phẩm con người
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: giữ gìn nhân phẩm
2. Thân bài
– Giải thích “Nhân phẩm là gì?’
=> Là những đức tính quý báu mà mỗi người có được. Nói cách khác, nhân phẩm là giá trị làm người của mỗi người và nó được công nhận bởi mọi người xung quanh.
– Tại sao xã hội luôn trân trọng, yêu quý và tôn vinh những người có nhân phẩm tốt đẹp?
=> Các tấm gương nhân phẩm tốt: Danh tướng Trần Bình Trọng;Bác Hồ; thầy thuốc danh y Lê Hữu Trác …
– Làm thế nào để giữ gìn nhân phẩm?
+ Tự chủ động, hoàn thiện bản thân
+ Lắng nghe, góp ý từ mọi người xung quanh
+ Soi mình qua những tấm gương sáng
– Tác hại khi không gìn giữ nhân phẩm
=> Sự coi thường, khinh rẻ, xa lánh từ mọi người. Sự trừng phạt từ pháp luật, cộng đồng và nhân quả của cuộc đời.
3. Kết bài
Dù xuất phát điểm khác nhau nhưng có một chân lý mãi mãi đúng, nhân phẩm con người nằm ở một độ cao mà ai cũng phải vươn tới mới đạt được.
Nghị luận Sự cần thiết phải giữ gìn nhân phẩm con người
Ai đó đã từng nói: “Để làm nên điều kỳ diệu, chỉ cần một nụ cười, một trái tim nhân hậu và một lời nói dịu dàng”. Thật vậy! Mỗi nụ cười, lời nói hay trái tim chân thật từ muôn đời này vẫn là thước đó giá trị đúng đắn nhất. Bởi lẽ đó mà trải qua hàng vạn năm, ông cha ta vẫn nhắc nhở rằng: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Tức là, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn phải gìn giữ nhân phẩm của mình sao cho trong sạch, ngay thẳng. Thế mới nói, sự cần thiết phải giữ gìn nhân phẩm con người quan trọng tới mức nào.
Xã hội ngày càng hiện đại, con người càng có nhiều cơ hội để thể hiện mình. Ai ai cũng bình đẳng, thế nhưng xã hội vẫn phân chia người giàu kẻ nghèo, người đáng được nể trọng còn lại có kẻ thật đáng xem thường. Sự thật vẫn phũ phàng như thế! Bởi lẽ mỗi người đều có một nhân cách và phẩm giá khác nhau. Chính điều đó tạo nên giá trị của họ. Đó là kho báu quý giá mà chẳng có ngọc lụa, vàng bạc nào “trả giá” cho được.
Vậy nhân phẩm là gì? Nhân phẩm chính là những đức tính quý báu mà mỗi người có được. Nói cách khác, nhân phẩm là giá trị làm người của mỗi người và nó được công nhận bởi mọi người xung quanh. Nhân phẩm chỉ thực sự tỏa sáng thông qua lối sống, hành động, việc làm xuất phát từ các mối quan hệ trong đời sống và mang giá trị chuẩn mực đạo đức của xã hội. Bạn đồng ý không? Chẳng ai được người khác công nhận có nhân phẩm tốt nếu như họ luôn đem lòng đố kị, ganh đua với người khác. Chẳng ai được người khác ngưỡng mộ khi họ luôn tự cho mình là tài giỏi, chỉ thích buông lời dèm pha, bới móc mọi thứ.
Người xưa có câu: “Ngọc kia có giũa có mài/ Mới thành hữu dụng, kẻo hoài ngọc đi”. Đây chính là bài học mà chúng ta cần khắc cốt ghi tâm trên hành trình phát triển bản thân mình. Càng trưởng thành, mỗi người sẽ càng hiểu rằng: Người có nhân phẩm tốt là người khôn khéo trong các tình huống ứng xử. Là người luôn biết làm chủ suy nghĩ và hành động của mình, không để ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Là người sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, lắng nghe và thấu hiểu người khác để hoàn thiện chính mình.
Đó là lý do mà xã hội luôn trân trọng, yêu quý và tôn vinh những người có nhân phẩm, đạo đức tốt đẹp ư? Như năm xưa, danh tướng Trần Bình Trọng từng khẳng khái đáp trả lời dụ dỗ của giắc Mông – Nguyên: “Ta thà làm quỷ nước Nam quyết không thèm làm vương đất Bắc”. Như đôi lời “Tự khuyên mình” của Bác Hồ trong tập Nhật ký trong tù: “Kiên trì và nhẫn nại/Không chịu lùi một phân/Vật chất tuy đau khổ/Không nao núng tinh thần”.
Rõ ràng, sử sách đã ghi lại biết bao tấm gương một lòng một dạ giữ trọn thanh danh, nhân phẩm của mình. Qua đó, chúng ta càng thấm thía bài học tự rèn luyện, giữ gìn nhân phẩm con người bởi “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Có thể thấy, nhân phẩm không chỉ là thước đo giá trị một con người mà còn phản ánh cách nhìn nhận của người khác về mình. Nhân phẩm xấu xí đồng nghĩa với việc bản thân không có giá trị, không được người đời tôn trọng. Nhân phẩm mục ruỗng sẽ tự khiến bản thân rơi vào vòng xoáy của sự tham, sân, si.
Thế nhưng chúng ta luôn tự hỏi: Làm thế nào để giữ gìn nhân phẩm? Trước tiên, mỗi người phải tự chủ động thay đổi, hoàn thiện chính bản thân. Hãy luôn chịu khó thu nạp kiến thức, nâng cao kỹ năng để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đủ lý trí, sự tỉnh táo để phân biệt đúng, sai. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ biết tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của mình sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Khi suy nghĩ và hành động đúng đắn đương nhiên sẽ có phẩm chất, nhân cách tốt.
Dù vậy, tự học thôi vẫn là chưa đủ. Chúng ta còn nên soi mình qua những “tấm gương” sáng. Đó có thể là những con người trong lịch sử dân tộc như vị thầy đạo cao đức trọng Chu Văn An, thầy thuốc danh y Lê Hữu Trác hay đơn thuần là những con người tốt đẹp trong chính cuộc sống hàng ngày mà chúng ta bắt gặp. Hơn thế nữa, chúng ta còn cần biết cách lắng nghe góp ý, chia sẻ từ mọi người xung quanh. Không tự ái, không hổ thẹn, không tự ti thì ắt chúng ta sẽ như những bông hoa tự tỏa ngát hương mà thôi.
Nhà triết học Lessing cũng từng nói: “Giá trị của con người không ở chân lí người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu mà ở chỗ gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lý”. Chúng ta luôn muốn khẳng định bản thân? Luôn muốn mình là ai trong mắt mọi người? Đó thực sự là nhu cầu chính đáng!
Thế nhưng không phải ai cũng có được nhận thức đúng đắn về nhân phẩm của mình. Xã hội càng đi lên lại càng xuất hiện nhiều kẻ không có nhân phẩm, đạo đức. Họ sống buông thả, ăn chơi xa xỉ, coi trọng tiền tài và danh vọng hơn cả đạo đức của chính mình. Vì thế, họ sẵn sàng bán rẻ nhân phẩm chỉ để thỏa mãn mong muốn cá nhân. Hay có những kẻ trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu ý chí và tỉnh táo mà nảy sinh thói hư thật xấu, vứt bỏ phẩm giá chỉ để thỏa mãn “cái đói, cái khát” trước mắt.
Cái giá mà họ phải nhận chính là sự coi thường, khinh rẻ, xa lánh từ mọi người. Hơn thế nữa, đó có thể là sự trừng phạt từ pháp luật, cộng đồng và nhân quả của cuộc đời.
Lời của nhà văn Pháp M. Xi-xê-rông quả thực rất đúng: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy luôn giữ gìn cho mình một nhân phẩm tốt đẹp. Đó chính là thước đo thể hiện địa vị và tầm quan trọng của bản thân trong xã hội này.
Cuộc sống này, dù mọi người cùng nhau đứng cùng một quả đất nhưng sẽ có người đứng chỗ cao, chỗ thấp. Dù xuất phát điểm khác nhau nhưng có một chân lý mãi mãi đúng, nhân phẩm con người nằm ở một độ cao mà ai cũng phải vươn tới mới đạt được. Kẻ chạm tay tới độ cao ấy sớm không có nghĩa đã là kẻ tốt nhất mà nằm ở việc đã nhảy như thế nào để đạt được vị trí ấy.