“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài thơ xuất sắc của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Giá trị nội dung và giá trị nghệ đã góp phần tạo nên thành công của bài thơ.

Dàn ý Nghị luận nhận xét đánh giá đặc sắc nội dung nghệ thuật bài Đây thôn Vĩ Dạ

1. Mở bài:

– Khái quát vấn đề cần nghị luận: đặc sắc nghệ thuật và nội dung nghệ thuật bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

2. Thân bài:

– Khái quát tác giả Hàn Mặc Tử: là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam

– Khái quát tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ: thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước đồng thời là khao khát sống đến cháy bỏng của nhà thơ.

– Phân tích nội dung:

+ Khổ thơ 1: bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ

+ Khổ thơ 2: cảnh sông nước xứ Huế đêm trăng

+ Khổ thơ 3: nỗi niềm day dứt của nhà thơ

– Giá trị nghệ thuật: thể thơ, hình ảnh thơ, ngôn ngữ, biện pháp tu từ

3. Kết bài: Khái quát lại vấn đề

Nghị luận nhận xét đánh giá đặc sắc nội dung nghệ thuật bài Đây thôn Vĩ Dạ

Nếu phải chọn một loài hoa đẹp nhất, có lẽ tôi sẽ chọn cánh hồng còn e ấp trong sương đêm. Nếu phải chọn một thanh âm cao nhất, tôi sẽ chọn tiếng hót thiết tha của loài chim họa mi. Nếu phải chọn một bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Tiếng ca của văn chương bao giờ cũng thiết tha, rạo rực, giai điệu của văn chương bao giờ cũng đằm thắm và ngọt ngào. Và một trong những bản nhạc hay nhất của văn chương chạm tới trái tim người đọc nhất phải kể đến tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ lưu lại dấu ấn bởi giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật vô cùng độc đáo:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ

….

Ai biết tình ai có đậm đà”.

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm. Năm 1935, ông mắc bệnh phong nhưng do không chữa trị kịp thời, bệnh ngày càng trở nặng nên sau 5 năm ông đã qua đời tại viện phong Quy Hòa khi mới bước sang tuổi 28. Các tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Lệ Thanh thi tập, Thơ Điên, Thượng Thanh Khí,..
Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ được sáng tác năm 1938 và in trong tập Thơ điên về sau đổi thành Đau thương. Bài thơ được lấy cảm hứng từ tấm ảnh về phong cảnh Huế và lời hỏi thăm của mối tình đơn phương khi ông còn làm ở sở Đạc Điền. Cả bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một bức tranh thôn Vĩ vừa mang vẻ đẹp rất thực với tất cả nét trong sáng, tinh khôi, thơ mộng với những đặc trưng của thiên nhiên xứ Huế, vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước đồng thời là khao khát sống đến cháy bỏng của nhà thơ.

Trước hết, khổ thơ đầu tác giả đã mở ra bức tranh khu vườn Vĩ Dạ vào lúc ban mai:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Mở đầu bài thơ bằng một câu hỏi tu từ: “ Sao anh không về chơi thôn Vĩ”. Câu thơ giống như một lời trách móc của cô gái Huế- thôn Vĩ, hoặc có thể là lời tự trách của chính tác giả. Ba câu thơ tiếp theo là bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật và con người thôn Vĩ. Hình ảnh thiên nhiên: “ Nắng hàng cau- nắng mới lên- vườn xanh như ngọc”. Những tia nắng nhẹ nhàng của buổi sớm mai đã rọi xuống những hàng cau trong vườn còn ướt đẫm sương đêm. Hình ảnh so sánh “ vườn xanh như ngọc” gợi lên bức tranh nhiên xanh mới, tràn trề sức sống của một ngày mới. Hình ảnh con người hiện lên với “ Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. “ Chữ điền” là biểu tượng của khuôn mặt hiền lành, phúc hậu. Câu thơ giúp người đọc hình dung được về đẹp dịu dàng, duyên dáng, hiền lành, phúc hậu của những cô gái xứ Huế. Qua con mắt của nhà thơ, khung cảnh bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ và con người nơi đây hòa quyện vào nhau. Nó tạo lên một bức tranh đẹp, tràn đầy sức sống, thể hiện được tình yêu cảnh vật và con người nơi đây của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Khổ thơ thứ hai, tác giả đã miêu tả Cảnh sông nước xứ Huế đêm trăng:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Khung cảnh bức tranh thiên nhiên đượm buồn: “ gió theo lối gió, mây đường mây”, “dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”. Qua đó, khổ thơ thể hiện tâm trạng u buồn, cô đơn, mong chờ của nhà thơ. Hai câu thơ cuối xuất hiện hai hình ảnh trăng. Hình ảnh “ Sông trăng” hiện lên đó là hình ảnh thiên nhiên đẹp, lạ. Ánh trăng soi xuống dòng sông khiến cho dòng sông lung linh ánh sao vàng, làm cho dòng sông trở nên nên thơ, thi vị hơn. Hình ảnh “ trăng” thứ hai tượng trưng cho hình ảnh tình yêu lứa đôi. Câu thơ “ Có chở trăng về kịp tối nay?” kết hợp với câu hỏi tu từ cho người đọc thấy được nỗi niềm mong chờ, đầy hi vọng của nhà thơ về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước cùng với tâm trạng lo âu của thi sĩ trước bước đi của thời gian, sự hữu hạn của đời người.

