Nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận về vẻ đẹp của đoạn trích “Sử thi buồn”
Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của đoạn trích sau:
Sông Hương rất nhạy cảm với ánh nắng nó thay màu nhiều lần trong một ngày như hoa phù dung và nhiều khi màu nước không biết từ đâu mà có, không giống với màu trời. Đó là một nét động trong cái tĩnh của thành phố, khiến cho dòng sông gây ấn tượng mạnh với ai từng đánh bạn với nó; người ta giữ những kỷ niệm màu sắc khác nhau về nó, giống như về màu áo của người bạn gái yêu mến của mình. Sông vẫn thường xanh, nhưng chính màu xanh trở mình sau cơn lũ mới lạ lùng: nắng vàng lạnh, và dòng sông vừa xanh trở lại hôm qua, màu lục non trẻ trung đến chạnh lòng, như một tình cảm nào tha thiết khôn nguôi trong đời. Cuối hè, Huế thường có những buổi chiều tím, tím cầu, tím áo, cả ly rượu đang uống trên môi cũng chuyển thành màu tím; và sông Hương trở thành dòng sông tím sâm hoang đường như trong tranh siêu thực. Trần Dần từ Hà Nội về chơi Huế, ngày nào cũng ra bờ sông ngồi nhìn chiều tím; lần ấy không nén được lòng, nhà thơ đứng dậy một mình vỗ tay hoan hô dòng sông. Từ đó trong ngôn ngữ của Tư Mã Gãy – Trần Dần mọc thêm một từ mới, gọi Huế là “nhân loại tím”. Trong ngôn ngữ thường ngày, ý niệm “màu tím Huế” có nguồn gốc thiên nhiên rất rõ: đủ độ nồng nhưng màu vẫn ứng sáng, nó không gợi nỗi buồn theo kiểu hoa păng-xê mà là niềm vui nhẹ của những bông cỏ mùa xuân. Nó mang dấu hiệu của một nội tâm trong sáng, giàu có nhưng gìn giữ để không bộc lộ nhiều ra bên ngoài; vì thể với người phụ nữ Huế, màu tím ấy vừa là màu áo, vừa là đức hạnh. (…)
(Trích Sử thi buồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường. Theo Tạp chí sông Hương)
Nghị luận cảm nhận về vẻ đẹp của đoạn trích “Sử thi buồn” – Mẫu số 1
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn tài hoa của nền văn học Việt Nam, người nghệ sĩ ấy có biết bao tác phẩm để đời như: Ai đã đặt tên cho dòng sông, Ngọn núi ảo ảnh,… và tác phẩm “Sử thi buồn” của nhà văn với đoạn trích mô tả vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn của sông Hương, của Huế vào cuối mùa hè. Mở đầu của đoạn trích, chúng ta bắt gặp hình ảnh lộng lẫy, sinh động của dòng sông Hương xinh đẹp, nó khoác trên mình màu sắc được ví như chiếc áo của người bạn gái yêu mến thay đổi nhiều lần trong một ngày tựa như hoa phù dung, trở thành nét động đặc biệt trong thành phố ngập tràn sự bình yên, tĩnh lặng. Những chiếc áo mà dòng sông Hương lặng lẽ đổi thay tràn ngập màu sắc từ màu xanh, lục non trẻ, tím sâm, hết thảy đều được tác giả ngắm nhìn một cách chăm chút sát sao, vì chỉ khi yêu chúng ta mới thực sự để ý đến những thay đổi ấy. Và Huế, cuối hè Huế thường có những buổi chiều tràn ngập một màu tím, một sắc màu mộng mơ, khiến người người ngắm nhìn đều phải tấm tắc khen ngợi tự như Trần Dần. Nhà thơ được nhắc đến trong đoạn trích, từ Hà Nội về Huế chơi, ông cũng bị sắc tìm đặc biệt của Huế hấp dẫn, thu hút đến mức ngày nào cũng phải ra bờ sông ngắm nhìn gọi Huế là “nhân loại tím”. Qua đoạn trích chúng ta càng thấy rõ hơn về tình yêu, sự quan tâm, thấu hiểu của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với xứ Huế đằm thắm, dịu dàng, với dòng sông Hương xinh đẹp, duyên dáng, chỉ những ai thực sự yêu, thực sự thương thì mới có thể khắc họa lại bức tranh cảnh chiều hè của Huế với gam màu tím đặc biệt không nơi đâu có được.
Nghị luận cảm nhận về vẻ đẹp của đoạn trích “Sử thi buồn” – Mẫu số 2
Đoạn trích Sử thi buồn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm cho tâm hồn của những người yêu thích văn chương, yêu thích dòng sông Hương và xứ Huế không khỏi nao nức muốn đến ngắm nhìn sắc màu của dòng sông, của khung cảnh buổi chiều lãng mạn, ngập tràn trong màu sắc tím mộng mơ của xứ Huế.
Với tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông, chúng ta biết rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường yêu da diết dòng sông Hương và cô đố Huế tới nhường nào, nhà văn ngắm nhìn, quan sát mọi thay đổi của dòng sông và giờ đây trong tác phẩm “Sử thi buồn” một trích đoạn miêu tả về sông Hương và Huế đã làm cho những người đọc không khỏi ngạc nhiên với cảnh tượng rực rỡ ấy. Nhà văn ví màu sắc thường xuyên thay đổi không rõ lý do của dòng sông tựa như chiếc áo của người thương, người ta yêu mến, liệu có ai không yêu, không thích lại nhận ra rõ sự đổi thay đó không? chỉ khi yêu chúng ta mới muốn ngắm nhìn từng chút một, dù chỉ là thay đổi thoáng qua thôi cũng không thể thoát ra khỏi ánh mắt của người si tình, một lòng một dạ hướng đến người mình thương. Bằng tình cảm của mình, nhà văn bộc bạch vẻ đẹp với màu sắc tím huyền bí nhưng không kém phần mộng mơ, đưa người đọc đến với khung cảnh chỉ xuất hiện trong những bức tranh sơn dầu, Huế với dòng sông Hương kết hợp lại như người bạn tri kỉ gắn bó mật thiết với nhau trong ánh tìm, không chỉ mỗi Hoàng Phủ Ngọc Tường mà ngay cả nhà thơ Trần Dần trong một chuyến đến thăm Huế cũng không khỏi bị cuốn hút, mãi chìm đắm trong vẻ đẹp kì diệu ấy.
Chỉ một màu tím, đối với trái tim của người nghệ sĩ, người nguyện dâng hết lòng mình với vẻ đẹp của mảnh đất Huế, của dòng sông Hương đã đưa nó trở thành một vẻ đẹp đậm chất riêng biệt, không nơi đâu có được dáng vẻ ấy. Với bút pháp miêu tả chân thực bằng giọng điệu thủ thỉ tâm tình, ngôn từ giàu hình ảnh sinh động, phong phú qua đoạn trích ngắn của nhà văn đã thành công hấp dẫn được sự tò mò, khát khao được ngắm nhìn tường tận vẻ đẹp đặc biệt, kì diệu, thơ mộng của cố đô Huế trong buổi chiều những ngày hè.