Trong “Kí sinh trùng” (bộ phim Hàn Quốc đoạt giải Oscar năm 2020), một nhân vật phụ nữ nghèo đã nói: “Nếu tôi giàu, tôi cũng sẽ trở thành một người tử tế”.
Trong cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” (NXB Hội nhà văn, 2018), Đặng Hoàng Giang lại cho rằng: “Tử tế không đắt đỏ, mặc dù có tiền cũng không mua được nó”.
Trong bối cảnh xã hội ngày nay, xuất phát từ những gợi ý trên, hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ chia sẻ quan điểm của anh/chị.
Cuộc sống giống như một dòng nước trong xanh lững lờ trôi, không cần đến những cơn sóng dữ dội khiến ta thấy chao đảo ngả nghiêng, không cần đến những màu sắc rực rỡ vì chỉ làm cho ta thêm huyễn ảo về hạnh phúc. Trên hành trình hữu hạn của đời người, ta chỉ cần những giá trị tinh thần bao bọc tâm hồn trước cuộc đời lắm nỗi thăng trầm. Một trong những giá trị tinh thần có ý nghĩa nhất chính là sống tử tế – một phẩm chất cao đẹp.
Cùng bàn về sự tử tế, trong bộ phim đoạt giải Oscar 2020 “Ký sinh trùng”, một nhân vật phụ nữ nghèo đã nói: “Nếu tôi giàu, tôi cũng sẽ trở thành một người tử tế”; còn trong cuốn “Bức xúc không làm ta vô can”, Đặng Hoàng Giang lại cho rằng: “Tử tế không đắt đỏ, mặc dù có tiền cũng không mua được nó”.
Sự tử tế là gì mà xoay quanh nó có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập gay gắt nhau như vậy? Sống tử tế là sống tình nghĩa với mọi người xung quanh sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ mọi người. Người sống tử tế là người biết mở rộng trái tim mình, dang rộng đôi tay để trao đi cử chỉ yêu thương, không nhỏ mọn, toan tính thiệt hơn.
Ý kiến của người phụ nữ nghèo trong phim “Kí sinh trùng” đã đặt ra điều kiện, giả thiết để trở thành người tử tế là cần giàu có, dư dả tiền bạc để trở nên tử tế; để được coi là tử tế. Đây là quan niệm coi vật chất, tiềm lực tài chính là điều kiện quan trọng, là thước đo sự tử tế của con người. Trong khi đó, quan niệm của Đặng Hoàng Giang về sự tử tế rằng tiền bạc không phải là điều kiện để sở hữu sự tử tế. Hai ý kiến có tính chất đối lập nhau, nhưng cùng hướng tới thể hiện quan điểm về điều kiện để có được sự tử tế, để được coi là người tử tế. Trong bối cảnh xã hội hiện đại với những đổi thay, hai ý kiến góp phần hoàn thiện, bổ sung cho nhau.
Trong xã hội hiện nay, các giá trị vật chất là rất cần thiết, có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển cuộc sống của mỗi người. Khi điều kiện sống dư dả, con người có thể dễ dàng sẻ chia hơn, có cơ hội làm được nhiều điều thiết thực cho những người xung quanh và cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta không được phép tuyệt đối hóa vai trò của vật chất, đó không phải là yếu tố quyết định, tạo nên sự tử tế của con người.
Tử tế là năng lực sống, phẩm chất bên trong, là sự lựa chọn chủ động, tự nguyện, xuất phát từ tâm thiện lương, trong sáng của mỗi người, không phải do yếu tố khách quan hay hoàn cảnh sống quy định: giàu có không đồng nghĩa với tử tế, nghèo khó không đồng nghĩa với thiếu thiện lương.
Tử tế không phải là đặc quyền của những người giàu, tiền bạc không phải là phương tiện, thước đo của sự tử tế: bất kỳ ai cũng có thể trở thành người tử tế (em nhỏ, cụ già, người mất khả năng lao động…) bất kì hành động nhỏ bé, giản đơn, mọi sự sẻ chia về tinh thần đem lại giá trị và ý nghĩa tích cực cho người khác đều được coi là tử tế. Các “anh hùng áo trắng” đang ngày đêm chiến đấu với tử thần, giành giật mạng sống của từng bệnh nhân COVID-19, mẹ Việt Nam anh hùng – Ngô Thị Quýt – may khẩu trang hỗ trợ cho người dân trong mùa dịch, anh Hoàng Tuấn Anh phát minh ra cây ATM gạo giúp cho người nghèo trong đợt covid vừa qua đều là những minh chứng cho sự tử tế vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta.
“Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá, đừng hóa thân thành đá…” (Trần Lập). Vâng, mỗi người chúng ta hãy sống tử tế hơn bằng cách mở lòng sẻ chia, giúp đỡ người khác khi có thể, yêu thương không toan tính thiệt hơn, biết trao đi tấm lòng của mình đúng cảnh, đúng người.