Mở đầu bài thơ là bức tranh đẹp về thiên nhiên, con người thôn Vĩ. Sang đến khổ thơ thứ ba, không gian bao quát lên cả hai đoạn chứa đựng những nỗi niềm day dứt về sự hữu hạn của đời người, khao khát cháy bỏng của thi sĩ về tính yêu lứa đôi:

“ Mơ khách đường xa, khách đường xa

Ai biết tình ai có đậm đà?”

Điệp ngữ “ khách đường xa” được nhắc lại hai lần kết hợp với từ “mơ” đã diễn tả tâm trạng mộng tưởng của nhà thơ. Hình ảnh “Khách đường xa” gợi lên sự xa vắng, cách trở . “Khách đường xa” ở đây có thể là những người con thôn Vĩ, những người du khách hay chính những người giai nhân mà chính tác giả đã từng mơ ước. Hình ảnh “áo trắng” kết hợp với ” khách đường xa” mở ra một không gian mơ hồ. Sắc trắng đem đến cho người đọc cảm giác tinh khôi, trong trẻo. Và sắc trắng ấy đã thi vào thơ ca của biết bao thi sĩ. “Ở đây” có thể là không gian của xứ Huế với khung cảnh sớm mai vẫn còn thấm đẫm hơi sương hay cũng có thể là sương khói mờ ảo, nơi tác giả đang chìm đắm với nỗi đau, sự tuyệt vọng. Sự mờ ảo của không gian cũng làm cho câu hỏi “Ai biết tình ai có đậm đà” trở nên khắc khoải hơn, da diết hơn bao giờ.

Câu thơ cuối bài ta có thể hiểu theo hai cách khác nhau. Đó là người con gái xứ Huế có biết tình cảm của nhà thơ sâu đậm đến nhường nào hay nhà thơ có biết cô gái cũng đang có tình cảm với mình. Nhưng dù hiểu theo cách nào câu thơ vẫn thể hiện được niềm khao khát về một tình yêu mãnh liệt của thi sĩ. Một câu hỏi tu từ không lời đáp và đó còn là tiếng kêu tuyệt vọng đớn đau. Và đây cũng như là câu trả lời cho câu hỏi đầu bài “Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Kết cấu đầu cuối hô ứng tạo nên một bài thơ đặc sắc.

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ đặc sắc, thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ. Bài thơ viết theo thể thơ bảy chữ. Hình ảnh thơ độc đáo giàu sức gợi, ngôn ngữ cực tả trong sáng, súc tích khiến cho khung cảnh thiên nhiên trở nên giàu sức sống để nhấn mạnh hơn khao khát sống của người nghệ sĩ. Bài thơ đã sử dụng hàng loạt câu hỏi tu từ, giọng điệu da diết khắc khoải khiến cho bài thơ đọng lại trong lòng người đọc là một nỗi băn khoăn, day dứt về cuộc đời.

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về cảnh vật và con người xứ Huế, thể hiện tình cảm yêu quê hương, đất nước của nhà thơ. Bên cạnh đó, bài thơ đã thể hiện nỗi niềm day dứt của nhà thơ về sự thay đổi của thời gian, sự hữu hạn của đời người. Một năm có bốn mùa luân chuyển, cuộc đời của mỗi người là hữu hạn. Sự day dứt của nhà thơ nhắc nhở mỗi chúng ta sống phải biết trân trọng khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mình. Bởi đời người là hữu hạn, nếu ta không biết trân trọng, cuộc đời sẽ trở nên đáng tiếc hơn bao giờ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *